Nhìn lại ngành hàng cá ngừ Việt Nam 10 năm trước, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) chia sẻ, khi ấy, Việt Nam đứng thứ 8 trên bản đồ xếp hạng các quốc gia xuất khẩu cá ngừ thế giới với vài doanh nghiệp chế biến nhỏ. Tuy công suất chế biến chưa lớn nhưng do nguồn cá ngừ khai thác từ đội tàu trong nước không đủ cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu, các doanh nghiệp đã phải nhập khẩu thêm cá ngừ nguyên liệu của nước ngoài.
Thời gian đó, để nhập khẩu được cá ngừ nguyên liệu, các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam phải mua qua rất nhiều công ty trung gian nước ngoài, khiến cho giá thành và chi phí nguyên liệu tăng cao.
Trong bối cảnh ấy, ngành cá ngừ Việt Nam vẫn liên tục phát triển, dần hình thành các nhà máy chế biến cá ngừ với máy móc, thiết bị công nghệ cao, có kinh nghiệm, có kỹ năng bán hàng, qua đó đưa sản phẩm Việt Nam tới rất nhiều thị trường trên thế giới và tạo được chỗ đứng trên thị trường. Nhờ vậy, đến năm 2022, lần đầu tiên, xuất khẩu cá ngừ của nước ta đã vượt mốc 1 tỷ USD.
Năm 2023, trong khó khăn chung của thị trường thủy sản toàn cầu, xuất khẩu cá ngừ bị giảm sút và mất mốc 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 5 thế giới xét về kim ngạch, chỉ sau Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Theo bà Kim Lan, đến nay, Việt Nam đã hình thành được ngành hàng cá ngừ "tỷ đô", đứng tốp đầu thế giới. Các doanh nghiệp cá ngừ đã lớn mạnh cả về quy mô lẫn công nghệ và đủ bản lĩnh để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, trong đó đặc biệt là thị trường nguồn cung nguyên liệu - yếu tố quyết định tới sự phát triển của ngành hàng.
Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đã tiến đến việc mua trực tiếp cá ngừ nguyên liệu từ các tàu đánh bắt cá của các nước trên các vùng biển quốc tế. Nhờ vậy, trong việc nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu, ngành cá ngừ Việt Nam hiện đã bỏ qua khâu trung gian, rút ngắn chuỗi cung ứng, từ đó giảm đáng kể chi phí nguyên liệu đầu vào. Đây là yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh trên toàn cầu mà ngành cá ngừ của nhiều quốc gia hiện chưa làm được như Việt Nam.
Cụ thể, hàng năm Việt Nam đón trung bình trên 20 tàu đánh bắt/tàu cấp đông của nước ngoài với hàng trăm nghìn tấn cá ngừ nguyên liệu tới bán trực tiếp cho các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam. Chuỗi cung ứng cá ngừ nguyên liệu ở khu vực Đông Nam Á đang có sự dịch chuyển sang Việt Nam, thay vì chỉ có Thái Lan như trước đây.
Việt Nam hiện đang là điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà cung ứng cá ngừ nguyên liệu toàn cầu bởi ngành cá ngừ có năng lực sản xuất lớn, công nghệ vượt trội và hơn hết là chính sách nhập khẩu nguyên liệu đã được linh hoạt thông thoáng, ưu đãi về thuế quan, tạo thuận lợi về thủ tục nhập khẩu trong quản lý chuyên ngành…, qua đó đã tạo uy tín với các nhà cung cấp lớn.
Loin (thịt thăn dọc sống lưng) cá ngừ đông lạnh. Ảnh: Sơn Trang
Sau khi sụt giảm trong năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đã phục hồi và đang tăng trưởng mạnh trong năm nay. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới cuối tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ đạt 388 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ 2023. Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang kỳ vọng năm 2024, cá ngừ Việt Nam sẽ có cơ hội quay lại mốc 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, để quay lại mốc 1 tỷ USD, những bất cập liên quan đến cá ngừ nguyên liệu cần được xem xét, tháo gỡ kịp thời. Hiện có 3 vấn đề liên quan đến cá ngừ nguyên liệu là khó làm giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; quy định kích thước tối thiểu cho phép khai thác cá ngừ vằn chưa phù hợp thực tế; một số quy định và yêu cầu mới liên quan tới nhập khẩu thủy sản nguyên liệu để chế biến xuất khẩu vào EU và nhập khẩu thủy sản nguyên liệu bằng container.
Trong cơ cấu giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam những năm gần đây, có tới hơn 50% giá trị được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu do cá ngừ khai thác trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất khẩu.