Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng công nghệ 5.0

Cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm tỷ lệ dưới 3% các doanh nghiệp nông nghiệp.
Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng công nghệ 5.0

Trước thực trạng đó, ông Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ "hiến kế", viếc hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp căn cơ để ứng dụng công nghệ 5.0 trong ngành này.

Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao

Phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0 vừa được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức chiều ngày 23/7, ông Đặng Kim Sơn nhận định: lực lượng chủ lực trong sản xuất, kinh doanh nông lâm ngư nghiệp ở Việt Nam vẫn là khoảng 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ và vài triệu hộ kinh doanh nông nghiệp. Với quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ bé, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, chỉ khoảng 1 - 2 % doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và trong số đó chỉ khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp). Lực lượng có hạn này đã cố gắng vượt bậc, thường xuyên bắt kịp các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường; trong điều kiện vốn liếng hạn chế, đất đai thu hẹp, lao động tăng giá vẫn liên tục tăng giá trị sản xuất, tăng khối lượng xuất khẩu, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

“Đặc điểm phần lớn chủ thể sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp Việt Nam còn là kinh tế hộ nhỏ lẻ trong khi đối tượng có năng lực áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp nhất lại là các doanh nghiệp vừa và lớn có số lượng rất hạn hẹp. Câu trả lời cho vấn đề này là ứng dụng công nghệ cao”, ông Đặng Kim Sơn đặt vấn đề.

Cả hai mảng xanh và hiện đại đều phải dựa trên nền tảng vững chắc là nông dân, doanh nghiệp. Trong đó chủ lực là các tập đoàn, doanh nghiệp trong ứng dụng KHCN, công nghệ cao. Làm sao để các doanh nghiệp “đứng” được trên các địa bàn như ĐBSCL, ĐBSH và “đứng” được trên các ngành chiến lược như lúa gạo cà phê, điều, thuỷ sản…

Do đó, ông Đặng Kim Sơn đề xuất chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao (khu NNCNC), vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực.

Tại đây nhà nước và doanh nghiệp có cơ chế phối hợp để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ. Hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các doanh nghiệp đầu tàu chịu trách nhiệm chế biến  nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường; gắn bó xung quanh hạt nhân này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương cung cấp vật tư đầu vào, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; các hợp tác xã trang trại và hộ nông dân liên kết tạo thành một tổng thể đồng bộ về quy trình công nghệ, xuất xứ hàng hóa, cùng cung cấp nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian cho hoạt động chế biến và kinh doanh.

Thứ hai, áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ ba, cần nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo, tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học…

Năng suất trong nông nghiệp đã đến ngưỡng

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp) cho biết: Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 3 - 4%, nhất là từ giai đoạn năm 2021 đến nay, với nhiều nỗ lực trong nước và xu hướng tăng giá chung của nhiều mặt hàng nông sản, tăng trưởng nông nghiệp đã đạt mức 3,4 - 3,8%.

Giá trị xuất khẩu nông sản đạt 53 tỷ USD năm 2023. Hiện nay, Việt Nam đứng top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, chè, sắn và sản phẩm gỗ. Yêu cầu đặt ra là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước trong khi nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức.

Đó là năng suất đến ngưỡng, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, tiêu, cá tra… đều đạt năng suất kỷ lục thế giới, trong khi nguồn lực tự nhiên suy giảm; đất canh tác khó có thể mở rộng hơn hoặc phải chuyển đổi thành đất đô thị hoặc suy thoái dần; thiếu nước... Bên cạnh đó, thách thức còn đến từ những quy định mới của các nước về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật về môi trường, tiêu biểu nhất quy định mới về chống phá rừng ở châu Âu...

Trước 3 chữ "biến" của ngành nông nghiệp (biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng), theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, phương châm chính và cách tiếp cận của ngành nông nghiệp đưa ra là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn và tạo ra giá trị cao hơn.

“Làm được điều đó, chỉ có chúng ta cách tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế có giá trị cao hơn, xanh hơn, sạch hơn” - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đây là những ý tưởng chính của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2023 và tầm nhìn đến 2050. Chiến lược dựa trên 3 trụ cột: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, tạo ra đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Trong các chính sách ưu đãi, theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh được ưu tiên nhất với các chính sách hỗ trợ đầu tư từ đất đai, tín dụng, thuế, hạ tầng, nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…

Trình diễn máy bay không người lái gieo lúa giống tại Festival quốc tế lúa gạo Hậu Giang 2023. Ảnh: Kiên Trung.

Cụ thể, chính sách đất đai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng ở mức ưu đãi cao nhất như ưu tiên đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn hay các đối tượng thuê đất đã tính cả những đối tượng không sản xuất nông nghiệp nhưng có đầu tư vào nông nghiệp công nghiệp cao; tăng thời gian thuê đất công từ 5 năm lên 10 năm…

Chính sách tín dụng đã quy định rõ, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ hưởng lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1%/năm so với khoản vay thông thường; không có tài sản đảm bảo được vay 70% giá trị dự án… Câu chuyện chính khi triển khai là xác định tiêu chí, quy hoạch, tài sản đảm bảo trong doanh nghiệp.

Với chính sách ưu đãi thuế, nhiều loại đầu vào cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng mức 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; dự án nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư được xem xét áp dụng chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…

Theo Nongnghiep.vn


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay53,673
  • Tháng hiện tại1,304,635
  • Tổng lượt truy cập4,009,839
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây