Đến 2026, tất cả đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức có chữ ký số

Đây là một trong những mục tiêu chính của Nghị quyết số 1343 vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành.

Nghị quyết chia quá trình thực hiện thành 2 giai đoạn. Từ nay đến năm 2026, Quốc hội đặt mục tiêu hoàn thành tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, có tính dự phòng cao, đáp ứng tiêu chuẩn; 100% đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức được trang bị chữ ký số.

Kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia; kết nối, liên thông với các cơ quan có liên quan trong hệ thống chính trị, với nghị viện điện tử, nghị viện số của các nước và Liên minh Nghị viện Thế giới.
100% quy trình, nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn; 100% hồ sơ tài liệu không mật được số hóa và cập nhật vào cơ sở dữ liệu; hướng tới các tài liệu mật được số hóa và quản lý, sử dụng trên môi trường số.
Xây dựng hệ thống phần mềm công nghệ thông tin hỗ trợ: Công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, công tác đại biểu, công tác dân nguyện; nền tảng truyền thông giữa Quốc hội với cử tri; công tác chỉ đạo, điều hành và công tác quản trị nội bộ phù hợp với Kiến trúc tổng thể Quốc hội số.
Đầu tư xây dựng, thuê hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Quốc hội với năng lực xử lý dữ liệu lớn; hạ tầng truyền thông bảo đảm tốc độ kết nối, ổn định, an toàn; cơ sở dữ liệu người dùng tập trung, hệ thống xác thực điện tử sử dụng chung, thống nhất trên cơ sở Kiến trúc Quốc hội số.
Giai đoạn thứ hai, từ 2027 đến 2030, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu.
Hoàn thành việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu với hệ thống bảo mật thông tin nhiều lớp đáp ứng yêu cầu giám sát liên tục; phát hiện, cảnh báo sớm và phản ứng nhanh với các cuộc tấn công mạng, đủ khả năng chống lại các mối đe dọa mạng với các giải pháp sử dụng công nghệ tiên tiến.
Kết nối, báo cáo kịp thời thông tin giám sát an toàn, an ninh mạng về cơ quan chức năng và bảo đảm phát hiện sớm các nguy cơ đe dọa an toàn, an ninh mạng.
Với mục tiêu, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Quốc hội số, đổi mới phương thức hoạt động, quy trình nghiệp vụ của Quốc hội dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số, Nghị quyết 1343 nhấn mạnh:
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại Quốc hội bảo đảm tương thích với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng bộ hạ tầng số, các nền tảng công nghệ số, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan trung ương và các cơ quan của Quốc hội.
Ngoài Nghị quyết 1343, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn ban hành Nghị quyết 1350 về công tác quản lý và bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động.
Quyết nghị giao Văn phòng Quốc hội trực tiếp quản lý, phân công nhiệm vụ; đồng thời tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của hai cơ quan, kể từ ngày kết thúc hoạt động cho đến khi có quyết định mới của cấp có thẩm quyền.
3 nghị quyết khác được ban hành trong cùng thời gian, gồm: Nghị quyết 1336 phê chuẩn kết quả miễn nhiệm Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết 1344 thành lập Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật liên quan; Nghị quyết 1345 về phân công đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Lâm Đồng.
Theo NNVN