Kỹ thuật nuôi cá tra thương phẩm

Cá Tra là 1 trong số 11 loài thuộc họ cá Tra (Pangasindae) được xác định ở sông Cửu Long. Tài liệu mới nhất xếp cá Tra nằm trong giống cá Tra dầu. Cá Tra dầu ít gặp ở Việt Nam và chủ yếu ở Thái Lan và Campuchia, được ghi vào sách đỏ cần được bảo vệ.

 I- Đặc điểm sinh vật học của cá tra
1 - Phân loại
Cá Tra là 1 trong số 11 loài thuộc họ cá Tra (Pangasindae) được xác định ở sông Cửu Long. Tài liệu mới nhất xếp cá Tra nằm trong giống cá Tra dầu. Cá Tra dầu ít gặp ở Việt Nam và chủ yếu ở Thái Lan và Campuchia, được ghi vào sách đỏ cần được bảo vệ.
Phân loại cá Tra:
Bộ cá nheo: Siluniformes
Họ cá Tra: Pangasiidae
Giống cá Tra dầu: Pangasianodon
Loài cá tra: Pangasianodon Hypophthalmus
2 - Phân bố
Cá Tra phân bố chủ yếu ở lưu vực sông Mê Kông gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia.
ở Việt Nam, từ tháng 10 đến tháng 5 cá di cư lên thượng nguồn để sinh sản. Từ tháng 5 đến tháng 9 cá lại di cư về hạ lưu để kiếm mồi. Hàng năm cá bột, cá giống được vớt trên sông Tiền và sông Hậu đưa vào ương nuôi. Ngày nay chúng ta đã chủ động cho sinh sản nhân tạo đại trà ở hầu hết các tỉnh phía Nam. Do vậy đã chủ động cung cấp con giống chất lượng đáp ứng phong trào nuôi.
3 - Đặc điểm hình thái, môi trường sống
Cá Tra là cá da trơn (không có vẩy) thân dài lưng xám, bụng bạc trắng, miệng rộng có 2 đôi râu dài. Cá Tra sống trong nước ngọt, có thể sống ở vùng nước lợ nồng độ muối 5 - 7 ‰, chịu nước chua phèn pH 4 - 5. Chịu rét kém ở nhiệt độ 10 - 120C cá chết hàng loạt. Ưa nhiệt độ cao chịu tới 390C. Lượng hồng cầu trong máu lớn hơn một số loài cá khác. Có cơ quan hô hấp phụ, có bóng khí, hô hấp qua da, chịu đựng tốt trong môi trường nước đặc, thiếu ôxy hoà tan. Tiêu hao oxy thấp hơn các loài cá mè, trôi, trắm cỏ, chép.
4- Đặc điểm dinh dưỡng
Sau khi nở cá Tra tiêu hoá hết noãn hoàng thì chuyển sang thức ăn bên ngoài chúng thích ăn mồi động vật tươi sống. Chúng dễ ăn thịt lẫn nhau ngay trong bể ương nếu cung cấp thức ăn không đầy đủ. Đây là vấn đề trọng tâm cần lưu ý khi ương nuôi cá Tra sau khi nở 3 - 4 ngày. Dạ dày của cá hình chữ V, co giãn được, ruột ngắn không gấp khúc lên nhau mà được treo ngay dưới bóng hơi và tuyến sinh dục sát cột sống. Trong quá trình ương nuôi cá giống dưới ao chúng ăn động vật phù du cỡ nhỏ vừa cỡ miệng và thức ăn do con người cung cấp. Khi cá lớn biểu hiện rất rõ, phổ thức ăn rộng, cá ăn đáy, ăn thiên về động vật nhưng rất dễ chuyển đổi các loại thức ăn. Trong môi trường sống nếu thiếu thức ăn chúng có thể chuyển sang ăn mùn bã hữu cơ, bèo tấm, rong rêu nhỏ, thức ăn có nguồn gốc động vật do con người cung cấp. Trong ao nuôi cá thịt cá Tra có thể sử dụng tổng hợp các loại thức ăn như rau, bèo, cám phụ phẩm lò mổ, động vật đáy và sinh vật phù du v.v...
Bảng 1: Thành phần thức ăn trong một cá Tra ngoài tự nhiên

Loại thức ăn trong một con cá Cá Tra
- Nhuyền thể 20,4%
- Cá nhỏ 21,8%
- Côn trùng 18,2%
- Thực vật thượng đẳng 10,7%
- Thực vật đa bào 1,6%
- Giáp xác 2,3%
- Mùn bã hữu cơ 35%
5 - Đặc điểm sinh trưởng
Cá Tra có tốc độ sinh trưởng tương đối nhanh. Thời kỳ nhỏ phát triển mạnh về chiều dài thân, ương trong ao đất sau 1,5 tháng đạt 8 - 12 cm (cỡ 700 con/kg) cá càng lớn từ 2 kg trở lên thì tăng trọng lượng nhanh hơn so với tăng chiều dài. Tuổi thọ của cá đạt trên 20 năm. Trong tự nhiên đã gặp cá dài 1,8 mét nặng 18 kg. Trong ao nuôi cá bố mẹ cho đẻ đạt 10 tuổi nặng 25 kg.
6 - Đặc điểm sinh sản
Tuổi thành thục: Cá đực 2 tuổi, cá cái 3 tuổi mới phát dục thành thục trọng lượng cá thành thục năm đầu thường từ 2,0 - 2,5 kg/con. Ngoài tự nhiên gặp cá Tra thành thục ở sông Campuchia và Thái Lan.
Cá Tra không có cơ quan sinh dục phụ do vậy nhìn bề ngoài khó phân biệt được cá đực, cá cái. Đến thời thành thục của cá tuyến sinh dục cá phát triển mới phân biệt được cá đực, cá cái. Buồng trứng cá cái tăng dần về kích thước hạt trứng màu vàng hệ số thành thục có thể đạt 15 - 18%. Cá đực tinh sào phân nhánh, màu hồng chuyển dần sang màu trắng sữa (sẹ có màu trắng sữa khi vuốt nhẹ hậu môn).
Mùa vụ thành thục của cá ngoài tự nhiên từ tháng 5 - 6. Khi nuôi cá trong ao dưới tác động của con người cá thành thục sớm hơn 30 - 40 ngày. Ngoài tự nhiên, vào mùa sinh sản cá thường di cư lên các bãi đẻ ở thượng nguồn (địa phận Campuchia), nơi có lưu tốc dòng nuớc 6 lít/phút. Cá đẻ trứng dính vào giá thể như rễ cây, rễ bèo sen, các giá thể trong nước, sau thời gian 20 - 30 giờ trứng nở thành cá bột và trôi theo dòng nước về hạ lưu các con sông, do vậy hàng năm nhân dân thường vớt cá bột ở hạ lưu sông Tiền và sông Hậu về ương nuôi thành cá giống.
II - Kỹ thuật nuôi cá Tra thương phẩm
1 - Chuẩn bị ao nuôi
a - Tiêu chuẩn ao:
Diện tích ao nuôi 200 - 5.000m2, phù hợp 1.000 - 2.000m2, độ sâu ao 1,5 - 2m bờ ao chắc chắn nếu xây hoặc kè bằng vật liệu cứng càng tốt. Bờ ao có chiều cao an toàn không để tràn vào mùa lũ. Ao có điều kiện cấp nước vào ra thuận tiện. Ao thoáng không có cây cao, bụi rậm che phủ, có độ chiếu sáng mặt trời được nhiều nhất trong ngày.
b - Cải tạo ao:
+ Tát cạn ao, bắt hết cá tạp, cá giữ, dọn sạch cỏ rác ven bờ, hang hốc bụi rậm quanh ao, cỏ cây, rác tồn đọng đáy ao.
+ Ao có lớp bùn đen, dày cần vét bớt lên bờ bón cho cây trồng để lại lớp bùn ao sạch có độ dày bùn 15 - 20 cm.
+ Tu sửa bờ có độ soải bờ 450, lấp dò dỉ, hang hốc, cỏ dại, những đoạn bờ nhỏ, yếu cần đắp thêm.
+ Tẩy trùng đáy ao dùng vôi bột hoặc vôi đã tôi nồng độ 30 - 35 kg/sào ao, vôi được rắc đều khắp đáy ao và mái bờ. Vôi bột có tác dụng khử trùng, diệt tạp mầm bệnh và cải tạo pH nhằm ổn định môi trường nước giúp cho tảo làm thức ăn cho cá phát triển.
+ Phơi đáy ao 5 - 7 ngày.
+ Bón lót cho ao bằng phân chuồng ủ mục 100 - 120 kg/sào ao, 50 - 70 kg lá dầm/sào ao.
+ Lọc nước vào ao: Được lọc bằng 2 lần lưới nhằm ngăn không cho địch hại (rắn, cá quả, cá trê, cá rô…), cá tạp lọt vào ao cạnh tranh thức ăn và ôxy trong nước đồng thời địch hại có thể trực tiếp ăn cá giống gây tỷ lệ hao hụt lớn trong quá trình nuôi. Mức nước lọc vào ao đạt 1,0 - 1,2 m có thể thả giống khi thả giống xong cần lọc tiếp nước vào ao đảm bảo mức nước quy định.
2- Thả cá giống
a - Nguồn giống: nguồn giống hiện tại chủ yếu vận chuyển từ miền Nam ra (bằng đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không), cỡ cá giống hiện tại chủ yếu là thả cỡ giống nhỏ 4 - 6 cm hoặc 6 - 8 cm là phổ biến.
b - Mật độ thả nuôi:
+ Nuôi công nghiệp: 10 - 15 con/m2
+ Nuôi thức ăn chế biến: 6 - 8 con/m2
+ Nuôi đầu tư bình thường: 2 - 3 con/m2
Mật độ thả hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ thâm canh và mức độ đầu tư của chủ hộ nuôi, ở đây chủ yếu là yếu tố đầu tư thức ăn sau đó đến đầu tư thiết bị máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công trình nuôi.
3 - Mùa vụ thả giống và thu hoạch
Qua 2 vụ nuôi và quá trình nghiên cứu đặc điểm sinh vật học của cá Tra cho thấy mùa vụ nuôi của các tỉnh phía Bắc nên thả giống vào các tháng 4, 5, 6, 7 và thu hoạch vào các tháng 10, 11, 12.
Lưu ý: Nên kết thúc thời điểm thu hoạch trước 31/12 hàng năm để tránh cá bị chết rét. Nếu muốn giữ cá qua đông cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật lưu giữ cá qua đông theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chuyên môn.
4 - Phân bón và thức ăn nuôi cá
- Cá Tra là loài cá ăn tạp, thiên về thức ăn có nguồn gốc là động vật nhưng chúng rất dễ thích nghi với nhiều loại thức ăn khi cá đã có trọng lượng lớn từ 100 - 200 gam trở lên. Qua thực tế thì đã nuôi cá Tra tận dụng mô hình VAC kết hợp (vườn cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá cho hiệu quả). Tuy nhiên chúng ta cũng cần quan tâm đến thức ăn nuôi cá để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Thức ăn và cách cho cá ăn:
Thức ăn:
+ Thức ăn công nghiệp:
 Tháng đầu tiên dùng thức ăn có hàm lượng đạm 28 - 30%. Tỷ lệ cho ăn 10 - 12% trọng lượng cá trong ao, ngày cho ăn 3 lần.
