Phát triển làng nghề để xây dựng nông thôn mới

Việc gìn giữ và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống đã và đang được các địa phương xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao đời sống
Về xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) hôm nay có thể thấy được bộ mặt nông thôn đang thay da đổi thịt từng ngày. Góp phần quan trọng trong sự phát triển chung đó là sự lớn mạnh của các làng nghề truyền thống đã hình thành cách đây hơn 5 thế kỷ. Dạo một vòng qua các làng nghề sản xuất giày dép Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm và Nghĩa Hy sẽ thấy đủ các loại giày dép từ đơn giản đến phức tạp, từ bình dân đến đắt tiền với hàng trăm mẫu mã. Xưởng giày dép da của anh Đỗ Văn Chính ở thôn Trúc Lâm là một trong những cơ sở sản xuất quy mô lớn của xã. Trong xưởng, khoảng chục người đang miệt mài làm việc, mỗi người một công đoạn như cắt da, may, ép mũ giày, đóng đế… Anh Chính cho biết: “Tôi làm nghề giày da đã hơn 20 năm. Đến nay, tôi đã có 2 xưởng sản xuất với diện tích hơn 300 m2, tạo việc làm thường xuyên cho từ 20-30 lao động, thu nhập từ 6 triệu đồng đến hơn chục triệu đồng/người/tháng”. Theo UBND xã Hoàng Diệu, hiện nay thu nhập bình quân đầu người ở các làng nghề hơn 30 triệu đồng, cao hơn 4 triệu đồng so với thu nhập bình quân chung của xã.
Không chỉ làng nghề truyền thống, các làng nghề mới được công nhận cũng trên đà phát triển mạnh mẽ. Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng (Bình Giang) cho biết: "Hiện xã có 2 làng nghề chế tác bạc là Lương Ngọc và Châu Khê. Năm 2010, thôn Lương Ngọc được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Trước đây, người dân Lương Ngọc có nghề truyền thống làm quạt, quang gánh. Sau đó, các nghề này mai một dần. Nghề làm bạc ở Lương Ngọc được du nhập từ làng vàng bạc Châu Khê bên cạnh, sau đó phát triển mạnh mẽ vào những năm 90, thời điểm này thôn có trên 50% số hộ làm nghề. Năm 2002, thôn Lương Ngọc cũng đã thành lập HTX Vàng bạc Tân Tiến để hỗ trợ người dân về kinh nghiệm, vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Thợ Lương Ngọc chủ yếu làm các sản phẩm trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay, lắc bạc… với hàng trăm mẫu mã đa dạng".
Thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) có hơn 200 hộ làm nghề, chế biến và tiêu thụ trên 2.000 tấn nông sản tươi mỗi năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 2.000 lao động với thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong làng đã đầu tư cải tiến công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Ngoài ra, các ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác trong làng như làm đậu phụ, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm tiếp tục được duy trì. Ông Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Các làng nghề giải quyết được nhiều việc làm cho lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Nhờ có làng nghề, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2014 đã được nâng lên 21,5 triệu đồng, tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2013”.
Thuận lợi để đạt nhiều tiêu chí
Thực tế cho thấy, một trong những khó khăn lớn của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn chính là chuyển dịch cơ cấu lao động. Việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp liên quan trực tiếp đến nhiều tiêu chí quan trọng khác như mức thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất. Do vậy, địa phương nào có làng nghề, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 60 làng nghề đã được công nhận, trong đó có 42 làng nghề phát triển trên cơ sở các nghề truyền thống, 19 làng nghề mới du nhập. Giá trị sản xuất tại các làng nghề thường xuyên chiếm từ 8 - 15% trong tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh. Số lượng lao động trong các làng nghề hiện đạt trên 30.000 người. 13 làng nghề đang gặp khó khăn, có nguy cơ mai một. Các làng nghề còn lại đều đang phát triển, nhiều làng nghề trở thành những trung tâm thu hút lao động trong tỉnh, số người tham gia hoạt động nghề chiếm từ 50 - 90% tổng số dân trong làng.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM, thời gian qua, các làng nghề đã góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh. Phát triển làng nghề và ngành nghề khu vực nông thôn không chỉ tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động và khai thác được thế mạnh của từng địa phương mà còn góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong những năm gần đây, các làng nghề đã từng bước được khôi phục, phát triển, nhiều làng nghề đã khởi sắc hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những nghề tiêu biểu như mộc, thêu ren, đóng giày da, chế biến thực phẩm (bún, bánh đa), sản xuất hương, sấy nông sản, sản xuất vật liệu không nung...
Tuy nhiên, theo quy hoạch phát triển hệ thống làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 thì hiện nay một số làng nghề đang gặp khó khăn do các cơ sở sản xuất chủ yếu vẫn duy trì ở dạng kinh tế hộ là chính; sản xuất nhỏ lẻ mang tính tự phát, công nghệ chậm đổi mới. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề chưa được quan tâm thường xuyên; chưa có chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư để tạo đà phát triển cho làng nghề, bảo đảm tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Một trong những vấn đề khó khăn nhất cần giải quyết ở các làng nghề hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thu gom chất thải. Nếu không được giải quyết triệt để, địa phương khó có thể hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường theo chuẩn NTM.
Theo Báo Hải Dương