Chuyên gia chỉ ra những nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam thấp hơn so với khu vực

Cải thiện năng suất lao động là đòi hỏi bức thiết từ thực tế phát triển của đất nước. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn thấp.

Chuyên gia chỉ ra những nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam thấp hơn so với khu vực

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022). Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022). Năng suất lao động năm 2022 theo giá hiện hành đạt 188,7 triệu đồng/lao động, tăng 4,8% so với năm trước.

Theo báo cáo năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 thực trạng và giải pháp của Tổng cục Thống kê, tính theo PPP 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% năng suất lao động của Philippines. Năng suất lao động của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).

Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Tuy nhiên, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2023 vẫn tiếp tục thấp, tỷ lệ tăng năng suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra (là 5,5%/năm). Xét theo giá trị tuyệt đối, năng suất của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực: Năm 2022 chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines.

Sau nhiều năm đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Về vấn đề năng suất lao động, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) thì năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua PPP là 2.400 USD. Tuy nhiên, nếu nhìn con số này thì năng suất lao động của chúng ta thấp, do cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình, số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022.

Mặc dù vậy số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP). GDP của Việt Nam năm 2022 theo ngang giá sức mua PPP bằng đồng USD 2017 là 1.321.694,15 triệu USD. Như vậy với việc tạo ra 60% GDP năng suất lao động của các lao động trong doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra là 53.582 USD/lao động. Với con số này thì năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bằng khoảng 30% của người lao động trong các doanh nghiệp Singapore. Mặc dù vậy, năng suất lao động của Việt Nam khá là thấp.

Vì vậy, một trong những việc chúng ta cần làm để tăng năng suất lao động trên góc nhìn vĩ mô thì cần phải đẩy nhanh phát triển nhiều hơn nữa hệ thống doanh nghiệp nhiều hơn mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, mục tiêu quan trọng để thúc đẩy năng suất lao động. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn kỹ hơn một chút đó là năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn quá thấp.

TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, hiện nay Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào và khả năng thích nghi cao, được đánh giá là tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng quản lý. Cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỉ lệ lao động tham gia trong độ tuổi vẫn duy trì ở mức cao. Tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp so với khu vực. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên.

Tuy nhiên, thị trường lao động chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do dư thừa lao động có chất lượng thấp, lao động không có trình độ chuyên môn chiếm tỉ lệ lớn, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều hạn chế. Dẫn đến, nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay. Các nguồn đầu tư FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo kịp thời, đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, mất đi lợi thế về chi phí lao động giá rẻ.

Trong bối cảnh đó, đòi hỏi phải đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu", đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến là yêu cầu bắt buộc của hệ thống giáo dục. 

Lý giải về thực tế nguồn năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trong khu vực, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra 4 nguyên nhân chính, do cơ cấu lao động theo ngành chưa hợp lý từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lao động chiếm tổng số lao động lớn nhưng năng suất thấp, vì đa số là lao động giản đơn, công việc thời vụ, không ổn định. Trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năng suất thấp và số lượng doanh nghiệp ít thì lao động chiếm tổng số lao động lớn.

Vai trò của năng suất lao động từng ngành còn hạn chế. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào mở rộng quy mô các ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp.

Năng suất lao động khu vực doanh nghiệp thấp. Doanh nghiệp nhà nước có mức năng suất lao động cao nhất do cổ phần hóa và tận dụng lợi thế từ các nguồn lực của đất nước (vốn, chính sách thuế, tài nguyên thiên nhiên,…). Doanh nghiệp ngoài nhà nước có năng suất lao động thấp nhất. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp tư nhân trong nước là siêu nhỏ, nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực có năng suất tương đối thấp (chẳng hạn bán lẻ, nhà hàng nhỏ) và các hoạt động sản xuất đơn giản nhắm vào thị trường nội địa, thay vì xuất khẩu.

Về giá trị gia tăng trên mỗi lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có năng suất gấp gần 5 lần và lợi nhuận trên tài sản và lợi nhuận cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước.

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Khả năng hội nhập của lao động Việt chưa cao, trình độ tay nghề thấp. Lao động thời vụ phát triển, hạn chế về đào tạo kỹ năng. 

Xoay quanh vấn đề giải pháp nâng cao năng suất lao động, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, phải đầu tư vào các điều kiện như cải tiến máy móc cải tiến công nghệ, đặc biệt là điều kiện tối thiểu để cho người lao động có năng suất lao động. Chúng ta làm như thế nào để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng như nâng cao hệ thống trường lớp dạy nghề. Đấy là một loạt những giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Có những giải pháp thì chúng ta có thể nhìn thấy hiệu quả ngay trước mắt, nhưng cũng có những giải pháp cần phải có độ trễ thời gian thì mới có thể thấy được hiệu quả. 

Năng suất lao động được coi là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 bình quân trên 6,5%/năm. Đây là chỉ tiêu cực kỳ quan trọng, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm, tăng lợi nhuận doanh nghiệp và tăng thu nhập cho chính người lao động. Do đó, nếu không tìm đúng “nút thắt” thì sẽ không tìm ra giải pháp phù hợp hơn để cải thiện năng suất lao động. Và như vậy, nguy cơ chỉ tiêu này tiếp tục không đạt vẫn còn hiện hữu.

Nguồn Theo VietQ.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây