Đạt được chứng nhận ISO 9001 (hoặc các hệ thống quản lý/ tiêu chuẩn khác) cung cấp những bằng chứng khách quan chứng minh được rằng một tổ chức, doanh nghiệp đã triển khai hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả và thỏa mãn mọi yêu cầu của tiêu chuẩn đang áp dụng.
Điển hình UBND tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị này đã triển khai kế hoạch trong toàn tỉnh và hiện có 39 cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và 104 UBND xã, phường, thị trấn đã thực hiện xong việc xây dựng, chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sang TCVN ISO 9001:2015. Nhờ đó 100% thủ tục hành chính của các cơ quan đều được chuẩn hóa, giải quyết theo quy trình ISO.
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Bình, thời gian qua việc triển khai kế hoạch xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào các cơ quan hành chính nhà nước tại Thái Bình đã đạt được những kết quả khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Việc áp dụng ISO đã góp phần xây dựng quy trình giải quyết công việc một cách khoa học, rút ngắn thời gian, giảm thiểu tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức khi giải quyết các thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân đồng thời xây dựng môi trường làm việc công khai, minh bạch, hiệu quả, góp phần tích cực trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Tuy nhiên, bên cạnh một số đơn vị có thành tích xuất sắc nhờ áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 thì ở một số xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vẫn còn thấp. Việc triển khai tại một số địa phương còn chậm.Do đó, thời gian tới UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố cần ưu tiên tập trung chỉ đạo, triển khai việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO cấp xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Tương tự, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), nhờ tích hợp các công cụ cải tiến năng suất (5S, TPM) với ISO 9001, năng suất lao động của công ty được nâng cao; phương tiện, máy móc, thiết bị đạt hiệu suất trên 90%. Đặc biệt, sự tích hợp TPM với ISO 9001 là yếu tố then chốt giúp NTP nâng cao hiệu suất và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. 5S được NTP thực hiện từ năm 2013 bắt đầu từ một nhà máy. Sau khi thấy hiệu quả, NTP đã mở rộng ra tất cả các nhà máy, văn phòng của công ty trên toàn quốc.
Từ thành công của 5S, NTP tiếp tục triển khai TPM cho các nhà máy sản xuất và tích hợp với ISO 9001, ISO 14000, ISO 50001 cùng các công cụ cải tiến 5S, TPM, LSS, Lean SixSigma. Kết quả đạt được sau 6 tháng triển khai, chỉ số OEE của thiết bị đều đạt trên 50%, thời gian sản xuất giảm từ 132,3 giây/sản phẩm xuống còn 102,92 giây/sản phẩm, năng suất lao động từ 24,7 sản phẩm/người/giờ tăng lên 31,3 sản hẩm/người/giờ, giảm chi phí sản xuất từ 66.006,3 đồng/sản phẩm xuống còn 1.130,1 đồng/sản phẩm, giúp tiết kiệm hơn 1,14 tỷ đồng và giảm 3 công đoạn sản xuất.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Ngọc - Trường Đại học Thương mại, để có thể thực hiện tốt TPM, 5S được coi là hoạt động nền móng. DN thực hiện tốt 5S có thể nhận diện vấn đề và thực hiện cải tiến trong TPM. Phương pháp tích hợp được xây dựng dựa trên nguyên tắc vòng tròn PDCA, cùng với các trụ cột của TPM và điều khoản theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Do vậy, để thực hiện phương pháp tích hợp trên, trước hết, DN phải có quá trình xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, áp dụng công cụ cải tiến năng suất 5S và tiến đến là TPM. Những công cụ này đã góp phần tạo nên nền tảng quản trị vững chắc cho DN.Theo VietQ