Cơ chế quản lý hoạt động của các tổ chức KH&CN được đổi mới cơ bản

Cơ chế quản lý hoạt động của các tổ chức KH&CN được đổi mới cơ bản với chủ trương chuyển đổi tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành doanh nghiệp KH&CN.

Cơ chế quản lý hoạt động của các tổ chức KH&CN được đổi mới cơ bản

Theo Bộ KH&CN, qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển các tổ chức KH&CN, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN và phát triển nhân lực khoa học… đóng góp vào thành tựu chung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Về hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ

Tính đến ngày 31/8/2023, số tổ chức KH&CN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN tại Bộ KH&CN là 2.521 (trong đó: 1.088 tổ chức KH&CN công lập; 1.433 tổ chức KH&CN ngoài công lập). Tính đến ngày 31/12/2022, số tổ chức KH&CN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN tại địa phương do các Sở KH&CN cấp là 2.496 (trong đó: số tổ chức KH&CN công lập là 935; số tổ chức KH&CN ngoài công lập là 1.561).

Cơ chế quản lý hoạt động của các tổ chức KH&CN được đổi mới cơ bản với chủ trương chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành doanh nghiệp KH&CN; cho phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu; hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp,...

Cơ chế chuyển đổi cho phép các tổ chức KH&CN công lập được quyền tự chủ về xác định và thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính, trong đó đặc biệt là được quyền sản xuất, kinh doanh và hưởng ưu đãi như doanh nghiệp. Tính đến năm 2020, đã có 386 tổ chức KH&CN công lập phê duyệt phương án tự chủ, bao gồm 263 tổ chức KH&CN thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành và 123 tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến nay, hầu hết tổ chức KH&CN công lập đã được giao quyền tự chủ ở các mức độ khác nhau. Các tổ chức nghiên cứu cơ bản, chiến lược chính sách và cung cấp dịch vụ công tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức khoán và được giao quyền tự chủ trong hoạt động. Nhiều tổ chức KH&CN được chuyển đổi đã phát huy hiệu quả trong hoạt động.

Ảnh minh hoạ

Về cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ

Đến năm 2020, cả nước có khoảng 173.000 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển, tập trung nhiều ở khu vực trường đại học, chiếm 46,4%, tiếp theo là các tổ chức nghiên cứu và phát triển với 23%. Nhân lực làm nghiên cứu và phát triển trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 15,6%. Trong đó, số lượng nghiên cứu viên chiếm 78,8% (khoảng 136.070 người), cán bộ kỹ thuật 6,4% (khoảng 11.066 người) và cán bộ hỗ trợ chiếm gần 15% (25.547 người).

Trong những năm qua, số lượng và trình độ đội ngũ cán bộ nghiên cứu đã được cải thiện, tỉ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ trên đại học (tiến sỹ, thạc sỹ) trong tổng số cán bộ nghiên cứu đã tăng từ khoảng 43,8% (2011) lên gần 52,7% (2017). Tổng số cán bộ nghiên cứu quy đổi toàn thời gian của Việt Nam có gần 67.000 người (7 người/vạn dân). Với đội ngũ cán bộ KH&CN nêu trên, KH&CN Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đóng góp thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Một số lĩnh vực trong khoa học tự nhiên (toán, vật lý lý thuyết) có thứ hạng khá cao trong khu vực ASEAN.

Bên cạnh đội ngũ cán bộ KH&CN đang làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong nước, lực lượng nhà khoa học và chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cũng là nguồn lực quan trọng, có nhiều tiềm năng, góp phần kết nối và thúc đẩy trao đổi kỹ năng và ý tưởng, cùng nhau sáng tạo vì mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Thời gian qua, chính sách về sử dụng, trọng dụng và đào tạo nhân lực KH&CN được đổi mới cơ bản thông qua những ưu đãi trong tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh, nâng lương vượt bậc, thăng hạng chức danh không qua thi và không phụ thuộc vào thâm niên công tác và dựa trên những thành tích và kết quả cụ thể của cá nhân hoạt động KH&CN.

Các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng và nhà khoa học trẻ tài năng được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước hàng năm theo đề xuất để thực hiện các hoạt động của nhóm nghiên cứu xuất sắc thuộc lĩnh vực chuyên môn; được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, xuất bản công trình khoa học có giá trị cao về khoa học và thực tiễn; được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước tham dự hội thảo khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành,...

Những quy định về chính sách sử dụng, trọng dụng và đào tạo nhân lực KH&CN tại Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước trong việc hoàn thiện các chính sách thu hút, đãi ngộ đối với các nhà khoa học, chuyên gia tham gia vào hoạt động khoa học và công nghệ.

Về xác định và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Trách nhiệm đề xuất đặt hàng và tiếp nhận, tổ chức ứng dụng kết quả của các nhiệm vụ KH&CN được gắn với trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ quản lý ngành và chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiệm vụ KH&CN đã đổi mới theo hướng nâng cao tỷ lệ nhiệm vụ trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh và thương mại hoá sản phẩm, các loại hình nhiệm vụ KH&CN được đa dạng hoá theo hướng: hình thành các chương trình quốc gia lớn, dài hạn, đa mục tiêu; các chương trình KH&CN chuyên sâu, các chương trình KH&CN phục vụ phát triển vùng lãnh thổ, vùng kinh tế trọng điểm; các đề tài độc lập, dự án quy mô lớn; nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư; nhiệm vụ ươm tạo công nghệ trong một số trường đại học công nghệ; nhiệm vụ nghiên cứu tiềm năng;... nhằm tạo ra các kết quả đột phá thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, giải quyết các vấn đề lớn của đất nước trong quá trình hội nhập.

Nguồn: Tạp chí điện tử Chất lượng Việt Nam (vietq.vn)


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập184
  • Hôm nay46,023
  • Tháng hiện tại1,071,227
  • Tổng lượt truy cập3,776,431
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây