Chiếu Tiên kiều - Hà Đông

Tặng em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo
(ca dao)

Cói là một loại cỏ mọc nhiều ở vùng nước lợ được dân tộc ta sớm phát hiện tính ưu việt của nó trong công việc làm nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng như: Đan bị, ró, vỉ buồm, đan võng, đánh gianh lợp nhà, dây buộc hàng…Sản phẩm quan trọng nhất dệt bằng cói là chiếu đã trở thành vật không thể thiều trong mỗi gia đình Việt Nam giàu cũng như nghèo, thành thị cũng như nông thôn quê hàng ngàn năm trước cho tới hôm nay, và mai sau, dù vải lụa có nhiều đi nữa, chiếu cõi vẫn có vị trí xứng đáng trong đời sống gia đình. Nó đã và còn là một loại trang bị của bộ đội thời bình cũng như thời chiến. Ngoài việc trải giường nằm, chiếu còn nhiều tác dụng khác trong đời sống gia đình và xã hội.
Chiếu mới có màu trắng ngà, ưu nhìn, mùi thơm ngan ngát dễ chịu, dùng lâu ngả màu vàng, trơn nhẵn, độ mềm vừa phải, thoáng sách, thoát nước nhanh, dễ giặt giũ mau khô, nhưng lại có khả năng hút ẩm nhất định nên nằm êm, mùa hè thì thoáng mát, mùa đông thì ấm. Chiếu có nhiều chủng loại, về kích thước có chiều đôi, chiếu một, chiếu trải tràng kỷ…Về hình thức và chất lượng có chiếu dót, chiếu trơn, chiếu đậu, chiếu cạp điều, chiếu dệt hoa, chiếu in hoa, chiếu kẻ sọc màu, chiếu sợi xe…Chiếu loại tốt, giữ cẩn thận có thể dùng trên 10 năm
Gia đình cũng như làng xóm có việc lớn, tập hợp đông người như giỗ, tết, đám cưới, đám tang, bàn việc làng chiếu được trải lên nền nhà, sàn và sân đình để mọi người cùng ngồi, bàn bạc, nói chuyện, ăn uống, nghỉ ngơi. Trải và thu dọn chiếu nhanh chóng hơn các loại bàn ghế cồng kềnh. Nay bàn ghế không hiếm nhưng ở nông thôn có đám người ta vẫn thích trải chiếu, ngồi đầm ấm hơn là ghế. Lớp học chữ nho thời xưa, thầy và trò ngồi chiếu, chỉ khác nhau ở chỗ thầy ngồi riêng một chiếu, con trò ngồi chiếu đôi, chiếu liền. Sách vở, bút nghiên đều để trên chiếu, học trò nằm bò ra mà tập viết. Dưới thời đại phong kiến, khi bàn việc làng, việc nước, ngồi chiếu trên hay chiếu dưới, ngồi một mình hay ngồi nhiều người là một biểu tượng tôn trọng, phân biệt chức vị của từng người. Cụ tiên chỉ, người có chức vị trọng vọng nhất làng được ngồi một mình trên chiếu nhất cạp điều.
Cách đây không lâu, chiếu còn được dùng như một loại chăn. Năm ổ rơm, đắp chiếu sẽ ngủ ngon giấc qua đêm đông giá lạnh, dù có chăn mà đắp thêm cái chiếu, độ ẩm sẽ tăng gấp đôi. Đầu công nguyên, vải lụa chưa nhiều, chiếu được dùng như một loai vải liệm khi mai táng những người quá cố. Chiếu cói giữ vị trí quan trọng của mọi nhà, trở thành một đặc sản của những địa phương biết tạo nên loại chiếu tốt và tặng phẩm thiết thực cho người thân.
