Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ngày càng bài bản, khoa học hơn.
Từ đó đã tạo ra đột phá, thay đổi về chất, xây dựng nền tảng vững chắc cho những bước phát triển trong sản xuất nông nghiệp những năm tới.
Hiệu quả rõ rệt
Khu đồng cấy lúa bao năm của thôn Duẩn Khê, xã Long Xuyên (Kinh Môn) giờ đây mọc lên san sát những nhà màng, nhà lưới. Câu chuyện nông sản được mùa, mất giá đã không còn là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây mà hiện tại họ chỉ chú tâm vào chăm sóc rau màu theo đúng quy trình kỹ thuật, chờ đến ngày thu hoạch, doanh nghiệp sẽ tới mang đi tiêu thụ. Anh Dương Văn Dũng phấn khởi nói: “Gia đình tôi có gần 1.000 m2 nhà màng, mới sản xuất được 2 năm mà tôi đã thấy rõ hiệu quả. Mỗi sào dưa lưới, tôi thu lãi 20 triệu đồng, gấp 10 lần cấy lúa mà lại không lo đầu ra”.
Hiện thôn Duẩn Khê có 9 mô hình nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích 10.000 m2. Các hộ liên kết với Công ty CP Nông nghiệp Hải Minh (Cẩm Giàng) để được cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm. “Khi xây dựng nhà màng, tôi cũng đắn đo vì không có kinh nghiệm, vốn bỏ ra lại lớn. Nhờ hỗ trợ của chính quyền, sự giúp đỡ của doanh nghiệp, tôi đã thử đầu tư và thu được kết quả ngoài mong đợi. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà cách làm này còn giúp tôi thay đổi nhận thức trong sản xuất. Để tồn tại, chúng tôi phải bỏ tư duy canh tác manh mún và hướng tới sự chuyên nghiệp”, anh Lê Xuân Khái khoe.
Vì muốn làm NNCNC nên đầu năm 2017, vợ chồng chị Vũ Thị Nhung ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc) đã tự tìm tòi, học hỏi, xây dựng nhà màng trồng rau màu. Nhưng những cố gắng của vợ chồng chị cũng không đủ để có được thành công ngay từ đầu do nhà màng không đạt tiêu chuẩn, hệ thống quạt thông gió đặt không hợp lý. Đã vậy, anh chị còn mua phải giống dưa lưới kém chất lượng. Vì vậy, ngay lứa đầu, gia đình chị Nhung đã lỗ hơn 50 triệu đồng. Từ khi liên kết với Công ty TNHH một thành viên Rau củ quả an toàn Thanh Hà (Thanh Hà) trong sản xuất và tiêu thụ, gia đình chị Nhung đã yên tâm hơn, tránh được nhiều bất lợi, rủi ro. “Với người nông dân, để tự tiếp cận cái mới sẽ rất khó khăn, song nếu có sự giúp sức của cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nông sản thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn nhiều. Giờ đây, tôi đã thành thạo các kỹ thuật chăm sóc theo quy trình VietGAP, nắm bắt được nhiều hơn về tình hình thị trường nên rất có niềm tin về hướng sản xuất này”, chị Nhung cho biết.
Thắt chặt liên kết
Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất là xu thế tất yếu để ngành nông nghiệp có thể đứng vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và những thách thức của biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, thời gian đầu, người dân vẫn còn loay hoay và gặp nhiều rào cản khi tiếp cận hình thức sản xuất này. Nguyên nhân do trình độ của người dân chưa đủ đáp ứng các yêu cầu của sản xuất NNCNC. Vì vậy, việc liên kết với các doanh nghiệp để cùng sản xuất sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn mà nông dân đang gặp phải.
Anh Đào Đình Cây, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Gia Gia (TP Hải Dương) chia sẻ: “NNCNC không những đòi hỏi nguồn vốn lớn mà còn yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, trước làn sóng NNCNC đang ngày một lan rộng thì cách nhanh nhất và hiệu quả nhất nhằm khai thác tối đa lợi thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất là tạo ra sự liên kết giữa các chủ thể làm nông nghiệp”. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều bất lợi, để làm NNCNC thành công phải có sự hợp tác giữa các bên. Doanh nghiệp cần nguồn hàng ổn định, chất lượng tốt cung ứng cho thị trường nên cần đặt hàng với người dân. Còn nông dân cần khoa học, kỹ thuật, đầu ra bảo đảm nên phải hợp tác với doanh nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Thị Hà, hiện nay trước những đòi hỏi từ thị trường, NNCNC ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng phát triển tất yếu. Bên cạnh những mô hình hiệu quả của “nông dân tay ngang”, các mô hình của nông dân thực thụ cũng có chuyển biến tích cực. Đây chính là kết quả của việc liên kết làm NNCNC. Cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đóng vai trò tư vấn, định hướng và là cầu nối để gắn kết nông dân với doanh nghiệp. Doanh nghiệp với nền tảng về vốn, kỹ thuật sẽ hỗ trợ người dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng và quy trình canh tác. Còn người dân với tư cách là chủ thể chủ đạo trong sản xuất sẽ tranh thủ các nguồn đầu tư để nâng cao giá trị sản xuất. Để mối liên kết trong sản xuất NNCNC đạt hiệu quả bền chặt, lâu dài, bên cạnh lợi ích riêng, các bên cần quan tâm tới mục tiêu chung là hình thành một nền nông nghiệp hiện đại.
Theo baohaiduong.vn