Các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học ở Mỹ đã xem xét mức độ ảnh hưởng của thuốc ức chế bơm proton (PPIs) – loại thuốc được dùng trong hầu hết các bệnh liên quan đến tăng tiết axit dạ dày, tá tràng – và bệnh suy thận mãn tính (CKD)
Theo nghiên cứu của nhà khoa học Pradeep Aora cùng các đồng sự từ Đại học New York (Mỹ), đã có 24.149 bệnh nhân mắc bệnh suy thận từ năm 2001 đến 2008 trong tổng số 71.516 bệnh nhân được nghiên cứu, 25,7% trong số này có sử dụng phương pháp điều trị bằng thuốc PPIs. Theo đó, thuốc PPIs làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận mãn tính lên 10% và làm tăng nguy cơ tử vong sớm lên tới 76%.
Ông Aora cho hay: “Bởi có một số lượng lớn các bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc PPIs nên các nhà cung cấp dịch vụ y tế cần trang bị đầy đủ thông tin về tác dụng phụ tiềm ẩn của các loại thuốc, chẳng hạn như gây ra bệnh suy thận cho bệnh nhân”.
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu do Benjamin Lazarus từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ dẫn đầu, họ đã theo dõi tình trạng sức khỏe của 10.482 người có chức năng thận bình thường trong vòng 5 năm (1996-2011) và nhận thấy, những người sử dụng thuốc PPIs có khả năng mắc bệnh suy thận cao hơn những người không dùng từ 20 đến 50%.
Phát hiện này đã được nhân rộng trong một nghiên cứu thứ hai với hơn 240.000 bệnh nhân được theo dõi từ năm 1997 đến 2014. "Trong cả hai nghiên cứu, những bệnh nhân sử dụng một loại thuốc khác có tác dụng ngăn chặn tình trạng trào ngược axit trong dạ dày, được gọi là H2-blockers thì có nguy cơ phát triển bệnh suy thận thấp hơn những người sử dụng PPIs”, Lazarus cho biết.
Được biết, các phát hiện này sẽ được trình bày tại Tuần thận 2015 của Hiệp hội Thận học Mỹ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị San Diego, tiểu bang California, Mỹ từ ngày 3 - 8/11.
Theo Vietq.vn