Ứng dụng phương pháp nội soi can thiệp thắt vòng cao su trong điều trị và dự phòng chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan

Xơ gan là một bệnh lý thường gặp trong các bệnh đường tiêu hoá nói chung và trong các bệnh gan mạn tính nói riêng, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 8 ở các nước đang phát triển và thứ 10 ở các nước kém phát triển.

Ứng dụng phương pháp nội soi can thiệp thắt vòng cao su trong điều trị và dự phòng chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan

Một trong những biến chứng nặng, hay gặp và gây tử vong cao nhất là chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản (TMTQ) do hậu quả của tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Giãn tĩnh mạch thực quản sẽ xuất hiện khoảng 30% ở bệnh nhân xơ gan còn bù và khoảng 60% xơ gan mất bù. Với những bệnh viện được trang bị máy nội soi, thì nội soi điều trị được ứng dụng nhiều hơn cả, bởi vì các phương pháp này dễ thực hiện, đơn giản và có hiệu quả tốt trong cầm máu do vỡ TMTQ. Kỹ thuật thắt TMTQ qua nội soi đã được ứng dụng trong lâm sàng, tỷ lệ cầm máu cao, ít biến chứng và thao tác cũng đơn giản hơn. Tại Hải Dương đã bước đầu ứng dụng thắt tĩnh mạch thực quản trong điều trị chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan.

Năm 2020, Tiến sỹ bác sỹ Lê Quang Đức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương) đã “Ứng dụng phương pháp nội soi can thiệp thắt vòng cao su trong điều trị và dự phòng chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan”. Nhằm ứng dụng phương pháp nội soi can thiệp thắt vòng cao su trong điều trị và dự phòng chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan.Hoàn thiện quy trình nội soi can thiệp điều trị và dự phòng chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan bằng phương pháp thắt vòng cao su.

Sau một năm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn 50 trường hợp bệnh nhân chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cho thấy:

Xơ gan là quá trình tiến triển của bệnh lý gan mạn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó hay gặp nhất là do viêm gan virus và do rượu, do vậy thường gặp ở lứa tuổi trung niên và cao tuổi, nhưng cũng không gặp trường hợp bệnh nhân quá 80 tuổi. Trong nghiên cứu này tuổi trung bình là 54,9 ± 8,6 tuổi, thấp nhất 35 tuổi và cao nhất là 71 tuổi. Tỷ lệ chảy máu thường gặp ở độ tuổi trên 40. Tỷ lệ tuổi trẻ ít, ở nghiên cứu này có 4,0% bệnh nhân dưới 40 tuổi, xơ gan ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Chủ yếu nam giới với tỷ lệ rất cao 96%. Đặc điểm của nam giới ở Việt Nam hiện nay sử dụng rượu bia nhiều, đồng thời với nhiễm virus viêm gan, do vậy tỷ lệ nam giới mắc nhiều hơn nữ. Bệnh nhân nhập viện vì triệu chứng nôn máu và đi ngoài phân đen là chủ yếu, chiếm tỷ lệ 53,6%, có 33,8% vào viện vì nôn máu đơn thuần, còn 12,6% các trường hợp bệnh nhân chỉ có đại tiện phân đen là các trường hợp chảy máu ít, mức độ nhẹ.

Về nguyên nhân xơ gan thường gặp nhất là xơ gan do rượu chiếm tỷ lệ 59,1%, do viêm gan virus B và rượu là 20,4%, riêng viêm gan B và C tương ứng là 12,4% và 3,1%. Tỷ lệ xơ gan do rượu ở địa bàn tỉnh Hải Dương ngày càng tăng, rất đáng lo ngại, bởi hầu hết các bệnh nhân đều đang trong độ tuổi lao động, là lao động chính trong nhà, nhưng do uống rượu nên mắc bệnh, làm gánh nặng cho cả gia đình và xã hội, đây cũng là một vấn đề đáng quan tâm của ngành y tế trong việc phòng chống các bệnh lý do rượu trong cộng đồng.

Kỹ thuật thắt vòng cao su tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã được thực hiện từ năm 2011 đến nay, đồng thời được chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Bạch mai và Trung tâm tiêu hóa Bệnh viện E trung ương, việc thực hiện kỹ thuật đạt kết quả cao, thắt thành công 50/50 bệnh nhân đạt 100%, sau thắt các búi giãn xẹp hẳn. Tổng số vòng thắt trung bình là 3,90 ± 0,88 vòng, thấp nhất là 3 và cao nhất là 6 vòng cao su, nên có đủ số vòng để thực hiện kỹ thuật dẫn đến tỷ lệ thành công đạt cao, không có tai biến khi thực hiện thủ thuật.

Có 25 trường hợp bệnh nhân ở nhóm 1 là những trường hợp có chảy máu cấp tính cần phải can thiệp sớm để cầm máu, hạn chế số lượng máu truyền, có 15 trường hợp đang chảy máu, 10 trường hợp máu tạm cầm, trên bề mặt còn cục máu đông mới đỏ tươi, sau khi tiến hành nội soi lại tiếp tục chảy liên tục làm giảm trường quan sát của ống nội soi, việc thực hiện kỹ thuật cần phải nhanh và dứt khoát, đồng thời việc phối hợp của ekip phải hết sức đồng bộ. Tất cả 25 trường hợp này đã được ekip nội soi xử lý kịp thời, thắt thành công các búi thắt, sau thắt bệnh nhân ổn định.

Ở nhóm 2, có 25 trường hợp bệnh nhân thắt dự phòng chảy máu, các trường hợp bệnh nhân đều được chuẩn bị tốt, do thủ thuật tiến hành thuận lợi, 100% thành công, không có chảy máu tái phát. Trong nghiên cứu chúng tôi chỉ gặp 10% biến chứng sau thắt có đau tức ngực sau thắt, nhưng sau một vài ngày bệnh nhân hết đau. Trong nghiên cứu đã không gặp trường hợp bệnh nhân nặng xin về và tử vong trong thời gian nằm viện, có 1 trường hợp chảy máu tái phát. Tỷ lệ thành công là 98%, thất bại là 2%. Trong quá trình theo dõi 50 bệnh nhân có 1 trường hợp chảy máu tái phát do chảy máu chân thắt, phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Sau một năm tiến hành nghiên cứu đã tiến hành điềutrị cho50 bệnh nhânchảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản do xơ gan, thực hiện kỹ thuật nội soi can thiệp điều trị cho 25 bệnh nhân và dự phòng chảy máu cho 25 bệnh nhân. Bệnhlý chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản do xơ gan gặp nhiều ở nam giới, hầu hết vào viện trong tình trạng chảy máu mức độ vừa và nhẹ. Chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản có thể thực hiện được bằng phương pháp thắt vòng cao su, là một thủ thuật an toàn, hiệu quả, không có biến chứng sau thủ thuật. Qua đó Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng được các quy trình gồm: Quy trình kỹ thuật nội soi can thiệp điều trị chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan và Quy trình kỹ thuật nội soi can thiệp dự phòng chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan phù hợp với điều kiện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Hải Ninh

 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây