Kinh tế chính trị học ra đời và phát triển như thế nào? Trình bày đối tượng và phương pháp nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác – Lê nin?
1. Kinh tế chính trị là khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng của cải vật chất và các quy luật chi phối chúng ở các giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội.
Những tư tưởng kinh tế của loài người đã xuất hiện rất sớm. Nhưng với tư cách là một khoa học độc lập, kinh tế chính trị ra đời muộn hơn; nó xuất hiện vào thời kỳ hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, hình thành thị trường dân tộc và biểu hiện lợi ích của giai cấp tư sản đang lên.
Kinh tế chính trị có nhiều hệ thống lý luận, quan điểm, có nhiều trường phái, trào lưu khác nhau.
- Chủ nghĩa trọng thương là trường phái hình thành đầu tiên của kinh tế chính trị. Nó xuất hiện vào đầu thế kỷ XVI ở Châu Âu - thời kỳ chủ nghĩa tư bản mới phát sinh, với đại biểu điển hình là T.Men, nhà kinh tế học người Anh. Gọi là chủ nghĩa trọng thương vì người theo học thuyết này coi nguồn gốc của cải xã hội không phải do sản xuất mà do buôn bán tạo ra và chỉ có lao động trong thương nghiệp, trước hết là trong ngoại thương, mới có khả năng tích lũy của cải. Người theo chủ nghĩa trọng thương coi vàng bạc là tiêu biểu cho sự giàu có của đất nước và làm giàu cho quốc gia, chung quy là sự tích lũy nhiều tiền. Họ chủ trường cần phải sử dụng quyền lực nhà nước để phát triển kinh tế ngoại thương.
- Chủ nghĩa trọng nông là một trường phái đặc biệt xuất hiện ở Pháp vào giữa thế kỷ XVIII. Các đại biểu xuất sắc của trường phái này là Ph. Kênê, Tuyếcgô.
Chủ nghĩa trọng nông coi nông nghiệp là ngành duy nhất tạo ra giá trị thặng dư (họ gọi là sản phẩm thặng dư) và chỉ có lao động nông nghiệp mới là lao động sản xuất. Người theo chủ nghĩa trọng nông phê phán chủ nghĩa trọng thương, họ chứng minh thương nghiệp không sinh ra của cải, gọi tiền là của cải không sinh lợi.
Công lao to lớn của những người theo chủ nghĩa trọng nông là lần đầu tiên, họ chuyển việc nghiên cứu nguồn gốc giá trị thặng dư từ lĩnh vực lưu thông sang lĩnh vực sản xuất. Họ là những người đầu tiên phân biệt tư bản cố định và tư bản lưu động, biết đặc vấn đề bù đắp các yếu tố của tư bản cố định. Trước Mác, họ cũng là những người đầu tiên, duy nhất đưa ra được sơ đồ tái sản xuất và lưu thông tổng sản phẩm xã hội, biểu hiện tập trung trong “biểu kinh tế” của Kh.Kênê.
- Kinh tế - chính trị tư sản cổ điển là kinh tế chính trị tiến bộ nhất, khoa học nhất trước C.Mác. Nó xuất hiện vào thời kỳ chủ nghĩa tư bản đang phát triển, các mâu thuẫn của xã hội tư sản còn chưa gay gắt, lợi ích của giai cấp tư sản đang phù hợp với sự phát triển lịch sử. Các đại biểu xuất sắc của kinh tế chính trị tư sản cổ điển là U.Petty, Ph.Kênê, A.Xmit, Đ.Ricácđô.
Kinh tế - chính trị tư sản cổ điển đã có những cống hiến quan trọng cho khoa học kinh tế. Nó đã giải quyết hoặc đặt cơ sở để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của lý luận kinh tế, đặc biệt là về học thuyết giá trị lao động, lý luận về lợi nhuận, lợi tức, địa tô, tiền tệ, về tái sản xuất tư bản xã hội .v..v…Một trong những nhược điểm lớn của kinh tế - chính trị tư sản cổ điển là phi lịch sử khi nghiên cứu các hiện tượng kinh tế và thường chỉ phân tích mặt lượng chứ ít chú ý mặt chất của chúng.
Những tư tưởng, lý luận khoa học của kinh tế - chính trị tư bản cổ điển được Mác kế thừa, phát triển khi xây dựng hê thống khoa học kinh tế - chính trị của mình.
Kinh tế - chính trị Mác – Lênin do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập và được Lênin phát triển trong điều kiện lịch sử mới. Nó biểu hiện lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội và xu hướng phát triển của xã hội loài người.
Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc, kế thừa có phê phán các nhân tố khoa học của kinh tế - chính trị tư sản cổ điển, C. Mác và Ph.Ăngghen đã đưa kinh tế - chính trị tới đỉnh cao khoa học, đã giải quyết một cách triệt để và khoa học nhất lý luận giá trị sức lao động – hòn đá thử vàng của các học thuyết kinh tế. Thành tựu vĩ đại nhất của kinh tế - chính trị do Mác và Ăngghen sáng lập và việc phát hiện giá trị thặng dư và giải quyết hoàn chỉnh học thuyết giá trị thặng dư.
