Khoa học và Công nghệ (Số 3-2022) -0001-11-30 07:06:30

Đến năm 2020, trong cơ cấu giống lúa gieo cấy tại Hải Dương thì giống lúa chất lượng gồm lúa tẻ chất lượng và lúa nếp chiếm 70,7% diện tích gieo cấy, trong đó các giống lúa nếp chiếm 13,15% diện tích gieo cấy lúa của tỉnh.

Các giống lúa nếp gieo cấy tại Hải Dương, ngoài giống lúa nếp Quýt, nếp Xoắn, nếp Cái Hoa vàng đặc sản chỉ gieo cấy được vụ Mùa, nhóm các giống Nếp 415, Nếp 352, Nếp 87, Nếp 97, DT22…khả năng chống chịu sâu bệnh kém, nhất là bệnh đạo ôn, rầy nâu gây hại, khả năng sinh trưởng phát triển trên chân đất vàn thấp, đất chua kém.

Giống lúa nếp Hương là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng thích ứng rộng, chịu chua tốt, có thể gieo cấy trên đất vàn thấp đến vàn cao, khả năng chống chịu tốt với bệnh đạo ôn và một số sâu bệnh hại chính, cho năng suất cao cả 2 vụ, cơm ngon, mềm mùi hơi thơm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường về nấu ăn hoặc chế biến, dễ tiêu thụ, hướng tới đưa vào cơ cấu sản xuất của tỉnh có thể dần thay thế các giống Nếp 325, Nếp 87 và 97…

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương đã thực hiện đề tàiXây dựng mô hình sản xuất giống lúa Nếp Hương trên địa bàn tỉnh Hải Dương do kỹ sư Nguyễn Phú Thụy, Phó giám đốc Trung tâm làm chủ nhiệm với quy mô 120 ha tại các huyện Nam Sách, Bình Giang, Thanh Miện.

Trong vụ xuân, Trung tâm triển khai thực hiện với diện tích 70 ha. Giống lúa Nếp Hương có mật độ cấy là 18,5 khóm/m2, thời gian sinh trưởng ở vụ Xuân từ 117 - 119 ngày, ngắn hơn so với giống lúa NT 202 đối chứng là từ 8 đến 10 ngày, ngắn hơn giống Nếp 97 từ 11 - 12 ngày, chiều cao cây ở vụ Xuân là 115 - 120 cm, tương đương Nếp 97, cao hơn so với giống lúa NT 202 từ 6 đến 8 cm; từ 9,1 - 12,2 bông/khóm, tương đương với nếp NT 202 và Nếp 97. Độ tàn lá mức trung bình, khi chín lá chuyển vàng gừng như các giống đối chứng. Giống Nếp Hương nhiễm nhẹ đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông nhẹ hơn giống đối chứng NT 202 và Nếp 97, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân đều nhiễm thấp hơn so với giống đối chứng NT 202, giống Nếp 97, khả năng chịu rét và chống đổ tốt.

Giống lúa Nếp Hương có 205,8 bông/m2, số hạt chắc/bông đạt 137,8 hạt, tỷ lệ hạt lép chiếm 9%, năng suất thực thu trung bình tại 4 điểm 3 huyện đạt 70,83 tạ/ha, tăng so với lúa Nếp NT 202 tới 15,43 tạ/ha, tương đương là 27,8%, và tăng so với lúa Nếp 97 là 6,73 tạ/ha, tương đương là 10,4%. Hiệu quả kinh tế của mô hình giống lúa Nếp Hương cho thu lãi 20,628 triệu đồng/ha, cao hơn giống lúa Nếp NT 202 là 12,744 triệu đồng/ha, hơn nếp 97 là 5,184 triệu đồng/ha.

Trong vụ mùa, Trung tâm triển khai thực hiện với diện tích 50 ha.Giống lúa Nếp Hương có mật độ cấy 18,5 khóm/m2, thời gian sinh trưởng từ 103 - 105 ngày, ngắn hơn so với giống lúa NT 202 và giống lúa Nếp 97 từ 5 - 7 ngày, chiều cao cây từ 115 - 119 cm cao hơn so với giống lúa NT 202 từ 5 đến 8 cm, từ 10,8 - 11,8 bông/khóm, tương đương các giống đối chứng. Giống lúa Nếp Hương ở tất cả các điểm tham gia mô hình đều chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt hơn giống đối chứng.Giống chống chịu tốt với bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu đều thấp hơn các giống đối chứng. Khả năng chống đổ tương đương giống đối chứng NT 202 và Nếp 97.

Giống lúa Nếp Hương sinh trưởng phát triển tốt trong vụ mùa, có trung bình 210 bông/m2, đạt 130,4 hạt chắc/bông tương đương nếp NT202, thấp hơn Nếp 97, tỷ lệ hạt lép chiếm thấp 12%, khối lượng 28 gram/1000 hạt lớn nên cho năng suất cao, năng suất thực thu đạt 63,5 tạ/ha. Năng suất thực thu giống Nếp Hương trong vụ Mùa đều cao hơn NT 202 từ 19,9 - 26,0%, hơn giống Nếp 97 từ 4,8% đến 8,4%. Năng suất trung bình đạt 63,5 tạ/ha cao hơn Nếp NT 202 là 12,3 tạ/ha, tương đương 24%, cao hơn Nếp 97 là 4,28 tạ/ha, hơn 7,2 %. Hiệu quả kinh tế của mô hình giống lúa Nếp Hương vụ Mùa cho thu lãi 12,113 triệu đồng/ha thu cao hơn giống lúa NT 202 là 9,594 triệu đồng/ha,hơn giống Nếp 97 là 3,038 triệu đồng/ha.

Giống lúa Nếp Hương có chất lượng cơm trung bình như Nếp NT 202 và Nếp 97, nhưng có mùi thơm tương tự như nếp NT 202, thơm hơn Nếp 97, cơm mềm tương tự Nếp 97, mềm hơn Nếp NT 202.

Sản lượng lúa Nếp Hương được tạo ra từ mô hình là 813,2 tấn, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tuyên Du tổ chức tiêu thụ thóc thương phẩm giống lúa Nếp Hương cho các hộ tham gia đề tài được 676,5 tấn, chiếm 83,2% với giá từ 7.8000 - 8000 đồng/kg.

Bài của Hải Ninh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2022

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.