Lưu ý khi trồng cà chua xuân hè

Cà chua là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở các vụ trồng nhất là cà chua trái vụ. Song, việc thâm canh cà chua trái vụ - vụ xuân hè ở các tỉnh ĐBSH không phải là dễ. Việc làm này đòi hỏi người trồng phải có kĩ thuật cơ bản và kinh nghiệm thực tế mới có thể gặt hái được thành công. Hiện đang là thời điểm trồng cà chua vụ xuân hè, xin đưa ra một số lưu ý khi thâm canh cây trồng này:

+ Chọn giống: Trước hết, nông dân cần căn cứ vào đặc tính của cây cà chua và đặc điểm khí hậu ở vụ xuân hè mà lựa chọn các giống cà sao cho phù hợp: Cây cà chua vốn có nguồn gốc từ Nam Mỹ ưa khí hậu mát mẻ( 22-250C) nếu nhiệt độ giảm dưới 120C hoặc trên 300C cây rất khó đậu quả khi ra hoa. Cà chua còn là cây ưa sáng nhất là giai đoạn ra hoa. Vụ xuân hè miền bắc nước ta có điều kiện ngoại cảnh thường không thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây cà chua. Vì vậy, người trồng cần lựa chọn các giống cà chua có khả năng chịu nhiệt mới có thể phát triển được ở vụ này. Theo kết quả đã đạt được từ những mô hình trình diễn tại nhiều địa phương, các giống cà chua chịu nhiệt có nhiều ưu việt được bố trí trong cơ cấu vụ xuân hè hiện nay là: Bio K002, Hồng Châu, DV 2962, HT16, HT152, Chanoka...

+ Chọn đất: Đất trồng cà chua nên chọn các chân ruộng pha cát, nhiều chất mùn hay đất phù sa, đất bồi giữ ẩm và thoát nước tốt. Vụ xuân hè nên trồng cà chua sau vụ bắp cải, dưa leo, hành tỏi, và những loại cây còn nhiều phân hữu cơ, phân đạm( cây họ đậu đỗ)...

Trước khi trồng cần kiểm tra độ PH đất( đây là việc làm cần thiết và bắt buộc khi trồng rau màu có giá trị kinh tế cao): Dùng giấy quỳ tím có vạch chia sẵn bán ở các hiệu sách để kiểm tra. Nếu đất chua cần phải bón vôi bổ sung. PH đất thích hợp cho cà chua là 6,0- 6,5.

+ Xử lý giống: Hạt giống trước khi gieo cần được xử lý và thúc mầm bằng nước ấm 3 sôi: 2 lạnh hoặc thuốc tím trong khoảng 3 giờ. Sau đó ủ ấm để hạt mọc rễ rồi đem gieo. Gieo xong, cần phủ 1 lớp trấu mục hoặc tro nguội để giữ ấm cho hạt.

+ Phát triển cây con: Cây con cà chua vụ xuân hè thường bị thiếu ánh sáng vì phát triển ở đầu vụ xuân. Vì vậy, không nên gieo cây dưới tán bóng cây khác hoặc nơi cớm nắng, cây sẽ bị vống, thân không mập...Có thể gieo cây con trên luống vườn ươm giàu phân bón hữu cơ và có ni lông che chắn rét( nên gieo thưa hơn vụ khác). Tốt nhất, nên gieo cây con trong bầu đất để bảo toàn bộ rễ khi trồng gặp rét. Đất làm bầu cây con cần được bổ sung thêm phân chuồng mục, lân theo tỷ lệ: 40% đất: 35% phân chuồng mục: 20% mùn mục: 5% lân và vôi. Cây con trước khi trồng cần được xử lý bằng dung dịch Tricoderma để phòng nấm bệnh gây hại rễ.

Trước khi đưa cây con ra ruộng sản xuất cần huấn luyện bằng cách mở dần từng phần khung che và hạn chế nước tưới. Nếu thời tiết thuận lợi, nên nhổ cây con trước trồng khoảng 1 tuần rồi giâm lại tại vườn ươm cho cây đâm rễ phụ nhiều hơn rồi mới tiến hành trồng.

+ Làm đất: Đất trồng cà chua không nên làm quá kĩ, tốt nhất nên phơi ải trước trồng ít hất 1 tuần và xử lý đất bằng thuốc sinh học Tricoderma theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Vụ xuân hè, nông dân nên chú ý lên luống cao hơn vụ thu đông sao cho luống cao đạt 30cm, chiều rộng luống từ 1,3- 1,4m, hàng cách hàng 60-65cm, cây cách cây 35-40cm. Không nên trồng quá dày sẽ khiến cây dễ bị bệnh nhất là trong tháng 3 mưa phùn ẩm ướt. Nên đánh hốc so le để giúp luống cà thông thoáng, cây ít bị sâu bệnh hại.

