Không chỉ làm thay đổi cách nghĩ của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng mà cuộc vận động còn lan tỏa đến các cơ quan quản lý nhà nước để hình thành các cơ chế, chính sách và có hành động cụ thể nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa kém chất lượng, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, người tiêu dùng, góp phần làm lành mạnh và ổn định thị trường trong nước. Cao hơn nữa, cuộc vận động còn nhằm vào việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng đến thị trường nước ngoài.
Từ đó các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, các tổ chức chính trị - xã hội trong Bộ đã triển khai mạnh mẽ thông tin tuyên truyền những hoạt động về thực hiện cuộc vận động. Sau 4 năm triển khai, những cơ chế chính sách đã và đang trình Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, sản xuất thử nghiệm, kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp, nhà sản xuất...
Các văn bản quản lý nhà nước thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới để hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN, các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, tăng cường hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN, ứng dụng thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.
Chú trọng đến chủ trương cuộc vận động trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao công nghệ, hình thành doanh nghiệp KH&CN và phát triển thị trường KH&CN.
Xây dựng, ban hành các quy định về hàng hóa, bảo đảm kiểm soát và hạn chế được hàng hóa nhập khẩu có tiêu chuẩn, chất lượng không đáp ứng yêu cầu có nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng, môi trường.
Tuyên truyền về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật, hướng dẫn người tiêu dùng về nội dung ghi nhãn, công bố tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, thể hiện dấu hợp quy lập phòng trưng bày sản phẩm phù hợp QCVN, TCVN và ghi nhãn đúng quy định để người tiêu dùng xem trực quan.
Bên cạnh đó, hệ thống thanh tra và các đơn vị có chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thông qua việc giám sát giá cả và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, kiên quyết xử lý các sản phẩm, hang hóa giả, kém chất lượng... góp phần nâng cao uy tín và vị thế hàng Việt trong tâm thức người tiêu dùng.
Các cơ quan, đơn vị khác thuộc bộ, tùy theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn cũng đã kịp thời thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng về hàng hóa không đạt chất lượng theo QCVN, TCVN; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện biện pháp đảm bảo chất lượng để nâng uy tín chất lượng hàng hóa do Việt Nam sản xuất khi đưa ra thị trường.
Sau 4 năm, hàng Việt Nam mặc dù đã có nhiều tiến bộ so với trước đây nhưng vẫn ít thu hút được sự quan tâm của người dân vì công nghệ sản xuất chậm đổi mới, mẫu mã chưa đa dạng, giá thành chưa hấp dẫn, chất lượng còn hạn chế. Để người tiêu dùng mua và sử dụng hàng Việt Nam nhiều hơn, các doanh nghiệp cần thực sự đổi mới mạnh mẽ, thực sự vì người tiêu dùng.
Hàng hóa qua biên giới tràn vào thị trường nội địa ngày càng nhiều, tác động trực tiếp đến tâm lý người tiêu dung, trong khi nhiều mặt hàng của các doanh nghiệp Việt sản xuất giá cả còn cao, chất lượng thấp, mẫu mã đơn điệu.
Chính vì những lý do đó nên theo Chủ tịch UBTWMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, cuộc vận động cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chính là một trong những biện pháp quan trọng quyết định sự thành công của cuộc vận động.
Trong buổi làm việc, Lãnh đạo Bộ KH&CN đưa ra kiến nghị. Theo đó, việc tiếp tục có chính sách đầu tư, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước như các dự án đầu tư nâng cao năng lực cho các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chi cục TCĐLCL để phục vụ việc kiểm tra, phát hiện kịp thời hàng hóa vi phạm.
Cần có các biện pháp quyết liệt quản lý, ngăn chặn việc nhập lậu hàng hóa để các mặt hàng trong nước có điều kiện cạnh tranh và đứng vững trên thị trường nội địa nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Cần có những chế tài mạnh để xử lý những doanh nghiệp làm ăn phi pháp, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng gây mất lòng tin trong nhân dân, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm.
VietQ.vn