 Tháng thứ 2: Dùng thức ăn có hàm lượng đạm 26 - 28%. Tỷ lệ cho ăn: 8% trọng lượng cá trong ao, ngày cho ăn 3 lần.
 Tháng thứ 3, 4: Dùng thức ăn có hàm lượng đạm 22 - 26%, tỷ lệ 5% trọng lượng cá trong ao, ngày cho ăn 2 lần.
 Tháng 5, 6, 7: Dùng thức ăn có hàm lượng đạm 18 - 22% Tỷ lệ 3% trọng lượng cá trong ao, ngày cho ăn 2 lần.
Lưu ý: Cám viên công nghiệp có mùi thơm đặc trưng không bị biến dạng, nhiễm khuẩn, nấm mốc v.v...
+ Thức ăn tự chế biến:
Sử dụng nguồn nguyên liệu như cám gạo, cám ngô, bột tấm, đậu đỗ, bột cá nhạt, bột mỳ, sắn, đầu cá, cá tạp… Lưu ý là những chất bột được nghiền nhỏ như ngô thóc được nấu chín trước khi cho ăn được nắm thành viên hoặc qua máy ép viên hoặc máy đùn trước khi cho cá ăn.
Bảng 2: Công thức phối trộn thức ăn

Công thức I Công thức II Công thức III
Nguyên liệu Tỷ lệ% Nguyên liệu Tỷ lệ% Nguyên liệu Tỷ lệ%
- Cám ngô 39 - Cám ngô 49 - Thóc nghiền 20
- Cám gạo 20 - Đỗ tương 20 - Cám gạo 30
- Cá vụn, đầu cá 40 - Bột cá nhạt 30 - Đầu cá, cá tạp 49
- Premix khoáng 1 - Premix khoáng 1 - Premix khoáng 1
- Vitamin C 1 viên nhỏ/kg TĂ - Vitamin C 1 viên nhỏ/kg TĂ - Vitamin C 1 viên nhỏ/kg TĂ
Hàm lượng Protein ước tính (%) 26 - 28 18 - 22 28 - 30
Cách cho ăn:
- Cho cá ăn vào 8 - 9 h sáng, 16 - 17 h chiều buổi sáng 40%, buổi chiều 60% lượng thức ăn trong ngày. Cho cá ăn vào vị trí đầu gió. Không nên đổ thức ăn cùng 1 lúc mà cho ăn từ từ để cá sử dụng được hết tránh hiện tượng dư thừa thức ăn tồn đọng chìm xuống đáy ao gây ô nhiễm nước và lãng phí.
- Thức ăn tự chế biến cần lưu ý phải nấu chín, cá tạp, đầu cá không bị ôi thiu biến chất. Nguyên liệu không bị nấm mốc mối mọt.
- Theo dõi tình hình cá sử dụng thức ăn để điều chỉnh tăng cho phù hợp theo từng thời kỳ của cá. Lúc đầu chúng tập trung thành quầy, đàn khi đưa thức ăn xuống, sau chúng tản dần khi đã bắt đầu no. Do vậy công tác quản lý ao nuôi và chăm sóc có ý nghĩa rất quan trọng.
5 - Quản lý ao nuôi
- Kiểm tra ao vào buổi sáng sớm, trưa, chiều, tối nhằm phát hiện kịp thời đạy cống, dò dỉ, hang hốc, bờ ao gây thất thoát cá. Đồng thời kiểm tra tình hình cá sử dụng thức ăn thừa thiếu, kiểm tra màu nước để có biện pháp điều chỉnh thức ăn tăng giảm và điều tiết nước và các biện pháp sinh học khác nhằm đảm bảo môi trường nước an toàn. Xác định cá bị bệnh để có biện pháp kỹ thuật xử lý kịp thời.
