Kỹ thuật chăn nuôi con dúi đến nay chưa được nghiên cứu kỹ, nhưng theo kinh nghiệm của một số nông dân đã và đang nuôi thì dúi có đặc điểm dễ nuôi, lớn nhanh, sinh sản tăng đàn khá, thức ăn dễ kiếm, ít bệnh tật, hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi dúi trở thành một nghề mới. Để giúp bà con nông dân trong tỉnh bước đầu tìm hiểu về con vật nuôi mới này, chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm của một số hộ nông dân đã và đang nuôi con dúi như sau:
1- Chọn giống: Chọn mua dúi giống 3 - 4 tháng tuổi có trọng lượng khoảng 0,4 - 0,6 kg/con; Dúi con phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông mượt, không khuyết tật. Giá con giống giao động từ 150.000 – 250.000 đồng/con. Nên mua từ những cơ sở đã chăn nuôi ổn định, có kinh nghiệm và có con giống uy tín. Ban đầu chỉ nên nuôi thử nghiệm với số lượng dúi vừa phải. Cần chú ý đến việc ghép đôi giao phối để tránh cận huyết, tỷ lệ thích hợp là 1 đực/5 cái. Nên mua và ghép đôi đực, cái ở hai cơ sở giống khác nhau. Trong quá trình nuôi phải có sổ sách ghi chép, theo dõi việc ghép đôi đực cái sao cho phù hợp và giữ lại những con đực tốt để phối lứa tiếp.
2- Chuồng trại: Vị trí chuồng nuôi nên chọn nơi cao ráo, yên tĩnh, tránh nơi ẩm ướt và có nhiều tiếng ồn. Dúi có đặc điểm sống trong hang, không thích ánh sáng. Vì thế chuồng nuôi phải được che mưa nắng và không để ánh sáng chiếu trực tiếp vào chuồng, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Dúi chịu rét tốt hơn chịu nóng nên khi nhiệt độ ngoài trời trên 350C thì cần có quạt thông gió cho thoáng mát.
Chuồng nuôi dúi được xây bằng gạch, vì chúng ít leo trèo nên tường bao bằng gạch hoặc quây lưới B40 chỉ cần cao 1,2m. Diện tích chuồng nuôi dúi cái khoảng 60cm x 50cm x 70cm. Dúi thịt có thể nuôi theo đàn với diện tích 10 con/ 5m2. Nền chuồng láng bằng ximăng hay lát gạch. Nếu láng bằng ximăng thì nên để trống chuồng 15 ngày trước khi thả dúi vào nuôi, vì dúi liếm ximăng sẽ bị tiêu chảy. Ở góc thấp của chuồng làm 01 lỗ thoát nước nhỏ có đường kính khoảng 1,5 cm. Tùy thuộc vào diện tích chuồng mà ta đặt thêm vào đó các ống cống nhỏ, đường kính 30 - 40cm, dài 30 – 50 cm hoặc gốc cây nhỏ làm hang cho dúi.
3- Thức ăn: Dúi có bộ răng phát triển rất nhanh (mỗi ngày răng có thể dài thêm vài milimet) nên chúng thích ăn các loại thức ăn cứng (không thích ăn lá cây) để mài răng ngắn bớt lại. Thức ăn của dúi rất phong phú từ rễ cây, thân cây tre, cây trúc, cây mía hay các loại rau, củ, quả, côn trùng… có chất lượng tốt.
Khẩu phần thức ăn trung bình cho 1 con/ngày là:
- Dúi 2 - 3 tháng tuổi: 50 - 100g rau, củ quả; 5 - 10g thức ăn hỗn hợp và 5 - 10g lúa, ngô, đậu các loại.
- Dúi 3 - 6 tháng tuổi: 100 - 250g rau, củ, quả; 10 -15g thức ăn tổng hợp; 5 - 15g thức ăn dạng hạt thóc, đậu và 3-10 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.
- Dúi 6 - 9 tháng tuổi: 250 - 350g rau, củ, quả; 15 - 30g thức ăn tổng hợp; 15 - 30g thức ăn hạt các loại và 10 - 20g khô dầu lạc, khô dầu dừa.
Có thể thay dầu dừa, dầu phộng bằng giun đất, côn trùng (kiến, mối, sâu, bọ...), thức ăn tinh hỗn hợp có thể dùng thức ăn viên dùng cho gà con, vịt con 1 tháng tuổi của các hãng chế biến thức ăn gia súc.
Trước khi bán dúi thịt 30 - 40 ngày, vỗ béo cho dúi bằng cơm, tấm gạo, bắp xay 60 - 70% trộn với thức ăn đậm đặc hoặc thức ăn tinh hỗn hợp 30 - 40%. Dúi tăng trọng rất nhanh và béo khỏe, có thể đạt 0,5 - 0,7 kg/tháng.
Dúi ăn suốt ngày nhưng tập trung vào ban đêm. Nên bỏ thức ăn tươi cho dúi vào mỗi buổi sáng đúng liều lượng để tránh bị thừa và ôi thiu.
Quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày: Sau 12 giờ cho ăn nếu thấy dúi ăn hết thì bổ sung thêm, nếu thấy còn thừa nhiều thì giảm bớt ở những lần cho ăn sau.
Chú ý: Đối với dúi còn non mới tập ăn thì cho ăn tre non hơn (tre bánh tẻ) hoặc mía. Với những loại thức ăn có thân quá dài như tre, mía, rễ cây thì cắt ngắn thành khúc dài 6 - 8cm trước khi cho dúi ăn. Thức ăn là bắp thì để nguyên bắp hoặc nguyên hạt. Do thức ăn có mía ngọt nên ta vẽ phấn xung quanh ô chuồng, hoặc dụng cụ cho ăn để tránh kiến.
Cho dúi uống nước: Chén để nước nên đính xi măng để khỏi bị đổ nước ra ngoài. Mỗi lần vệ sinh chuồng dúi cần lấy giẻ lau khô chén và thay nước khác. Mặc dù cho dúi ăn tre, mía nhưng dúi vẫn có nhu cầu cần nước. Lúc khát và cần nước thì một con dúi có để uống trong một ngày 1/3 lượng nước của một chén. Tuy nhiên có con dúi uống nước có con không uống.
4- Chăm sóc: Ô chuồng nuôi dúi không cần dọn thường xuyên nếu như bạn không có thời gian. Trong một ô nếu số lượng con dúi ít thì chuồng ít dơ. Bạn căn cứ vào lượng phân dúi thải ra hàng ngày và bố trí thời gian để vệ sinh chuồng. Dúi nuôi không hôi như các vật nuôi khác nhưng để dúi phát triển tốt cần vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi.
5- Nuôi dúi sinh sản: Dúi cái nuôi được khoảng 8 tháng tuổi thì bắt đầu động dục. Mỗi năm dúi đẻ từ 3 – 4 lứa, mỗi lứa từ 2 – 6 con. Thời gian mang thai khoảng 45 ngày, thời gian nuôi con khoảng 28 – 30 ngày.
Các biểu hiện khi dúi cái động dục: Bộ phận sinh dục có màu hồng, đưa tay vuốt nhẹ thấy hơi lồi ra và ướt.
Chọn dúi đực có trọng lượng bằng hoặc lớn hơn dúi cái để cho giao phối. Khi thả dúi đực vào chuồng nếu thấy dúi đực và dúi cái quấn quýt nhau là được, nếu gầm ghè nhau hoặc cắn nhau thì thay đực khác. Sau khi thả đực được 2 – 3 ngày, kiểm tra con cái có biểu hiện vú hơi căng, bộ phận sinh dục bắt đầu se lại, tím tái là dúi cái đã được thụ thai, nếu không quen kiểm tra con cái thì để dúi đực ở lại với dúi cái 1 tuần mới tách ra.
Dúi cái mang thai được 45 ngày thì đẻ con. Để dúi đẻ tự nhiên hoặc can thiệp bằng cách lau nhớt, cắt rốn và vệ sinh dúi con, sau đó, cho dúi con bú sữa mẹ ngay. Dúi con mới sinh không có lông, chưa mở mắt, sau khoảng 15 ngày mới mở mắt và một tháng sau thì mọc lông. Ta cho dúi con bú sữa mẹ một tháng thì tách ra để chuyển sang nuôi thịt hoặc nuôi hậu bị làm giống. Lúc này, cho dúi mẹ nhịn ăn 01 ngày thì khoảng 3 ngày sau chúng sẽ động dục.
Với dúi sinh sản chỉ dọn phân không nên động tới phần ổ của dúi. Phần ổ phải dày, đủ ấm, các lá cây, giấy phải mảnh, mịn, sạch sẽ. Trước khi dúi đẻ phải dọn phân cho sạch. Dọn mỗi ngày. Điều này bạn phải lưu ý. Vì khi dúi đẻ không nên dọn chuồng ngay mà phải để khoảng 2 – 3 ngày sau mới dọn. Bạn không dọn chuồng trước khi dúi đẻ thì chuồng rất dơ, dễ thu hút các vi khuẩn, dúi mẹ bực bội.
Các dãy ô nuôi dúi đẻ phải được bố trí riêng lẻ. Dúi mẹ mới sinh con nghe tiếng động từ các ô dúi thương phẩm: Tiếng cắn nhau, giành thức ăn… thì dúi mẹ có khi sợ sệt rồi giấu con làm dúi con bị ảnh hưởng. Việc này sẽ giúp bảo vệ bầy dúi tiện lợi nếu như có khách đến tham quan.
6- Phòng trị bệnh: Dúi ít bệnh tật nhưng nuôi số lượng lớn cần đề phòng các bệnh sau:
Bệnh ký sinh trùng: Do ve, mò gây ngứa ngáy, ghẻ lở trên da; Do đó đề phòng chuồng trại ẩm ướt, khơi thông cống rãnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát,tránh mưa tạt, gió lùa, đề phòng chuột bọ lây bệnh. Định kỳ sát trùng, tẩy uế chuồng trại. Sử dụng thuốc diệt ve, mò, sử dụng kháng sinh để tri bệnh viêm da.
Bệnh đường ruột: Dúi bị bệnh đường ruột chủ yếu do ăn phải thức ăn không phù hợp, thức ăn hôi thối, ẩm mốc; Cần lưu ý cho dúi ăn đúng khẩu phần không để dư thừa, hư hỏng. Khi dúi bị tiêu chảy có thể cho dúi uống nước lá, rễ cây có chất chát như: lá ổi, rễ cau, rễ dừa v.v… để trị bệnh.