Trong điều kiện lịch sử mới, Lênin đã phát triển sáng tạo lý luận kinh tế mácxít, soạn thảo học thuyết về chủ nghĩa tư bản độc quyền, phát hiện bản chất, các đặc điểm chủ yếu và địa vị lịch sử của nó. Dựa trên những tư tưởng của Mác và Ăngghen, Lênin đã xây dựng cơ sở kinh tế - chính trị xã hội chủ nghĩa, đặc biệt về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà biểu hiện tập trung ở Chính sách kinh tế mới (NEP).
- Kinh tế - chính trị Mác - Lênin luận chứng trên cơ sở khoa học tính chất lịch sử của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tính tất yếu phải thay thế nó bằng phương thức sản xuất tiến bộ hơn, cao hơn – phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn thấp là chủ nghĩa xã hội.
- Kinh tế - chính trị tư sản tầm thường xuất hiện trong điều kiện mâu thuẫn của xã hội tư sản đã trở thành gay gắt, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản ngày càng quyết liệt. Mặt khác, việc xuất hiện và phổ biến của kinh tế - chính trị mácxít đã trang bị vũ khí lý luận cho giai cấp công nhân, làm cho cuộc đấu tranh của họ ngày càng có hiệu quả. Kinh tế - chính trị tư sản tầm thường xuất hiện nhằm tìm cách xoa dịu, đánh lạc hướng cuộc đấu tranh của giai công nhân, chống lại lý luận kinh tế mác xít, bảo bệ lợi ích của giai cấp tư sản.
Gọi là kinh tế - chính trị tư sản tầm thường vì nhìn chung là phi khoa học; nó giải thích xuyên tạc, giả danh khoa học nhằm biện hộ cho chủ nghĩa tư bản bảo vệ sự thống trị của giai cấp tư sản. Các đại biểu tiêu biểu của kinh tế - chính trị tư sản tầm thường là T.R. Mantuýt, G.B.Xay…
Mỗi khoa học có đối tượng nghiên cứu riêng và thường có phương pháp nghiên cứu riêng. Kinh tế - chính trị thuộc khoa học xã hội, nó nghiên cứu mối quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất.
Để sản xuất, một mặt, con người phải có quan hệ tất yếu với tự nhiên, tác động vào tự nhiên, khai thác hoặc cải biến những vật có sẵn trong tự nhiên cho phù hợp với nhu cầu của mình. Đó là mặt tự nhiên hay kỷ thuật của sản xuất. Trong mối quan hệ giữa người với tự nhiên, các yếu tố của quá trình sản xuất hợp thành lực lượng sản xuất. Đây là đối tượng nghiên cứu của nhiều môn khoa học và kỷ thuật khác nhau. Mặt khác, con người phải có quan hệ với nhau trong qúa trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng của cải. Đây là mặt xã hội của sản xuất, hay quan hệ sản xuất, là đối tượng nghiên cứu của kinh tế - chính trị học.
Quan hệ sản xuất gồm những quan hệ về kinh tế - tổ chức, phản ánh trực tiếp tính chất và trình độ của các yếu tố sản xuất và sự tác động qua lại của chúng, như phân công lao động xã hội, chuyên môn hoá, hiệp tác hoá, tập trung sản xuất ..v..v..và các quan hệ kinh tế - xã hội biểu hiện ở quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, quan hệ trong tổ chức quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm.
Việc nghiên cứu quan hệ sản xuất nhằm phát hiện các quy luật kinh tế và sử dụng chúng có hiệu quả trong đời sống kinh tế.
Quan hệ sản xuất tồn tại trong mối quan hệ tác động biện chứng với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Vì vậy, đối tượng nghiên cứu của kinh tế - chính trị là quan hệ sản xuất trong sự tác động qua lại với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng.
Phương pháp được sử dụng có hiệu quả nhất để nghiên cứu quan hệ sản xuất là trừu tượng hoá khoa học. Đây là phương pháp có sức mạnh nhất để nghiên cứu kinh tế - chính trị.
Trừu tượng hoá khoa học là bằng tư duy trừu tượng tách các yếu tố tự ngẫu nhiên nhất thời, cá biệt khỏi quá trình nghiên cứu để nắm lấy cái bản chất, ổn định ẩn giấu bên trong các sự vật, hiện tượng. Trừu tượng hoá khoa học không phải là tách rời hiện thực. Kết quả của nó phải là sự phản ánh đúng đắn đời sống hiện thực và được cuộc sống kiểm nghiệm.
Trừu tượng hoá khoa học còn bao hàm việc tập trung nghiên cứu một nhân tố nào đó với giả định các nhân tố khác không thay đổi, hoặc tạm đặt một vài nhân tố ra ngoài nội dung nghiên cứu. Điều đó làm cho việc nghiên cứu đỡ phức tạp và có khả năng đi sâu vào từng nhân tố, từng mặt của sự vật, hiện tượng.
Kết quả của trừu tượng hoá khoa học cho pháp hình thành các khái niệm, phạm trù khoa học đặc trưng cho các mặt khác nhau của các hiện tượng, quá trình kinh tế, tiến tơi hình thành các quy luật kinh tế, xác lập sự phụ thuộc và tác động lẫn nhau một cách nhân quả, ổn định của các hiện tượng và quá trình kinh tế.