Rút ngắn thời gian, dễ dàng quản lý lịch trình di chuyển đối với cả chính quyền và người dân là những điểm thuận lợi thấy rõ từ việc ứng dụng quét mã QR.
Phục vụ đắc lực cho phòng chống dịch
Ngày 23.2, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn thực hiện khai báo y tế điện tử toàn dân và khai báo y tế điện tử tại các điểm đăng ký kiểm dịch bằng mã QR. Phần mềm khai báo y tế điện tử bằng mã QR do Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) xây dựng, giúp người dân thuận tiện hơn trong khai báo y tế, trong đó gồm cả lịch trình đi và đến các địa điểm công cộng.
Thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, ông Vũ Văn Phong trú tại phường Hải Tân (TP Hải Dương) đã thực hiện khai báo y tế điện tử cho bản thân và các thành viên trong gia đình. “Áp dụng việc quét mã QR bằng điện thoại thông minh tại các chốt kiểm soát vừa giúp việc khai báo y tế nhanh chóng, thuận tiện, vừa giảm tải áp lực cho lực lượng chức năng khi phải giúp người dân khai báo bằng văn bản”, ông Phong cho biết.
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Thông tin và Truyền thông, đến ngày 2.3, toàn tỉnh đã có trên 2.200 chốt kiểm soát dịch ứng dụng mã QR trong khai báo y tế, bao gồm cả chốt kiểm soát trên các tuyến đường và trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các địa điểm công cộng... Cao nhất là huyện Thanh Miện với 395 chốt, huyện Nam Sách đứng thứ 2 với 333 chốt, xếp thứ 3 là TP Hải Dương với 302 chốt.
Tăng tốc độ triển khai
Từ 0 giờ ngày 3.3, tỉnh Hải Dương sẽ kết thúc 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, gỡ bỏ phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, đồng thời chuyển toàn tỉnh sang một trạng thái mới, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.
Các địa phương trong tỉnh được chia thành 2 nhóm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch khác nhau. Đối với 4 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Kim Thành, Cẩm Giàng, TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương còn lại gồm: Bình Giang, Gia Lộc, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ và TP Chí Linh thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.
Khi thay đổi hình thức áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần nhanh chóng thích ứng để vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là việc khai báo y tế thông qua quét mã QR.
Tuy nhiên, do còn hạn chế về công nghệ nên một số lượng không nhỏ người dân khó khăn trong việc ứng dụng. Ghi nhận tại chợ Bắc Kinh, phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) sáng 1.3, rất ít người đi chợ quét mã QR. Ông Vũ Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo đánh giá: “Một phần vì không có điện thoại thông minh, một phần khác vì dù có quét mã QR thì vẫn cần đo thân nhiệt, trình phiếu đi chợ nên nhiều người chưa thực sự quan tâm”.
Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng khai báo y tế vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của người dân. Ứng dụng công nghệ sẽ giúp đơn giản hóa quy trình, tạo thuận lợi cho người dân trong việc khai báo y tế. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, nhờ công nghệ, người dân không phải đến các cơ sở y tế để khai báo mà có thể khai báo trực tuyến trên các ứng dụng sẵn có. Có thể đối với nhiều người, ngay lập tức sẽ khó nhận thấy tiện ích của việc khai báo điện tử. Nhưng thực tế đã chứng minh, khi phát sinh dịch bệnh, việc truy vết dựa trên điều tra dịch tễ thông thường sẽ gặp hạn chế. Lúc này, những ứng dụng công nghệ như Bluezone hay QR sẽ góp phần nâng cao hiệu quả truy vết. Các ứng dụng khai báo y tế điện tử đang được tiếp tục nâng cấp hoàn thiện, đồng bộ hoá dữ liệu với nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sử dụng.
Thời gian tới, khi Hải Dương gỡ bỏ biện pháp cách ly y tế toàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa điểm công cộng cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng mã QR.