Kiến thức nông nghiệp -0001-11-30 07:06:30

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và của các nước, từ đầu tháng 01/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC) tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ: Chủng vi rút CGC A/H5N1 tại Ấn Độ; A/H5N1 tại Trung Quốc (ngày 01/02/2020, ổ dịch được phát hiện tại một trang trại ở quận Song Thành, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam; trang trại có 7.850 con gà và 4.500 con trong số này đã chết vì bị CGC; giới chức địa phương đã tiêu hủy 17.828 con gia cầm sau khi dịch bùng phát); A/H5N6 tại Nigeria; A/H5N8 tại Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Nam Phi; tại Đài Loan cũng ghi nhận các ổ dịch CGC A/H5N2 và A/H5N5. Nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước rất cao.

 Tại Việt Nam, theo báo cáo của các địa phương, năm 2019, bệnh CGC xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con gia cầm; từ đầu tháng 01/2020 đến nay, cả nước có 01 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh; kết quả chủ động lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố (với tổng cộng 3.966 mẫu gộp của 19.830 con gia cầm đã được xét nghiệm). Kết quả, tỷ lệ dương tính với vi rút cúm A là 37,72%, trong đó có dương tính với vi rút cúm A/H5N1 là 1,19%; A/H5N6 là 1,82%. Mặt khác, hiện nay tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vắc xin CGC cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh CGC xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng vi rút mới Corona (nCoV) gây ra.

Để chủ động phòng, chống nguy cơ xâm nhiễm và lây lan vi rút Corona và các loại mầm bệnh nguy hiểm ở động vật tỉnh Hải Dương xây dựng Kế hoạch thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trườngđể phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm” trên địa bàn tỉnh từ ngày 10/02/2020 đến ngày 10/03/2020.

Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm:Chủ động phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi gia súc, gia cầm, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; Vệ sinh, tiêu độc toàn bộ chuồng trại, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, thức ăn,… trước khi ra/vào cơ sở, khu vực chăn nuôi mỗi tuần 01 lần;Phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 02 lần. Thực hiện rắc vôi bột xung quanh trại, lối ra vào chuồng trại hàng ngày để tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập.

Cơ sở ấp nở trứng gia cầm: Phát quang cỏ cây xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra, vào cơ sở ấp, thu gom vỏ trứng sau khi ấp nở để tiêu hủy;Xông hoặc phun khử trùng máy ấp, phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra, vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển ra vào khu vực ấp nở.

Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; điểm giết mổ nhỏ lẻ: Nơi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ: Sau khi động vật được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt gia súc, gia cầm phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng trước khi nhập mới;Nơi giết mổ: thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca sản xuất; Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh.

Điểm tập kết, cửa hàng, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm: Thực hiện quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực bán gia súc, gia cầm mỗi buổi chợ; phương tiện vận chuyển, lồng nhốt phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc khử trùng khi vào, ra khỏi chợ; Những quầy bán sản phẩm gia súc, gia cầm phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, sát trùng vào cuối ngày hoặc cuối mỗi buổi chợ.

Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm và điểm chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật: Thực hiện phát quang, quét dọn, thu gom rác thải; kiểm tra điểm chôn lấp và phun tiêu độc mỗi tuần 01 lần.

UBND xã, phường, thị trấn thành lập đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, nơi công cộng, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; các lò ấp nở trứng gia cầm; các điểm chôn lấp tiêu hủy động vật mắc bệnh ở địa phương đảm bảo theo đúng hướng dẫn. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố, thị xã căn cứ kế hoạch này chủ động tham mưu UBND cấp huyện ban hành kế hoạch của địa phương; thực hiện tiếp nhận, phân bổ và quản lý nguồn hóa chất của tỉnh đúng đối tượng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát xã, phường, thị trấn tổ chức Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đảm bảo kỹ thuật và theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.Chi cục Thú y cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chiến dịch tiêu độc, khử trùng theo kế hoạch. Đảm bảo cấp phát cơ số hóa chất để phục vụ việc phun khử trùng, tiêu độc môi trường đối với nơi có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao, nơi tập trung buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Đối với trại chăn nuôi lợn tập trung, chăn nuôi gia công, chăn nuôi có yếu tố nước ngoài, công ty chăn nuôi; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung,…; tự lo vật tư hóa chất, kinh phí và tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y.

Hải Ninh

 

 

 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.