Hải Hưng là miền đất có vành đai nước lợ rộng lớn, phù xa màu mỡ, khi chưa có đê, triều lên nước ngập mênh mông tạo điều kiện cho cói tự nhiên phát triển thành những cánh đồng, ngút ngàn dọc các triền sông Thái Bình, Văn Úc, Kinh Thầy, Văn Úc, Kinh Thầy…Trên cơ sở nguồn nguyên liệu sẵn có, nghề dệt chiếu đã hình thành rất sớm, điều đó có thể thấy được qua các mộ cổ niên đại trên dưới 2.000 năm, khai quật tại địa phương đã thấy di tích chiếu cói. Đến giữa thế kỷ 19 nhiều làng dệt chiếu chuyên nghiệp của xứ Đông được lịch sử ghi nhận như: Uông Thượng, Uông Hạ, Chu Đậu, Mặc Xá, Đặng Xá, huyện Thanh Lâm (nay thuộc các xã Thái Tân, Minh Tân huyện Nam Sách), Nga Hoàng (Cẩm Giàng), Quảng Uyên, Chu Uyên (Tứ Kỳ), nay thuộc xã An Thanh huyện Tứ Kỳ; Lập Lễ, Hạ Vĩnh (Thanh Hà). Trừ Cẩm Hoàng còn các làng trên nay vẫn là những nơi giữ được nghề dệt chiếu, tập trung nhất về nguyên liệu và lực lượng sản xuất là khu Hà Đông.
Hà Đông, đúng như tên gọi của nó, ở phía đông huyện Thanh Hà, như một hòn đảo trù phú, bốn mùa xanh tươi như một đồng cói và vườn cây trĩu quả, giữa hai sông lớn Thái Bình và Văn Úc đậm đặc phù sa. Trước cách mạng Hà Đông là đất hai tổng Hạ Vĩnh và Lập Lễ, nay chia thành 6 xã: Hợp Đức, Thanh Cường Thanh Bính, Thanh Hồng, Vĩnh Lập, Trường Thành thuộc huyện Thanh Hà. Là miền đất sa bồi, nước lợ, phần lớn diện tích ngập nước khi triều cường Hà Đông trở thành xứ sở ưu đãi bậc nhất của cói và quần thể thuỷ sản nước lợ cùng các loại cây ăn quả. Người xưa đã từng nói:
Đã là con mẹ con cha
Hãy sinh ở đất Thanh Hà xứ Đông
Thanh Hà là miền đất màu mỡ, rộng rãi, nhiều sản vật, từng là nơi dễ làm ăn một thời của xứ Đông mà Hà Đông là miền đất điển hình của huyện. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng ruộng hoang hoá, cói mọc như rừng, đường đi lối lại khó khó khăn, Hà Đông nhiều năm là căn cứ kháng chiến an toàn của tỉnh. Miền đất này được nhiều người biết đến không chỉ vì vườn cây, ao cá mà còn do nghề dệt chiếu cổ truyền.
Từ thủa xa xưa, đến truyền thuyết cũng không đủ sức vượt thời gian để nói với hôm nay buổi đầu dựng nghiệp, chỉ biết nghề dệt chiếu bắt đầu từ Tiên Kiều, rồi lan dần ra cả tổng, cả khu, đến nay trở thành vùng trọng điểm cói và chiếu của Hải Dương.
Thế kỷ 19 về trước, ruộng đất vùng Hà Đông còn dư thừa, cói tự nhiên không thiếu trên các đồng hoang, người ta chỉ việc cắt và chẻ, phơi là có nguyên liệu dệt chiếu. Dần dần đồng lúa lấn dần đồng hoang, cói tự nhiên không đủ cho nhu cầu sản xuất chiếu và không đảm bảo chất lượng mong muốn. Làng Tiên Kiều chọn giống cói tròn, óng dài, sợi dẻo, dai, gọi là cói cơm trồng từng ruộng thay cho cói ba cạnh mọc hoang tuy thân to nhưng ngắn và dòn. Cói trồng đẩy lùi cói hoang dại tạo nên một vùng cói chất lượng tốt, sản lượng cao chủ động nguồn nguyên liệu và kinh nghiệm thâm canh ngày càng tiến bộ.
Cói cấy dịp cuối năm, đón tiết lập xuân. Đất cấy cói phải làm kỹ như đất gieo mạ. Chọn những chân ruông triều bãi, cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ, san cho phẳng, rồi tách mầm cói ra trồng. Mỗi cụm từ 4-5 mầm là vừa, cấy cách nhau 15x15cm. Cấy xong giữ nước xấp xảnh cho ruộng liền bùn, để hạn chế cỏ dại và tạo điều kiện cho cói phát triển nhanh. Một tháng sau cói mọc cao, từ đó cho nước thuỷ triều ra vào bình thường, hàng tháng làm cỏ bón phân. cói sẽ mọc đều và tốt. Cói chịu