Quyền tiếp cận thực phẩm

Đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm đồng nghĩa với việc lấy con người làm trung tâm trong các chính sách và chương trình nông nghiệp cũng như các hệ thống lương thực thực phẩm.

Quyền tiếp cận thực phẩm là một quyền con người cơ bản được công nhận trên toàn thế giới, theo đó mọi cá nhân đều được đảm bảo có quyền tiếp cận với thực phẩm đầy đủ, đủ dinh dưỡng và an toàn, giúp có một cuộc sống khỏe mạnh và năng động. Quyền này không chỉ đơn thuần là đảm bảo đủ thực phẩm để tránh nạn đói, mà còn mở rộng sang việc cung cấp quyền tiếp cận bền vững đối với các nguồn thực phẩm đa dạng, phù hợp với văn hóa, và nhiều dinh dưỡng.

Thúc đẩy quyền tiếp cận thực phẩm là điều cần thiết để đạt được sự ổn định xã hội, kinh tế và chính trị trên diện rộng, đặc biệt là ở các khu vực như châu Á và Thái Bình Dương, nơi tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng vẫn là những vấn đề cấp bách.
Ở châu Á, tình hình mất an ninh lương thực đang ở mức báo động. Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 418 triệu người ở châu Á đang bị suy dinh dưỡng, với số lượng lớn trẻ em bị còi cọc do suy dinh dưỡng mãn tính. FAO đã luôn đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền tiếp cận thực phẩm, và nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền này khi lựa chọn nó làm chủ đề của ngày Lương thực Thế giới năm 2024.
Năm nay là kỷ niệm 20 năm ra đời của Hướng dẫn tự nguyện nhằm hỗ trợ việc hiện thực hóa từng bước quyền tiếp cận thực phẩm đầy đủ trong bối cảnh an ninh lương thực quốc gia, đã được hầu hết các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương thông qua. Hướng dẫn này cung cấp một khuôn khổ toàn diện cho các chính phủ để đảm bảo các hệ thống lương thực thực phẩm thực sự bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu tốt.
Nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đã triển khai những giải pháp pháp lý và chính sách quan trọng để thúc đẩy và bảo vệ quyền tiếp cận thực phẩm, đồng thời giảm thiểu những con số đáng báo động nói trên. Ví dụ như Ấn Độ đã tăng cường các biện pháp an ninh lương thực bằng cách triển khai một Chương trình an ninh lương thực của Thủ tướng dành cho người nghèo (Pradhan Mantri Garib Kalyan Anna Yojana - PMGKAY) vào năm 2020. Chương trình này cung cấp ngũ cốc miễn phí cho hàng triệu gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Tại Philippines, chương trình “Không còn nạn đói” được triển khai vào năm 2020 bao gồm nhiều biện pháp can thiệp trực tiếp, chẳng hạn như các chương trình cung cấp bữa ăn cho học sinh, cải thiện năng suất nông nghiệp, đảm bảo các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm có khả năng chống chịu với các cú sốc. Chính phủ Philippines cũng đã thông qua “Đạo luật Hệ thống giám sát dựa vào cộng đồng” nhằm theo dõi và giải quyết tốt hơn tình trạng mất an ninh lương thực và nghèo đói ở cấp địa phương.
Bangladesh cũng đã đạt được những bước tiến trong việc đảm bảo an ninh lương thực thông qua Chiến lược an sinh xã hội quốc gia được cập nhật vào năm 2020, trong đó kết hợp nhiều chương trình an sinh xã hội khác nhau nhằm mục đích giảm nạn đói và suy dinh dưỡng trong các hộ gia đình nghèo nhất.
Việt Nam đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững từ năm 2021, tập trung vào việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và tăng cường an ninh lương thực thông qua các hoạt động nông nghiệp bền vững, đồng thời tăng cường đầu tư cho phát triển nông thôn.
Những sáng kiến ​​này đã đem lại những tác động tích cực hữu hình, bao gồm cải thiện sức khỏe thể chất, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tăng cường an ninh lương thực trong nhóm dân số dễ bị tổn thương. Các sáng kiến này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các khuôn khổ pháp lý và chính sách ưu tiên cho việc tiếp cận thực phẩm và dinh dưỡng.
Quyền tiếp cận thực phẩm không chỉ bao gồm việc tiếp cận thực phẩm đơn thuần. Quyền này còn bao gồm việc không bị phân biệt đối xử, đảm bảo rằng các nhóm yếu thế có quyền tiếp cận bình đẳng với các nguồn lương thực thực phẩm. Quyền này cũng bao gồm sự tham gia của mọi người vào các quá trình ra quyết định liên quan đến chính sách lương thực thực phẩm, trao quyền cho họ để tác động đến các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ, đồng thời khuyến khích tiêu thụ thực phẩm bổ dưỡng và phù hợp với văn hóa.
Đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm đồng nghĩa với việc lấy con người làm trung tâm trong các chính sách và chương trình nông nghiệp cũng như các hệ thống lương thực thực phẩm. Điều này đòi hỏi các chính phủ phải tạo ra môi trường thuận lợi để mọi người đều có thể đạt được an ninh lương thực và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Châu Á, nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai an ninh lương thực toàn cầu. Đảm bảo quyền tiếp cận thực phẩm không chỉ là nghĩa vụ đạo đức mà còn là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững. Bằng cách áp dụng các chính sách và chiến lược bao trùm nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mất an ninh lương thực, các quốc gia châu Á có thể mở đường cho một tương lai công bằng và bền vững hơn.
Theo Nongnghiep.vn