Chính sách về sử dụng, trọng dụng và đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) được đổi mới cơ bản thông qua những quy định ưu đãi trong tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh...
Trong thời gian qua, ngoài quy định tại Luật KH&CN năm 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP còn có nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành, quy định về các chế độ, chính sách liên quan đến cá nhân hoạt động KH&CN như Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020), Thông tư số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN; Thông tư số 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC ngày 06/11/2015 hướng dẫn thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; Thông tư số 09/2015/TT-BKHCN ngày 15/5/2015 quy định quản lý hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ …
Các chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng dựa trên những kết quả, thành tích trong hoạt động KH&CN, không phân biệt trong nước hay người Việt Nam ở nước ngoài.
Cũng trên cơ sở Luật KH&CN năm 2013, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2014/NĐCP ngày 22/9/2014 về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam. Trong năm 2020, hai Nghị định này đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&CN (Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020).
Đây là những quy định pháp lý đầu tiên thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách đối với trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động KH&CN trong nước. Một số chương trình và dự án quan trọng cấp quốc gia như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đều có những quy định về sự tham gia của trí thức Việt kiều ở mức độ trung hạn và dài hạn.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021 - 2030” để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Đề án này được phê duyệt và triển khai sẽ góp phần thúc đẩy dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam, tăng cường sự đóng góp của lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho sự phát triển tiềm lực, năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước trong bối cảnh mới.
Về cơ bản, chính sách về sử dụng, trọng dụng và đào tạo nhân lực KH&CN được đổi mới cơ bản thông qua những quy định ưu đãi trong tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh, nâng lương vượt bậc, thăng hạng chức danh không qua thi và không phụ thuộc vào thâm niên công tác và dựa trên những thành tích và kết quả cụ thể của cá nhân hoạt động KH&CN, các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước hàng năm theo đề xuất để thực hiện các hoạt động của nhóm nghiên cứu xuất sắc thuộc lĩnh vực chuyên môn; được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, xuất bản công trình khoa học có giá trị cao về khoa học và thực tiễn; được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để nghiên cứu sau tiến sỹ; thực tập ngắn hạn ở nước ngoài hoặc tham dự hội thảo khoa học chuyên ngành ở trong và ngoài nước, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành,...
Những quy định về chính sách sử dụng, trọng dụng và đào tạo nhân lực KH&CN tại Luật KH&CN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước trong việc hoàn thiện các chính sách thu hút, đãi ngộ đối với các nhà khoa học, chuyên gia tham gia vào các hoạt động KH&CN.
Tính đến năm 2021, cả nước có 187.298 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển, tập trung nhiều ở các tổ chức giáo dục đại học, chiếm 51,99%, tiếp theo là các tổ chức nghiên cứu và phát triển chiếm 17,85%. Nhân lực làm nghiên cứu và phát triển trong khu vực doanh nghiệp chiếm 15,28%. Trong đó, số lượng nghiên cứu viên chiếm 83,63% (khoảng 156.588 người), nhân lực kỹ thuật dưới 7% (khoảng 12.424 người) và nhân lực hỗ trợ dưới 10% (18286 người) .
Trong những năm qua, số lượng và trình độ của đội ngũ nhân lực nghiên cứu đã được cải thiện, tỉ lệ nhân lực nghiên cứu có trình độ trên đại học (tiến sỹ, thạc sỹ) trong tổng số nhân lực nghiên cứu đã tăng từ khoảng 50% (năm 2015) lên gần 57,6% (2021). Trong đó, tỷ lệ nhân lực có trình độ cao (tiến sỹ) tăng nhanh từ khoảng 11% lên 15,62%.
Với đội ngũ nhân lực KH&CN này, KH&CN Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đóng góp thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Một số lĩnh vực trong khoa học tự nhiên (toán, vật lý lý thuyết) có thứ hạng khá cao trong khu vực ASEAN . Bên cạnh đội ngũ nhân lực KH&CN đang làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong nước, lực lượng các nhà khoa học và chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cũng là nguồn lực quan trọng, có nhiều tiềm năng, góp phần kết nối và thúc đẩy trao đổi kỹ năng và ý tưởng, cùng nhau sáng tạo vì mục tiêu phát triển chung của đất nước.
Theo VietQ.vn