Nghề chạm khắc gỗ ở Đông Giao ra đời khoảng thế kỷ 17, với các sản phẩm đồ thờ nổi tiếng như ban thờ, nghi môn, hoành phi, câu đối và đồ trang trí nội thất như ngai, ỷ, cửa võng, tủ, tạng, tràng kỷ, tượng gỗ… Đặc biệt, ở làng Đông Giao, mỗi tác phẩm của người nghệ nhân Đông Giao gắn liền với yếu tố tâm linh và văn hóa của người Việt. Các tác phẩm không chỉ để trưng bày mà còn chứa đựng một ước muốn may mắn, hạnh phúc, ấm no trong cuộc sống.
Nằm ở trung tâm làng nghề Đông Giao, Công ty TNHH và thương mại dịch vụ đồ gỗ Thịnh Phát nổi tiếng với các sản phẩm từ gỗ lu nghiến, lu hương, gốc dễ hương. Là cơ sở sản xuất được xây dựng từ nghề gia truyền 9 đời của họ Vũ Văn - một dòng họ nổi tiếng trong làng nghề ở Đông Giao, trải qua 20 năm gây dựng và phát triển, đến nay Công ty TNHH và thương mại dịch vụ đồ gỗ Thịnh Phát đã sở hữu và sản xuất được nhiều sản phẩm đồ gỗ gia truyền quý hiếm, độc đáo và nhiều hình dáng lạ, bắt mắt lựa theo dáng gỗ tự nhiên, tạo nên những sản phẩm độc đáo, có sức hút lớn trên thịtrường.
Anh Vũ Văn Điệp – Giám đốc Công ty TNHH và thương mại dịch vụ đồ gỗ Thịnh Phát là một nghệ nhân có tiếng ở làng gỗ Đông Giao. Bắt tay mở xưởng sản xuất đồ gỗ từ năm 1993, anh Vũ Văn Điệp giữ vai trò vừa làm chủ, vừa làm thợ trong cơ sở sản xuất của mình. Vốn đam mê với nghề chạm khắc gỗ từ nhỏ, ngay từ khi mới 15 tuổi, anh Điệp đã theo học cách chạm, trổ từ ông cha làm nghề. Cuối năm 1988, anh chính thức trở thành người thợ trong nghề, thực tập trên các khúc gỗ, cho ra những sản phẩm đầu tay. Con đường lập nghiệp với công việc đồ gỗ, xây dựng thương hiệu của ông chủ Công ty Thịnh Phát cũng đã trải qua nhiều gian truân, va vấp thất bại trước khi có được thành công ngày hôm nay. Từ những ngày sản xuất ế ẩm tại thị trường miền Nam, đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đồ gỗ nội thất những năm 2000. Song, anh Vũ Văn Điệp không hề nản chí, trong lúc khó khăn, anh đã tìm được con đường đi của riêng mình.
Công việc chạm khắc gỗ là một công việc công phu, tỉ mỉ đòi hỏi sự khéo léo, thông minh và bản tính cần cù, chịu khó của người thợ. Đây là một nghề thủ công đặc biệt, không đơn thuần mang ý nghĩa về giá trị kinh tế mà nó còn là một nghề mang đậm giá trị văn hoá - nghệ thuật, qua tác phẩm, nghệ nhân thể hiện khát vọng, tư duy nghệ thuật của con người; đồng thời lưu giữ những sắc thái văn hoá quê hương, bản sắc văn hoá dân tộc nói chung. Muốn làm được nghề chạm, người thợ phải đầu tư học việc hàng chục năm mới có thể lành nghề. Biết kỹ thuật chạm khắc rồi phải nhớ các lối, các hoạ tiết, các đề tài. Học nghề chạm khó hơn nhiều so với các nghề thủ công khác vì đây là nghề kỹ thuật gắn liền với mỹ thuật cao. Người thợ không chỉ có sức khoẻ tốt, bàn tay khéo léo, kiên trì mà còn phải có khả năng mẫn cảm, tái hiện đề tài theo mẫu và sáng tạo mẫu mới.
Nghề điêu khắc gỗ chủ yếu làm bằng tay nên ngoài năng khiếu, người thợ phải được đào tạo bài bản qua trường lớp hoặc trải qua thời gian dài làm việc tại các làng nghề thì mới có khả năng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, vừa lòng khách hàng. Để làm ra một sản phẩm gỗ thủ công theo lối truyền thống, người thợ phải tự vẽ lên những phác thảo đầu tiên trên chính bức tranh. Sau đó sử dụng những chiếc đục lớn để tạo ra những đường nét thô sơ ban đầu. Với những đường nét nhỏ và tinh xảo, người thợ sử dụng những chiếc đục nhỏ hơn. Người thợ lành nghề phải thể hiện được cái tôi của người sáng tạo với những đường nét, chi tiết có hồn và phải thực sự tâm đắc với nghề. Vì thế, Công ty Thịnh Phát đã chú trọng đến quá trình đào tạo thợ làm nghề đồ gỗ thủ công mỹ nghệ ngay từ những ngày đầu thành lập.
