Áp dụng hệ thống quản lý tích hợp - Nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ

Để đáp ứng yêu cầu đa dạng từ chuỗi cung ứng, doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải thực hiện nhiều hệ thống quản lý và đánh giá cấp chứng nhận, điều này gây ra không ít khó khăn.

Áp dụng hệ thống quản lý tích hợp - Nâng cao năng suất chất lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp lớn hơn, ở đó chịu áp lực đáp ứng yêu cầu khác nhau từ chuỗi cung ứng, ví dụ về chất lượng, môi trường, an toàn-sức khỏe nghề nghiệp, an toàn thông tin, an toàn thực phẩm… Trong nhiều trường hợp, các yêu cầu này chỉ có thể được đáp ứng bằng cách thực hiện một hệ thống quản lý tương ứng và được đánh giá cấp chứng nhận. Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải thực hiện nhiều hơn một hệ thống quản lý để duy trì đáp ứng yêu cầu khách hàng.

Trước thực tế đó, ThS. Cao Hoàng Long và nhóm nghiên cứu tại Viện Năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia: “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý tích hợp và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực miền Trung”.

Mục tiêu chính của đề tài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh thông qua áp dụng tích hợp hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng. Nhân rộng 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo, hướng dẫn áp dụng mô hình hệ thống quản lý tích hợp và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại khu vực miền Trung (áp dụng tích hợp hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 với 01 hệ thống quản lý khác như ISO 22000, ISO 14001, ISO/IEC 5 27001… và 01 công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, 7 công cụ kiểm soát chất lượng, MFCA, TWI, TPM, Lean, KPI…) phù hợp đặc điểm và điều kiện thực tế từng doanh nghiệp.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hướng dẫn áp dụng tích hợp hệ thống quản lý, công cụ cải tiến tại 10 doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó xây dựng được cách thức, phương pháp áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam, phục vụ cho định hướng và kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, các mô hình điểm trong khuôn khổ nhiệm vụ cũng đã được báo cáo, chia sẻ thông qua hội thảo tuyên truyền, phổ biến cách thức áp dụng, từ đó có được bài bản cho nhân rộng các mô hình trong thời gian tiếp theo.

Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng được nền tảng về chuyên môn cho đội ngũ chuyên gia tư vấn về phương pháp giảng dạy, cách thức hướng dẫn áp dụng các hệ thống, công cụ tại doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các chuyên gia tích lũy kiến thức và kinh nghiệm để có thể tiếp tục giảng dạy và hướng dẫn. Các nhóm tham gia vào dự án tại các doanh nghiệp cũng là nguồn nhân lực được đào tạo và trang bị kiến thức, kinh nghiệm áp dụng các hệ thống, công cụ. Sau đó, các nhóm tham gia được đào tạo, hướng dẫn thực hành sẽ là nòng cốt để nhân rộng mô hình tài chính các doanh nghiệp sẽ tiếp tục học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác có quan tâm.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai nhiệm vụ cũng đã gặp phải những khó khăn, thách thức bởi doanh nghiệp cần có một đội ngũ cán bộ nhân viên được đào tạo căn bản về các kỹ thuật thu thập, phân tích thông tin dữ liệu, các công cụ cho từng trường hợp phân tích, cải tiến vấn đề gặp phải.

Trong khuôn khổ dự án, hoạt động đào tạo các vấn đề này chưa được thực hiện một cách chuyên sâu, vì vậy quá trình thực hiện dự án cải tiến thường gặp nhiều khó khăn, đôi khi là quá sức đối với các nhóm triển khai; Cấp quản lý trực tiếp, tổ trưởng các bộ phận sản xuất chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng và hiểu về hệ thống tích hợp; Thời gian và nguồn lực sẵn có đối với các doanh nghiệp là chưa nhiều để có thể toàn lực trong việc triển khai dự án, dẫn đến việc triển khai mô hình tích hợp hệ thống và công cụ cải tiến bị chậm trễ so với kế hoạch ban đầu.

Mặc dù đã gặp phải một số khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến đã mang lại những kết quả tích cực tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở miền Trung. Kết quả này sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để đúc kết, chia sẻ kinh nghiệm, và thúc đẩy áp dụng rộng rãi hơn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

 

Như vậy, việc áp dụng tích hợp hệ thống, công cụ tại doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp tìm các giải pháp cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc nâng cao năng suất chất lượng. Đây cũng là cơ sở khoa học giúp cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những chính sách, đường lối phù hợp giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh.

Theo VietQ.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây