Phòng trừ cỏ dại trên ruộng lúa

Muốn hạn chế tác hại của cỏ dại trên ruộng lúa, nông dân cần phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách đồng bộ và hợp lý. Phân loại theo đặc điểm thực vật cho thấy trên ruộng có 3 nhóm cỏ:

Nhóm cỏ hoà bản, còn gọi là cỏ lá hẹp: là các loại cỏ như cỏ lồng vực hay còn gọi cỏ gạo, cỏ chỉ nước, cỏ đuôi phụng… Đây là nhóm cỏ khó phòng trị, nhất là cỏ đuôi phụng do hạt cỏ nhỏ, nhẹ nên dễ dàng phát tán trong gió, lây lan trên diện rộng.
Nhóm cỏ lá rộng: là các loại cỏ như rau bợ, cỏ xà bông, cỏ đồng tiền… Nhóm cỏ nầy tương đối dễ phòng trừ, trong quá trình làm vệ sinh đồng ruộng nếu làm kỹ sẽ hạn chế phần lớn loại cỏ này.
Nhóm cói, lác: đó là các loại cỏ như cói, lác, năn… Đây cũng là nhóm cỏ khó phòng trị và hiện nay một số bà con cho rằng nhóm cỏ này đã kháng thuốc.
Các biện pháp phòng trừ cỏ dại:
Trước khi làm đất cần dọn sạch cỏ dại trên ruộng. Nếu ruộng quá nhiều cỏ mà điều kiện thời gian cho phép thì trước khi làm đất khoảng 10 - 15 ngày, bà con có thể dùng thuốc trừ cỏ không chọn lọc như: gamoxon, lyphosat, carphosat… phun xịt. Hoặc cày bừa ruộng cho cỏ mọc, sau đó bừa trục lại để giảm bớt hạt cỏ trong đất.
Cày bừa kỹ, kết hợp san bằng mặt ruộng giúp đồng đều mực nước trong ruộng, dùng nước khống chế cỏ. Nếu ruộng khô phải sạ chay thì đốt rơm rạ để diệt cỏ và hạt cỏ trên ruộng.
Phân hữu cơ phải được ủ kỹ cho thật hoai mục để diệt hạt cỏ.
Giống lúa phải đạt tiêu chuẩn, không có quá 10 hạt cỏ dại/kg hạt giống.
Phải sàng sẩy kỹ hạt giống để loại bỏ hạt cỏ dại. Trước khi ngâm ủ giống tiếp tục loại bỏ hạt cỏ dại và hạt lép lửng một lần nữa bằng cách cho hạt giống vào dung dịch nước muối 15% để hạt cỏ và hạt lép lửng nổi lên trên rồi vớt bỏ.
Sau khi xuống giống khoảng 4 - 5 ngày, cho nước vào ruộng rồi nâng dần mực nước theo chiều cao của cây lúa cho đến khi mực nước đạt khoảng 5 cm. Với lúa cấy, cần cho nước vào ruộng ngay khi cấy. Giữ mực nước này ít nhất 10 - 15 ngày để khống chế hạt cỏ dại nẩy mầm.
Kết hợp với cấy giặm, phải tiến hành nhổ cỏ sớm (sau sạ khoảng 20 - 25 ngày).
Bón phân, bơm nước đầy đủ để cây lúa sinh trưởng mạnh, nhanh chóng giao tán phủ kín mặt ruộng khống chế, lấn át cỏ dại ngay từ đầu vụ. Tiến hành cắt bông cỏ sớm, trước khi hạt cỏ chín rụng xuống tồn trữ trong đất.
Cùng với những biện pháp trên, cần sử dụng thuốc diệt cỏ ngay từ đầu vụ. Thuốc trừ cỏ cho lúa hiện nay có nhiều loại với nhiều tên thương mại khác nhau, khi sử dụng nên theo nguyên tắc 4 đúng.
Chọn loại thuốc có hiệu quả diệt trừ cao với loại cỏ cần trừ như các thuốc Facet, Whip-S, Clincher… Có thuốc chuyên trừ, nhóm cỏ chác lác (như cỏ cháo, cỏ chác, cỏ lác…) và nhóm cỏ lá rộng (như cỏ đồng tiền, cây mác bao, cây xà bông…) như các thuốc 2,4 D, Sunrice, Ally… Hiện nay có một số loại thuốc hỗn hợp có thể diệt được cả 3 nhóm cỏ như các thuốc Sirius, Clipper, Nominee, Turbo…
Thời gian sử dụng của thuốc phù hợp với giai đoạn phát triển của cỏ trong ruộng. Đối với những vùng chủ động nước, có điều kiện làm đất kỹ nên dùng thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm hoặc hậu nẩy mầm sớm, trong vòng 10 ngày đầu sau khi xuống giống.
Thuốc diệt cỏ loại này hiện có khá nhiều loại. Bà con có thể sử dụng một số loại như: Venus 300EC, Sofit 300EC, Ronstar 25EC, Vithafit 300EC. Phun vào thời điểm 4 ngày sau khi sạ hoặc sau khi cấy. Do đặc điểm thời tiết của vụ hè thu ở Cà Mau thường bị khô hạn ở đầu vụ, việc sử dụng thuốc tiền nẩy mầm gặp khó khăn trong khâu làm đất.
Trong trường hợp này bà con có thể sử dụng một số loại thuốc hậu nẩy mầm như: Pyanchor 3EC, Whip-S 7,5EW, Clincher 10EC, Zico 720DD, Cantosin 600DD, Tiller Super EC…
Lưu ý: Đối với thuốc diệt cỏ, bà con phải thực hiện một cách nghiêm ngặt theo như hướng dẫn trên bao bì. Nếu không, hiệu quả diệt cỏ sẽ kém mà đôi khi còn ảnh hưởng xấu đến cây lúa. Trước khi sử dụng, cần đọc thật kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất.
 

TheoVietLinh