Ngày 24/3/2023 Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiệm thu đề tài "Xây dựng mô hình phát triển giống lúa Bắc Thịnh gắn với bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện Nam Sách” do UBND huyện Nam Sách thực hiện.
Sau 2 năm 2021 - 2022 thực hiện cho thấy: Mô hình giống lúa Bắc Thịnh được gieo cấy 360 ha, diện tích cấy máy đạt 90 ha, cấy máy sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa gieo thẳng. Sử dụng máy cấy sẽ cần từ 55 - 60 kg/ha lúa giống. Đối với kỹ thuật ngâm ủ thóc giống ngâm từ 40 - 48 giờ đối với giống cách vụ, 60 - 72 giờ đối với giống liền vụ, 5 - 6 tiếng thay nước một lần. Đất lúa cấy máy được làm kỹ, mặt ruộng phẳng hơn và để mức nước nông, giúp cây lúa phát triển thuận lợi. Mật độ cây cách cây 30 cm x 18 cm, tương đương 23 - 25 khóm/m2. Lượng phân bón cho 1 ha từ 8 - 10 tấn phân chuồng hoặc 1 tấn phân hữu cơ vi sinh; từ 160 - 180 kg đạm u rê trong vụ xuân/đông xuân, từ 150 - 170 kg vụ mùa/hè thu; từ 500 - 600 kg lân Supe, 160 - 180 kg kaliclorua.
Kết quả cho thấy, ngoài các yếu tố về sâu bệnh, chất lượng gạo giống nhau thì lúa Bắc Thịnh cấy máy cho năng suất đạt 75,7 tạ/ha, cao hơn giống lúa Bắc Thịnh gieo thẳng 4,3 tạ/ha. Lúa cấy máy cho hiệu quả kinh tế cao hơn gieo thẳng từ 3,5 - 4,2 triệu đồng/ha. Giống lúa Bắc Thịnh gieo thảo cho năng suất thực thu đạt 71,4 tạ/ha cao hơn giống lúa Bắc Thơm 7 là 10,6 tạ/ha.
Ban chủ nhiệm đề tài đã liên kết với các Hợp tác xã để tiêu thụ thóc thương phẩm cho người dân được 1.500,94 tấn thóc Bắc Thịnh tươi, tương đương 51,4% tổng sản lượng. Hiệu quả kinh tế của giống lúa Bắc Thịnh gieo thẳng cho lãi cao hơn giống lúa Bắc Thơm 7 gieo thẳng từ 5.798.000 - 7.546.000 đồng. Giống lúa Bắc Thịnh ở phương thức cấy máy cho lãi cao hơn 3.500.000 - 4.199.000 đồng so với phương thức gieo thẳng
Sản phẩm gạo Bắc Thịnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2022.
Hải Ninh