úng lụt, nhưng ngập sâu và lâu, sản lượng và chất lượng kém, tốt nhất là chân ruộng bãi, vùng nước lợ, mặn chất lượng tốt nhưng sản lượng thấp, cói vùng nước ngọt thân rỗng và dòn, sản lượng không cao. Nếu chân ruộng tốt, chăm bón đúng kỹ thuật có thể thu được 11 tấn/ha một năm loại cói nguyên liệu (đã chẻ và phơi khô) dùng cho nghề chiếu, năng suất trung bình ở Hà Đông hiện nay là 5,5 tấn/ha/năm. Mỗi lần cấy cói có khả năng thu hoạch liên tục 10 - 12 năm, chân ruộng tốt có thể để lâu hơn mới phải cấy lại. Một năm thu hoạch cói hai lần, cói chiêm thu vào tháng 5-6, sau vụ gặt, trước mùa mưa bão; cói mùa thu vào tháng 10 - 11, thời kỳ khô hanh, chất lượng tốt hơn cói chiếm. Theo kinh nghiệm dân gian thì ruộng có từ màu xanh chuyển sang màu vàng, loáng thoáng khô lá mác là cói chiếm đã chín, bắt đầu thu hoạch, cói mùa khi thân cây vàng óng, một phần ba số cây trổ hoa thì thu hoạch là vừa. Khi thu hoạch nếu được nắng cói sẽ trắng đẹp, gặp mưa dài ngày cói vàng hoặc thâm đen, phẩm chất kém. Khi thu hoạch dùng liềm cắt sát gốc, cắt đến đâu gọn sạch đến đấy để lứa sau cói mọc đều. Cói cắt xong chia làm 4 loại: Loại I từ trên 0,7m trở lên, loại II từ 1,5 - 1,7m, loại III từ 1m đến dưới 1,5m, ba loại này dùng để dệt các loại chiếu, loại IV dưới 1m trở xuống dùng để đan bao manh, bện quại…những cây quá ngắn, kém phẩm chất gọi là rờm rác dùng để đánh gianh lập nhà hoặc đun bếp, bắt lửa nhanh và đượm. Cói sau khi phân loại được bó thành từng bó 20-25kg, mỗi bó như vậy gọi là một xanh, xanh cói được gánh lên bờ, rỗ cho bằng gốc rồi đem về nơi chẻ, phơi
Cói có thân óng nuột, mầu xanh, ruột xốp, không có đốt, ngọn chỉ có 3 lá ngắn nhỉ với vài cụm hoa con. Cói non chẻ phơi có màu trắng, mềm dẻo nhưng không bền. Cói già thân cứng, nhiều nốt ruổi, chẻ phơi có màu vàng, độ co của ruột kém, vỏ không khép kín bụng, khi dệt chiếu thì rất xấu. Chỉ có cói bánh tẻ là tốt nhất, khi chẻ phơi có màu trắng ngà, ruột co nhiều, vỏ che kín bụng thành sợi cói tròn, xinh xắn, mềm, dẻo, bền đẹp. Trong một cây cói thì phần gốc và phần thân chất lượng tốt hơn phần ngọn.
Trước khi chẻ phơi, cắt ngọn cói thành từng cỡ bằng nhau, dùng dao con chẻ từ gốc thành 2-3 hoặc sợi đều nhau tuỳ theo cói to hay nhỏ và mục đích sử dụng. Chẻ cói bằng dao, mỗi lần được 3-4 cây, chẻ thành thạo được 6-7 cây. Gần đây cải tiến cách chẻ bằng bàn chẻ. Bàn chẻ rất đơn giản làm bằng tấm gỗ con (30x20cm) đóng hai đinh sắt, căng một sợi dây nhỏ hoặc hai trục lăn với một lưỡi dao mỏng ở giữa, khi chẻ lao gốc vào dây thép rút mạnh, cói được chẻ đều và nhanh. Loại cói già xấu không chẻ để dệt loại chiếu dót. Cói chẻ phơi qua 7 nắng mới khô kiệt, 1kg cói phơi khô chỉ còn 250gam. Cói khô thu lại bó gọn thành từng bó 20-25kg để ở nơi khô ráo làm nguyên liệu dự trữ quanh năm.
Hiện nay Hà Đông có 700ha cói chuyên canh, chiếm 24% diện tích canh tác, riêng ở xã Thanh Hồng có 241ha, chủ yếu là ruộng chiều bãi, không trồng được vụ đông, chiếm 55% diện tích đất canh tác, thu hoạch 4 năm gần đây khá ổn định.