Để có được những sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, mang dấu ấn riêng, Công ty Thịnh Phát đã tập trung khai thác các yếu tố chạm trổ hoa văn nhỏ, tinh tế, ghi đậm dấu ấn tài hoa của người thợ. Ông chủ Vũ Văn Điệp là nghệ nhân am hiểu văn hóa, luôn tư duy sáng tạo, suy ngẫm trên cơ sở dáng gỗ tự nhiên, tìm ý tưởng từ trong kho tàng văn hóa truyền thống, phác họa những đường nét cơ bản cho sản phẩm, sau đó cùng những người thợ chung sức làm nên sản phẩm hoàn chỉnh.
Để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy quá trình chế tác nhanh hơn, cơ sở Thịnh Phát đã đưa nhiều loại máy móc vào sản xuất. Tuy nhiên, dù máy có chế tạo ra những hoa văn tinh xảo đền đâu thì vẫn cần bàn tay con người thổi hồn vào tác phẩm. Đặc biệt, đáp ứng với xu hướng tiêu dùng trong cơ chế thị trường hiện nay Công ty Thịnh Phát đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên những sản phẩm chạm khắc gỗ vô cùng phong phú, đa dạng.
Các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của Công ty Thịnh Phát đã vượt lên ngưỡng giá trị sản phẩm thủ công, mà đã trở thành tác phẩm nghệ thuật. Từ đơn giản hay hoành tráng có, các tác phẩm đều có nét tinh xảo, độc đáo. Khay trà di lặc gỗ nu nghiến hay khay trà nu sụn dùng để bình trà và các ly tách, mộc mạc nhưng sang trọng, tạo nét tao nhã khi thưởng thức ly trà. Tượng gỗ 12 con giáp, trong đó mỗi bức tượng là hình ảnh của một con giáp được điêu khắc sống động và tỉ mỉ đến từng chi tiết, mang một nét riêng biệt: con trâu hiền lành, con hổ oai hùng… Giỏ hoa quả chế tác từ gỗ nu nghiến tạo nên sự sang trọng cho phòng khách, là sản phẩm được ưa chuộng trong việc trang trí mỗi dịp Tết, để gia chủ bày giỏ bánh, mứt, kẹo, đĩa hoa quả... mời khách đến chơi nhà uống ngụm nước, ăn một chút kẹo để lấy may đầu năm mới. TượngPhật Di Lặc kéo bao tiền làm từ gỗ gù hương, là biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc. Tượng Phật Di Lặc trông trăng làm từ gỗ ngọc am thơm lừng. Ngoài ra còn có các sản phẩm đa dạng như tượng gấu trúc ôm măng gỗ hương, bát mã gỗ hương, đĩa tứ linh phong thuỷ Long - Lân - Quy - Phụng, cầu bát mã gỗ cẩm…
Với những ưu thế là sản xuất các sản phẩm đồ gỗ tự nhiên tinh xảo, sản phẩm của Công ty Thịnh Phát đã tìm được chỗ đứng ở thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chiến lược phát triển của Công ty là tập trung phát triển hai dòng sản phẩm có thị trường lớn, bao gồm đồ gỗ gia dụng và đồ gỗ mỹ nghệ có tính thẩm mỹ cao. Với đồ gỗ gia dụng, các sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu có chất lượng gỗ tốt, kỹ thuật chế tác chính xác. Với đồ gỗ mỹ nghệ đòi hỏi dáng gỗ tự nhiên, phù hợp với sản phẩm. Có những thước gỗ kỳ dị, tưởng chừng như đồ bỏ đi, song Công ty Thịnh Phát vẫn thu thập, sau đó nghiên cứu,tìm hiểu kiến thức hội họa, học hỏi để lựa chọn sản phẩm, đưa ý tưởng của mình phù hợp với dáng gỗ tự nhiên. Các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài, phù hợp nền văn hóa từng vùng miền, trong đó thị trường trong nước tập trung vào gỗ thơm, nhiều tinh dầu, sản xuất các sản phẩm phù hợp văn hóa Việt Nam, thị trường xuất khẩu đòi hỏi sự tinh xảo, hoành tráng.
Đến nay, sản phẩm của Công ty Thịnh Phát đã đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc hội chợ, triển lãm. Năm 2012, 2013, sản phẩm của Công ty đạt 2 Huy chương vàng và 2 Cúp vàng chất lượng sản phẩm ngành xây dựng. Năm 2013, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục cặp bằng gỗ nu nghiến lớn nhất Việt Nam. Năm 2015, UBND tỉnh Hải Dương tặng danh hiệu Nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp. Năm 2016, anh Vũ Văn Điệp được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Với những nét độc đáo trong từng sản phẩm, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ đồ gỗ Thịnh Phát đang ngày càng phát triển, từng bước nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, trở thành cơ sở gỗ mỹ nghệ uy tín trên trong làng nghề Đông Giao cũng như tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Các sản phẩm của Công ty không chỉ dừng lại ở sản phẩm tiêu dùng, mà qua đó giúp khách hàng hiểu biết thêm về những nết văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, góp phần gìn giữ và phát triển một trong những nghề truyền thống của Hải Dương.
Nguyễn Thị Ánh