+ Bón phân: Để đạt được năng suất cao, cà chua cần nhiều phân bón, cao nhất là kali, sau đó là đạm và lân. Vì ở giai đoạn tăng trưởng và phát dục của cây trùng lặp nhau, cây cho nhiều đợt thu hoạch nên việc bón lót và bón thúc phân luân phiên nhiều lần là cần thiết. Ở thời kì đầu vụ, do thời tiết giá rét nên cần bổ sung nhiều phân chuồng mục( nếu có) và toàn bộ phân lân để bón lót. Nếu không có phân chuồng, nên thay thế bằng phân hữu cơ sinh học với lượng bằng 1/10 phân chuồng nhằm giữ ấm cho cây và giúp bộ rễ phát triển nhanh hơn trong điều kiện giá rét đầu vụ.

Ngoài ra, do điều kiện khí hậu ở vụ xuân hè không thích hợp cho cà chua phát dục: Cây ít hoa, tỷ lệ đậu quả thấp, quả khó chín, màu sắc không đặc trưng...Vì vậy, người trồng cần chú ý bổ sung thêm cho cà chua một lượng phân bón vi lượng nhất định. Tốt nhất, nên trộn đều cùng NPK với lượng từ 1,5-2kg phân siêu vi lượng/sào BB để bón lót.

* Chú ý: Do đầu vụ xuân hè thời tiết thường giá rét, không thuận lợi cho việc ra ngôi cây con cà chua. Vì vậy, để giảm thiểu sự tổn thất cho lượng cây con sau trồng trên đồng tốt nhất, nông dân nên chọn loại phân bón tổng hợp NPK chuyên dùng cho rau màu để bón lót. Các loại phân như: 13-13-13 +TE hoặc 14-14-14+TE hoặc 16-16-8...sẽ an toàn cho cây con hơn.

Ngoài việc chăm sóc cà chua bằng bón phân, tưới nước, vun xới, làm giàn, bấm ngọn tỉa cành như thông thường thì ở vụ xuân hè, nông dân cần bổ sung định kì cho thân lá cây cà chua bằng các chế phẩm phân bón giàu canxi và kali nhằm giúp cho cây khỏe mạnh, cứng cáp và chống đỡ được nhiều sâu bệnh trong suốt cả vụ. Có thể dùng chế phẩm phân bón kalisunphat với lượng 30- 40g/bình 20l cùng với phân bón lá Hi-canxi phun cùng ở mỗi lần phun hoặc dùng các loại phân chuyên dụng thay thế.

Mặt khác, thời kì ra hoa đậu quả và chín nếu gặp nắng nóng, mưa nhiều, nên sử dụng các loại phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng và các loại phân vi lượng giúp cây ra hoa đậu quả thuận lợi, khi chín, mẫu mã, chất lượng tốt hơn. Có thể dùng chất kích thích sinh trưởng 2,4- D nồng độ 15-25g/1000000 để chấm hoa hoặc phun khi hoa nở được hơn một nửa( Chú ý, khi xử lý 2,4- D cần tránh không cho thuốc dây vào lá vì thuốc làm lá quăn. Nếu xảy ra trường hợp này thì cần bón bổ sung 1-2 lần phân bón lá để giúp cây phục hồi).

+ Bảo vệ thực vật: Vụ xuân hè, cà chua rất hay bị sâu bệnh gây hại do thời tiết ấm nóng. Vì vậy, để đảm bảo được năng suất đến cuối vụ, người trồng cần áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý và BVTV theo hướng tống hợp hiệu quả. Tốt nhất, vào những ngày có mưa phùn ẩm ướt hoặc tán cây phát triển rậm rạp, nông dân cần tiến hành phun thuốc phòng bệnh cho cây( nhất là bệnh mốc sương rất hay gây hại cà chua trong tháng 3 mưa phùn ẩm ướt). Có thể sử dụng các thuốc gốc đồng để phun phòng như: Boocdo 1%, Batocide, Coc, Copper B...phun lên thân lá định kì 5 ngày/lần. Đồng thời, trong thời tiết này không nên bón quá nhiều phân đạm cho cây, nên tăng cường phân kali để giúp cây chống đỡ tốt.

Vào mùa mưa, nên sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma tưới định kì vào gốc rễ cây để hạn chế nấm và vi khuẩn gây chết rũ cà chua( có thể hòa chung chế phẩm với phân bón đểisu cùng).

Ngoài ra, người trồng cần theo dõi và giám sát kĩ các đối tượng côn trùng chích hút như dòi đục lá( sâu vẽ bùa), bọ trĩ, bọ phấn, rầy, rệp...để phun trừ kịp thời nhằm hạn chế tối đa lượng cây bị bệnh virus do các côn trùng này truyền bệnh. Khi phát hiện có cây bị bệnh virus xoăn lá( khảm xanh hoặc khảm vàng) nên nhổ bỏ và tiêu hủy càng sớm càng tốt.

+ Thu hoạch: Vụ xuân hè, nông dân chú ý chỉ được thu hoạch cà chua khi quả đã báo chín( vai quả có màu hồng). Không nên thu xanh rồi dùng các thuốc hóa học giấm quả để tác động cho quả chín nhanh.

TheoSoNN&PTNTHaiDuong