Hạng mục - Năm

1982

1983

1984

1985

Diện tích (ha)

Năng suất cói nguyên liệu kg/ha

Sản lượng (tấn)

Thu nhập bằng tiền (4.000 đồng)

Tỉ lệ so với tổng thu nhập của HTX

238

4.372

1.041

2.622

36%

241

4.428

1.067

2.774

43%

241

4.375

1.001

3.220

40%

243

4.944

1.200

3.360

39,5%

Nguyên liệu dệt chiếu gồm hai loại: Cói làm sợi ngang, đay làm sợi dọc. Đay tươi dệt chiếu là đay sống, không qua ngâm nước. Đay tươi cạo vỏ, bỏ lõi, lấy sợi phơi khô, dấp nước, chẻ nhỏ, vê thành sợi. Việc chẻ và vê sợi đay hiện nay đã được cải tiến bằng bàn chẻ và xa hay còn gọi là bàn chải và guồng quay, chất lượng tốt và năng suất cao hơn nhiều lần so với chẻ và vê sợi thủ công.
Khung dệt chiếu cho đến nay vẫn là khung cổ truyền chưa có cải tiến gì đáng kể. Gọi là khung dệt nhưng rất đơn giản và gồm một số bộ phận rời nhau khi dệt mới được sắp xếp lại theo một thứ tự nhất định, dệt xong lại bó lại cho gọn, không cố định như khung dệt vải. Bộ phận quan trọng của khung là go, có nơi còn gọi là cát khổ. Khung dọc của go làm bằng gỗ nhỏ nhẹ, dầy 5-6cm, dài 1,6-1,8m, tương đương với khổ chiều rộng nhất, chiều cao của go xấp xỉ 20cm, hai đầu thót lại 1-2cm, dáng vành lược. Răng go làm bằng gốc tre già, bản rộng gần 2cm, dựng dọc hai bên khung, cật quay ra ngoài, hai đầu vạt mỏng để đóng nẹp lại cho phẳng. Trừ phần đóng nẹp, răng go còn dài 10cm. giữa có lỗ để xỏ sợi đay. Hai hàng răng go đóng so le, lỗ răng bên này đúng vào khe răng bên kia. Để lỗ go lâu mòn, người làm răng go có đốt ở chính giữa, nơi phải dùi lỗ. Chiếu dệt lóng mốt, sợi dọc thưa, cách nhau 14-16mm nên lỗ và khe răng cũng cách nhau một khoảng cách tương ứng. Chiếu thông dụng, sợi dọc cách nhau 15mm. Go chiếu có hai chức năng: Là go khi tách sợi dọc thành lóng mốt để lao sợi ngang, là chải hay vỏ khô khi chia đều sợi dọc và nêm thích sợi ngang. Go làm bằng tre già, gỗ tốt có thể dùng được hàng chục năm. Riêng bộ răng dệt khoảng 1.000 lá chiếu thay một lần.
Cùng với go là một hệ thống dụng cụ chuyên dùng.
Đòn dân: Dùng để mắc sợi dọc ở cuối khung dệt, đòn làm bằng tre thẳng, đường kính 4-5cm, luồn qua bốn cọc dàn, đóng cao hơn mặt đất chừng một gang.
Ngựa: Dùng để nâng sợi dọc cao hơn đòn dàn một chút và kích cho dàn chiếu căng đều, cũng làm bằng tre thẳng, có hai bộ chân nhỏ.
Ghế: Dùng để ngồi dệt, làm bằng gỗ, bắc qua chiều ngang khung dệt.
Đòn néo: hay đòn rốt dùng để mắc sợi dọc ở đầu khung dệt và điều chỉnh cho sợi dọc luôn luôn căng đều, bộ phận điều chỉnh là hai nêm của cọn néo. Đòn bằng tre, cứng khoẻ hơn đòn dàn, tựa ngoài hay cọc néo. Lỗ đóng cọc dàn và néo được đào sẵn, chèn gạch, khi dệt chỉ cần cắm cọc là xong. Đòn dàn, ngựa, ghế dệt, đòn néo đều dài hơn go chừng 20cm. (H1)