- Cá Tra là đối tượng chịu được môi trường nước đặc tốt nhưng do qúa trình nuôi thâm canh mật độ cao, năng suất cao, đầu tư thức ăn nhiều nên sản phẩm thải cũng rất lớn dễ gây ô nhiễm nước ao nuôi. Do vậy cần thường xuyên có biện pháp thay nước thì cá chóng lớn hơn và đảm bảo an toàn hơn, ít bệnh, ổn định năng suất.
- Hiện nay trong nuôi thâm canh năng suất 50 tấn/ha trở lên cần sử dụng chế phẩm vi sinh kết hợp với máy sục khí cho hiệu quả cao, hạn chế thay nước ao (chế phẩm vi sinh có nhiều loại VD: EM, Biotec, BIO…) máy sục khí những tháng đầu sử dụng ít, những tháng cuối có thể phải sử dụng 18 - 24 h/ngày để đảm bảo cung cấp oxy thường xuyên.
6 - Kiểm tra phòng bệnh ao nuôi
- Mỗi tháng bắt cá lên kiểm tra 1 lần, mỗi lần từ 15 - 20 con cân trọng lượng, đo chiều dài để tính tăng trọng/tháng được bao nhiêu gam để có biện pháp đầu tư thức ăn, xử lý nước.
- Định kỳ 15 - 20 ngày/1 lần té vôi bột hoặc vôi tôi xuống ao, vôi được hoà tan trong nước nồng độ 12 - 15 kg/sào Bắc bộ.
- Dùng chế phẩm vi sinh, hoá chất được phép sử dụng của Bộ Thuỷ sản xử lý nước ao nuôi và khử trùng, diệt tạp (tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn sử dụng của các hãng sản xuất).
7 - Một số bệnh thường gặp trên cá Tra
7.1.1. Bệnh Trùng bánh xe
Dấu hiệu: Khi mới mắc bệnh trên thân, mang cá có nhiều nhầy màu hơi trắng đục, sau chuyển sang màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy, thường lội từng đàn trên mặt nước, riêng cá Tra giống khi bị bệnh thường nhô hẳn đầu trên mặt nước và lắc mạnh, một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi cá bị bệnh nặng mang cá đầy nhớt và bạc trắng, cá bơi lội lung tung không định hướng, sau cùng cá lật bụng mấy vòng chìm xuống đáy ao và chết.
Thời gian xuất hiện bệnh: Bệnh phát triển quanh năm nhưng phổ biến nhất là vào mùa xuân, đầu hạ và mùa thu.
Phòng trị: Biện pháp tốt nhất là vệ sinh ao hồ ương cá thật kỹ trước khi thả giống, phải tẩy vôi tiêu độc ao, không nên thả cá với mật độ quá dày, không dùng phân tươi để bón trực tiếp cho cá, cần ủ kỹ với 1% vôi. Khi cá bị bệnh ta có thể sử dụng một số hoá chất dễ tìm như: Nước muối NaCl 2-3%, CuSO4 3-5 ppm tắm cho cá 5-15 phút, hoặc ta cũng có thể phun CuSO4 với liều lượng 0,3 kg/sào bắc bộ, có thể kết hợp phun 0,2 kg CuSO4 cộng với 0,005 kg Malachite green/sào bắc bộ.
7.1.2. Bệnh Trùng quả dưa (đốm trắng)
Dấu hiệu: Cá bị bệnh thường xuất hiện các đốm trắng nhỏ trên da, mang, vây do có nhiều trùng bám mà thành, có thể thấy rõ bằng mắt thường.. Da, mang cá tiết nhiều dịch nhầy, làm cơ thể có màu sắc nhợt nhạt. Cá bệnh nổi từng đàn trên mặt nước, bơi lờ đờ yếu ớt. Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có nhiều cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Khi cá yếu quá, chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước, sau cùng lộn nhào mấy vòng rồi lật bụng chìm xuống đáy mà chết.
Thời gian xuất hiện bệnh: Mùa xuân và mùa thu.
Phòng trị:
Cần tẩy dọn ao kỹ.
Phơi đáy 3 - 4 ngày trước mỗi vụ ương nuôi.
Phun Malachite green xuống ao giống liều lượng 0,05 kg/sào bắc bộ, phun 2 lần/tuần (ở nhiệt độ 20-280C), đồng thời bón thêm vôi sống khoảng từ 8-10kg/sào bắc bộ.
7.1.3. Bệnh trắng đuôi ở cá hương, cá giống
Dấu hiệu: Vị trí gần đuôi có một điểm trắng, sau đó lan dần về phía trước cho đến vây lưng và vây hậu môn, cả đoạn thân sau màu trắng. Bệnh nặng cá cắm đầu xuống dưới đuôi hướng lên trên tạo thành góc vuông với mặt nước.
Thời gian xuất hiện bệnh: Bệnh có thể xuất hiện quanh năm.
Phòng trị:
Phòng bệnh:
- Tẩy dọn ao triệt để.
- Nguồn nước vào ao phải sạch.
- Thức ăn phải đảm bảo chất lượng, không ôi thiu.
Trước khi thả giống vào ao cần kiểm dịch và sát trùng bằng hoá chất như: CuSO4 nồng độ 3 - 7ppm, Ca(OCl)2 6 - 10ppm, nước muối NaCl 2 - 4%.
Rắc vôi bột xuống ao 1-2 lần trong 1 tháng, liều lượng vôi là 8-10kg/ssào bắc bộ. Có thể thay vôi bột bằng vôi Chlorua vôi với liều lượng 0,6kg/sào bắc bộ.
Bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá.
Trị bệnh:
Dùng kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá: Sulfamid 100-200 mg/1kg cá/ngày, KN 04-12 liều lượng 2-4 g/1kg cá/ngày. Cho ăn liên tục từ 5-7 ngày. Riêng với kháng sinh từ ngày thứ hai trở đi liều lượng giảm đi 1/2 so với ngày ban đầu.
7.1.4. Bệnh do vi khuẩn Edwardsiella
Dấu hiệu: Cá kém ăn hoặc bỏ ăn, gầy yếu, bụng trướng to, xung quanh miệng có các đám xuất huyết, gốc vây xuất huyết, mắt lồi.
Thời gian xuất hiện bệnh: Mùa xuân và mùa thu.
Phòng và trị bệnh:
Dùng các biện pháp phòng chung: Cải thiện chất lượng nước, giảm mật độ nuôi.
Trị bệnh: Dùng Oxytetracylin liều lượng 55mg/kg cá/ ngày, cho ăn liên tục 5-7 ngày.
8 - Thu hoạch
- Cá Tra nuôi sau 6 - 8 tháng cá đạt 1,2 - 1,5 kg/con.
- Đánh lưới nên quây từng góc ao hoặc 1/2 ao vì cá đi theo đàn hạn chế đánh cá vào lưới rồi thả ra làm hại cá và hao hụt lớn.
- Thời điểm thu hoạch đối các tỉnh phía Bắc vì có rét đậm nên tập trung thu vào tháng 11 và kết thúc vào 30/12 dương lịch hàng năm (thu trước thời điểm rét đậm). Nên thu hoạch tập trung 2 – 3 ngày dứt điểm 1 ao sau đó có kế hoạch tát cạn vét bùn khử trùng ao nuôi tiếp vụ cá khác. Như thả mè, trôi, trắm, chép hoặc ương cá giống lớn.
- Cá Tra nuôi sau 6 - 9 tháng nuôi cho năng suất rất cao nếu đầu tư đầy đủ thức ăn 1 ha cho năng suất trung bình từ 30 - 50 tấn/ha (1,0 - 1,6 tấn/sào Bắc Bộ). Một số cơ sở thâm canh tốt, đầu tư thiết bị đầy đủ cho năng suất 120 - 150 tấn/ha.

 

Trung tâm Khuyến nông (NTT sưu tầm)