Trồng chanh bán lá - cách làm hay ở Thanh Xá

      Nhiều năm trở lại đây, người dân ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) thường xuyên cắt tỉa lá chanh đem bán. Việc làm này được chuyên gia nông nghiệp khuyến khích vì làm tăng giá trị kinh tế của cây chanh.
Huyện Thanh Hà có trên 70 ha trồng chanh, tập trung ở các xã Thanh Xuân, Thanh Xá...Cây chanh được người dân Thanh Xá đưa vào trồng khoảng chục năm nay cùng với một số cây trồng khác như vải, ổi, quất. Mấy năm gần đây, thay vì chỉ trồng chanh lấy quả, người dân ở xã Thanh Xá đã cắt tỉa lá đem bán. Đặc biệt, có hộ trồng cả sào chanh nhưng chỉ để lấy lá bán mà không thu hoạch quả.

Xã Thanh Xá có trên 14 ha chanh. Ông Phạm Quốc Trọng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Các hộ bán lá chanh nhiều tập trung chủ yếu ở thôn 4. Mặc dù thu hoạch quả là chính nhưng mỗi năm, nông dân thường cắt tỉa lá từ 2-3 đợt. Việc bán lá và quả chanh được người dân kết hợp hài hòa với nhau để tăng thêm thu nhập.
Gia đình cô Hoàng Thị Thơ ở xóm 4, xã Thanh Xá có khoảng 100 gốc chanh. Hằng năm, chỉ riêng việc bán lá cũng giúp gia đình có thêm thu nhập cả chục triệu đồng. "Từ năm 2006, gia đình tôi đã tuốt lá chanh đem bán cho các nhà hàng nhưng nhu cầu chưa nhiều. Khoảng 4 năm trở lại đây, người mua nhiều hơn và tỉa cả cành nhỏ vẫn bán được nên năm nào gia đình cũng cắt bán khoảng 2 tạ lá chanh. Lúc đắt là 70.000 đồng/kg lá chanh, bình thường từ 30.000 - 40.000 đồng/kg", cô Thơ cho biết.

Với những người trồng chanh lấy quả là chính, bán lá làm phụ thì mỗi năm sẽ cắt tỉa lá 2 lần vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Theo nhiều hộ dân ở Thanh Xá thì việc tỉa lá vào thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến hoa và quả chanh. Ông Mạc Văn Tiến ở xóm 4 trồng 5 sào chanh thường xuyên bán lá chia sẻ kinh nghiệm: "Mỗi năm gia đình tôi cắt tỉa lá 2 đợt cũng được khoảng 5 tạ. Phần lớn người mua tìm đến nhà đặt hàng. Trong số 60 triệu tiền chanh gia đình thu được hằng năm, tiền bán lá chiếm 1/3. Nếu vẫn muốn thu hoạch quả, khi chanh ra hoa nên hạn chế cắt cành, tỉa lá. Khi chanh đã ra quả thì không nên cắt tỉa lá quá nhiều vì thời điểm đó vào mùa hè nếu không có lá để che chắn nắng, quả bị rám và khô, cây không còn sức nuôi quả".

Hiện nay, lá chanh không chỉ được bán cho các nhà hàng mà còn để sấy khô nên thường được mua với số lượng lớn. Đối với một số giống chanh thì việc bán lá sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn quả. Vì thế, có người trồng, chăm sóc chanh chỉ cốt để thu hoạch lá. Bà Cao Thị Bích ở xóm 4 trồng 2 sào chanh chỉ để bán lá, mỗi năm thu từ 15-17 triệu đồng. Bà Bích trồng giống chanh gai, quả to, nếu thu hoạch quả sẽ kém hơn bán lá. Vì thế, bà chủ đích chăm sóc vườn chanh để lấy lá bán mà không cho ra quả. Mỗi năm, bà Bích cắt tỉa lá từ 4 - 5 lần, sau đó lại tiếp tục chăm sóc. Khi không để chanh ra quả thì sau 2- 3 tháng bà lại được thu lá một lần. Bà Bích cho biết thêm: "Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, giá lá chanh thường đắt nên tôi chăm sóc tốt để lá được to, đẹp. Hiện nay, người mua đến tận nhà đặt, không phải đem đi bán nên cũng thuận tiện hơn nhiều".
Tiến sĩ nông học Phạm Thị Thu Hương ở Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cho biết: Cây chanh thuộc họ cam, quýt, việc cắt tỉa lá hợp lý sẽ không ảnh hưởng tới cây mà còn kích thích sự ra hoa, phát triển cây. Bình thường, đến dịp cuối năm, nếu không cắt tỉa cây cũng sẽ tự rụng lá. Người dân chủ động cắt tỉa lá là việc nên làm.



Theo Báo Hải Dương