Que chao: hay cái lụi dùng để lao sợi cói chức năng như cái thoi của nghề dệt vải, que làm bằng tre hay thân cau già tròn nhỏ, đường kính 14-15mm, dài hơn khổ chiếu đầu vát nhọn để quấn sợi khi lao.(H.2)
Lên dàn-mắc đay: Cũng như dệt vải, trước khi dệt chiếu phải làm công việc lắp đặt khung, mặc sợi dọc gọi là lên dàn. Gia đình dệt chiếu phải dành 1-2 gian nhà thoáng rộng, sáng sủa để đặt khung dệt. Lỗ cọc dàn cách lỗ cọc néo khoảng 5m, tương đương với chiều dài của 2 cái chiếu, kể cả phần sợi ghim đầu chiếu. Trước hết đặt đòn néo phía ngoài 2cọc néo, tiếp đến go và ngựa đặt song song với đòn néo, luồn đòn néo qua lỗ của 4 cọc rồi đóng xuống đất, nêm chặt lại. Lấy dây đay xỏ qua lỗ răng go từ phía đòn dàn, qua khe rằng go của hàng thứ hai, vòng vào đòn néo quay lại, xỏ qua lỗ răng go kế tiếp, rồi buộc vắn cài đầu vào đòn dàn. Làm như vậy liên tiếp cho tới khi đủ số sợi dọc cho một khổ chiếu định dệt. Go thời cổ, lỗ găng go cách nhau 14mm, dệt chiếu khổ 1,5m cần 109 sợi dọc, go hiện đại, lỗ găng cách nhau trung bình 15mm, mắc 101 sợi là đủ. Chiếu thường rách từ đường biên, để tăng độ bền ở phần này người ta chắp đôi sợi đay ở đường thứ nhất và thứ hai kể từ biên. Mắc sợi dọc xong, đóng nêm vào chân cọc néo, điều chỉnh cho sợi căng vừa phải để khi dệt bẻ go nhẹ tay và không làm đứt sợi dọc. Sợi cói đặt sẵn một bên chia làm hai món giáo giở ngọn gốc.
Dệt chiếu: Cần hai người, một người dệt, một người lao cói. Người dệt ngồi xổm, bắt đầu ngồi ngoài đòn néo, một tay bẻ go nghiêng về một phía, go tách sợi dọc thành hai lớp theo long mốt. Người lao cói lấy que chao, quấn đầu sợi cói vào đầu nhọn của chao, lao vào giữa hai lớp sợi dọc. Người dệt đập go xuống cho sợi cói nằm theo chiều ngang rồi đẩy go ra hết tầm tay, cài phía ngọn của sợi cói lại thành một đường gấp khúc qua hai sợi dọc ngoài cùng gọi là bắt bờ. Người dệt lại bẻ go theo chiều ngược lại, lớp sợi phía dưới bây giờ đảo lên trên lớp sợi bên trên đảo xuống dưới, người lao cói tiếp tục công việc của mình như trước nhưng phải đảo chiều của sợi bên của mình như trước nhưng phải đảo chiều của sợi cói, lần thứ nhất lao gốc trước, thì lần thứ hai phải lao động, cứ như thế liên hoàn. Mỗi lần lao sợi cói, người dệt lại phải dập go xuống một lần, làm cho sợi ken xít lại với nhau. Qúa trình dệt, nếu có sợi cói nào hở bụng là phải đảo ngay bụng xuống dưới xuống mặt trái của chiều trước khi gập go. Dệt được 30-40cm thì bắc ghế qua khung hoặc luồn ghế dưới dàn ngồi dệt cho vừa tầm tay bẻ go. Dệt đến đâu, đẩy ghế theo đến đây, khi đủ độ dài một lá chiếu (1,8-1,9m) bỏ trống một quãng 20cm để lấy sợi ghim 2 đầu chiếu. Dệt xong lá chiếu thứ hai thì tháo dàn, lấy chiếu ra khỏi khung, cắt riêng từng lá, túm 5 sợi dọc làm một, luồn vào ghim, cài sâu xuống lóng chiếu khoảng 10cm theo đường giữa của một túm 5 sợi. Ghim xong dùng kéo cắt diềm cho thẳng, để cách đường biên chừng 1,4cm và cắt các đầu sợi đay. Nếu dệt chiếu trơn thì công việc đến đây thì hoàn tất. Trước khi gấp lại cất vào nơi khô ráo tránh ẩm mốc, chờ ngày phiên chợ, chiếu được phơi khô kiệt.
