Ngoài việc tăng cường hợp tác sâu rộng, nâng cấp chuỗi giá trị ngành, lĩnh vực trọng điểm có tiềm năng và lợi thế, cần tiếp tục đột phá về thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thực tế, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đã mang lại cả thách thức và cơ hội đối với nhiều lĩnh vực ngành nghề ở Việt Nam. Các lĩnh vực ngành nghề đều phải ứng biến, đối mới ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để tồn tại và phát triển.
Lãnh đạo tập đoàn Lộc Trời cho biết, trước sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng. Từ năm 2019, Tập đoàn Lộc Trời đã trang bị hàng ngàn điện thoại thông minh cho nông dân để tăng cường ứng dụng công nghệ trong kết nối giữa sản xuất, tiêu thụ.
Hiện nay, khoảng 80% quá trình vận hành, điều hành quản lý tổng thể từ văn phòng đến áp dụng quy trình canh tác, giám sát các khâu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đều trên phần mềm. Việc tập trung đầu tư chuyển đổi số và đổi mới công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, ổn định 2 thị trường truyền thống là Philippines, châu Phi mà còn tiếp cận nhiều quốc gia ở thị trường châu Âu đối với những sản phẩm chế biến từ lúa gạo.
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, so với 10 năm trước tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu đã tăng từ 19% lên trên 50%. Để xuất khẩu được những sản phẩm công nghệ cao không thể thiếu việc đổi mới đầu tư khoa học công nghệ để sản xuất. Trong ứng dụng công nghệ tuy còn nhiều hạn chế, song theo ông Hải, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để bứt phá trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, cùng với kết quả đạt được, thời gian qua, thể chế khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở nước ta vẫn còn hạn chế. Pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ với một số quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.
Các chính sách về vốn, thuế, hỗ trợ phát triển chưa tạo điều kiện để doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có thể tiếp cận để đầu tư đổi mới công nghệ và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sản phẩm khoa học, công nghệ trong nước và nước ngoài được trao đổi, mua bán trên thị trường.
Giới chuyên gia nhận định, hiện nay, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, ngoài tăng cường hợp tác sâu rộng, nâng cấp chuỗi giá trị ngành, lĩnh vực trọng điểm có tiềm năng và lợi thế cần tiếp tục đột phá về thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.
Đến nay cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ bản cho khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển nói riêng. Bởi so với những nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn còn khá thấp chỉ đạt 0,79% tổng chi ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, chỉ số tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu phát triển cũng khá khiêm tốn, chỉ ở mức 0,53% GDP.
Theo VietQ.vn