Dệt chiếu một, chiếu dót (để nguyên cây cói), chiếu trải tràng kỷ về công nghệ không có gì khác, chỉ khác nhau về kích thước và chất lượng của sợi cói.
Dệt chiếu đậu cũng như dệt chiếu trơn nhưng sợi đay được xe (đậu) đôi, 2 đường biên đậu 4, cói được chọn lọc sợi nhỏ, dài, đều, trắng dẻo, kín bụng, khi dệt dập go mạnh để sợi ngang dầy dặn, liền xít nhau, đổ nước khó thấm qua.
Chiếu kẻ sọc được dệt bằng sợi cói nhuộm sẵn các màu, người lao cói chỉ cần để ý khoảng cách của các sọc đúng như mẫu thì thay cói màu là được.
Chiếu cải hoa phải gia công ngay khi dệt nhưng chỉ tạo được hoa văn gấp khúc, vuông góc, không tạo được đường cong do sợi dọc của chiếu quá thưa.
Chiếu in hoa dệt như chiếu trơn rồi trải lên dàn phẳng, đặt các tấm bìa dày đã trổ sẵn hoa văn định tin như đương triện, chữ thọ, song hỷ, con bướm, cành hồng…dùng chổi quét thuốc nhuộm màu lên trên. Màu in chiếu chủ yếu là màu đỏ, thứ đến màu xanh lá cây và màu vàng. Quét thuốc xong phơi cho chiếu khô rồi cuộn lại thành từng bó cho vào thùng sắt lớn, đáy có nước, giữa có vạch cách thuỷ, trên che kín bằng bao tải dấp nước để giữ nhiệt. Đun thùng nước sôi 3-4 giờ, rỡ chiếu ra phơi, hoa văn hiện lên tươi thắm và bền màu. Chiếu in hoa văn rồi hấp như trên ra đời khoảng đầu thế kỷ này, khi thuốc nhuộm hoá học trở thành vật phẩm phổ biến.
Dệt một lá chiếu cỡ 1,5x1,9m cần 2,4 đến 2,5kg cói và 0,25 kg đay, hai người dệt thành thạo một ngày (8giờ) được 2 đôi, nếu dệt chiếu đậu chỉ được 3 lá, những gia đình làm nghề dệt chiếu đậu chỉ được 3 lá, những gia đình làm nghề dệt chiếu xưa cũng như nay không tập trung thành công xưởng mà nhà nào dệt ở nhà ấy, tranh thủ mọi thì giờ rảnh rỗi, sáng, trưa, chiều, tối những là những tháng nông nhàn. Nam cũng như nữ từ 12 tuổi trở lên đều có thể hoc và dệt chiếu nhanh chóng.
Chiếu dệt xong, gấp thành từng đôi cùng cỡ nhưng kém nhau, một tốt, một xấu một chút nên gọi là lá mặt lá trái là vậy. Bán hay mua đều phải từng đôi một. Chiếu mang đi chợ bó thành từng bó dựng thẳng đứng, người đứng phải đứng giữ chiếu cho khách chọn hàng Chợ Hệ (Hà Đông), chợ Yên (Tứ Lộc), chợ Mỹ Xá (Nam Thanh) là những chợ bán chiếu nổi tiếng. Hiện nay chiếu Tiên Kiều cũng như của Hà Đông phần lớn bán cho mậu dịch quốc doanh theo giá định trước hàng năm, giá ấy thấp hơn giá thị trường nhiều lần lý do là có hàng đối lưu. Năm 1985 ở xã Thanh Hồng có 570 go chiếu, riêng thôn Tiên Kiều chiếm 490 go, như vậyt là hầu hết các gia đình ở nông thôn này làm nghề dệt chiếu. Một nghề phụ giữ vị trí quan trọng trong đời sống của mọi nhà. Mỗi năm Tiên Kiều cũng như Thanh Hồng sản xuất một lượng chiếu khá lớn mà sô liệu thống kể 4 năm gần cho thấy:

Hạng mục - năm

1982

1983

1984

1985

Số lượng chiếu lá

10.103

11.200

33.130

80.000

Gía trung bình 1 lá chiếu đôi

27đ500

26đ00

29đ22

          3đ30

Tổng số tiền thu qua HTX

280.000đ

291.200đ

962.383đ

        264000đ


Cả khu Hà Đông thì mỗi năm sản xuất nửa triệu lá chiếu các loại, chưa kể sản phẩm phụ và hàng nghìn tấn cói nguyên liệu xuất cho các địa phương khác. Nhìn bảng thống kê thấy được tốc độ sản xuất chiếu ngày càng tăng nhưng giá cả xem ra chưa thoả đáng, thiệt về phía người sản xuất. Về chất lượng sản phẩm cần phải nâng cao hơn nữa mới có khả năng thành đặc sản và thoả mãn nhu cầu tiêu dùng.
Chiếu cói có nhiều ưu việt: Gía trị sử dụng hơn nhiều loại vải trải giường nay đã biết, kể cả chiếu nilông, phù hợp với hoàn cảnh sinh thái Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, công nghệ sản xuất nhanh với khối lượng lớn, độ bền khá. Sự có mặt của chiếu cói rộng khắp và tồn tại qua hàng nghìn năm đã khẳng định giá trị của nó. Nhu cầu về chiếu cói và các mặt hàng sản xuất từ cói cho nội địa và xuất khẩu ngày càng tăng đó là điều kiện khách quan làm cho nghề dệt chiếu cổ truyền tồn tại và phát triển. Gần đây mặt hàng có mở rộng, kỹ thuật sản xuất được cải tiến, sản lượng có tăng, nhưng chưa tương xứng với khả năng của địa phương. Nếu tận dụng khả năng ưu đãi của tự nhiên, tổ chức sản xuất khoa học, nâng cao chất lượng sản phẩm, kinh doanh năng động, giá cả hợp lý, nghề dệt chiếu cói và các mặt hàng làm bằng cói của Hà Đông cũng như của Hải Hưng sẽ phát triển nhanh, thu hút một lực lượng lao động đáng kể và đạt hiệu quả kinh tế lớn.
18-1186

 

Nghề cổ truyền Hải Hưng (NTT sưu tầm)