Dự án'ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tổng hợp xử lý môi trường làng nghề và khu vực gần khu công nghiệp' ở một số huyện trong tỉnh Hải Dương có hiệu quả cao.
Trong những năm qua, các làng nghề ở nông thôn đã đóng góp cho xã hội một lượng hàng hóa khá phong phú, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nông dân tại các địa phương trong tỉnh. Hiện nay trong toàn quốc có khoảng 1.500 làng nghề, mỗi năm các làng nghề xuất khẩu hàng hóa với giá trị hàng ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, cùng với nhiều mặt tích cực trong việc cải thiện đời sống người dân nông thôn, hoạt động sản xuất tại các làng nghề đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, tác động không nhỏ tới sức khoẻ của người lao động cộng đồng dân cư. Các bệnh nghề nghiệp như đường hô hấp, đau mắt, suy nhược thần kinh, bệnh ngoài da, đường ruột ngày càng gia tăng. Một số làng nghề có đặc thù sản xuất dẫn tới các bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư, quái thai, nhiễm độc kim loại nặng (Tài liệu Báo cáo môi trường Quốc gia 2008 - Môi trường làng nghề Việt Nam)...
Bên cạnh việc phát triển làng nghề không bền vững, gây ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường nông thôn thì sự hình thành các khu, cụm công nghiệp cũng tăng sức ép đến môi trường xung quanh. Việc chuyển đổi diện tích đất canh tác sang xây dựng nhà máy, xí nghiệp v.v...đã làm cho một bộ phận người dân chuyển sang nghề mới. Quá trình chuyển đổi không có quy hoạch gây ra ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng, nhất là nghề chăn nuôi tập trung, chế biến nông sản thực phẩm v.v.... Hiện nay tỉnh Hải Dương có 33 khu, cụm công nghiệp(được phê duyệt), 51 làng nghề(theo tiêu chí làng nghề của tỉnh) và trên 1.000 làng có nghề (Báo cáo tổng kết 5 năm (2003-2008) phát triển tiểu thủ công nghiệp- làng nghề Hải Dương). Cũng như tình trạng các làng nghề trong cả nước, ở Hải Dương đa số các làng nghề có trình độ công nghệ thấp, lao động giản đơn, sản xuất nhỏ lẻ, nhận thức về bảo vệ môi trường của đại đa số người dân làng nghề còn hạn chế, trong làng nghề chưa có một tổ chức nào có trách nhiệm quản lý, xử lý, bảo vệ môi trường. Chất lượng môi trường làng nghề ngày càng suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người dân và trở thành vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Để nâng cao nhận thức cho người dân, thực hiện việc xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, chuyển giao một số công nghệ xử lý môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm làng nghề và các khu vực gần khu công nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất dự án: "Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tổng hợp xử lý môi trường làng nghề và khu vực gần khu công nghiệp" và được Uỷ ban nhân dân tỉnh chấp thuận trong Kế hoạch khoa học và công nghệ 2 năm 2007, 2008
Sau 2 năm thực hiện dự án đã đạt được mục tiêu và nội dung đề ra:
1. Xác định được hiện trạng kinh tế - xã hội và môi trường của 10 thôn thuộc 6 xã tham gia dự án: thôn Minh Thành, thôn Hợp Nhất, thôn Quyết Tâm thuộc xã Lai Vu, huyện Kim Thành; thôn Hội Yên, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện; thôn An Thuỷ, xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn; thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc; thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, thôn Tường Vu, thôn Thanh Liên, thôn Lai Khê xã Cộng Hoà, Kim Thành, và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp cho các cơ sở này.
2. Nâng cao nhận thức về áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường cho cộng đồng tại 10 thôn thuộc 6 xã tham gia dự án thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú.
3. Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia quản lý và bảo vệ môi trường ở 10 thôn của 6 xã: thành lập và duy trì hoạt động 6 nhóm NSX , 6 tổ tuyên truyền, 11 tổ thu gom rác thải của 10 thôn tham gia dự án.
4. Công tác vệ sinh môi trường đã được cải thiện đáng kể, lượng rác thải ra đã được thu gom từ 70-90%, đường làng, ngõ xóm trở lên sạch sẽ hơn, người dân có ý thức hơn trong việc BVMT.
5. Thực hiện được công tác xã hội hoá bảo vệ môi trường: 70-100 % người dân tự nguyện đóng góp kinh phí vệ sinh môi trường.
6. Triển khai mô hình áp dụng TBKT xử lý môi trường bằng chế phẩm EM tại xã Lai Vu, thôn Hội Yên bước đầu đạt kết quả: sản xuất được 5.500 lít EM thứ cấp và 650kg EM Bokashi, giảm thiểu được ô nhiễm và hướng tới dịch vụ xử lý môi trường ở cộng đồng.
7. Xây dựng được ''Quy ước bảo vệ môi trường'' cho 10 thôn thuộc 6 xã tham gia dự án và đã triển khai thực hiện có hiệu quả.
8. Xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh cho xã Lai Vu và xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành với diện tích là 10.000m2
Việc người dân đã đóng góp được 192,0 triệu đồng/năm2008, đảm bảo từ 70- 100% kinh phí vệ sinh môi trường tại cộng đồng; Các chế phẩm tự sản xuất tại cơ sở đảm bảo chất lượng và có giá thành giảm so với thị trường 45-70%; Nguồn phân chăn nuôi trước đây bỏ đi gây ô nhiễm môi trường đã được xử lý và trở thành hàng hoá mang lại thu nhập cho ngưòi lao động 100.000 đ/ tấn; Tạo công ăn việc làm cho 33 người thu gom rác có thu nhập ổn định từ 150 -1.000.000 đ/tháng là hiệu quả kinh tế dự án đã mang lại.
Về hiệu quả xã hội Dự án: Sau 2 năm thực hiện dự án đã nâng cao được ý thức BVMT cho cộng đồng tại các xã tham gia dự án. Người dân đã hình thành được các tập quán sinh hoạt mới trong sản xuất, sinh hoạt cũng như mối quan hệ trong cộng đồng. Bước đầu đã thực hiện được công tác xã hội hoá BVMT tại nông thôn; Môi trường của các xã đã được cải thiện đáng kể, rác thải được thu gom đạt 70-90%; Đội ngũ cán bộ tham gia dự án đã được nâng cao trình độ và kinh nghiệm triển khai dự án tại cộng đồng, được trang bị những kiến thức khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, xử lý các chế phẩm bảo vệ môi trường; Từ kết quả thực hiện của dự án đã nhân rộng ra thêm 2 thôn An Dương, Triều Dương của xã Chi Lăng Nam và 3 thôn còn lại của xã Cẩm Văn; làm điểm trình diễn cho nhiều xã khác đến học tập.
Từ kết quả đạt được, nhóm tác giả đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương trong tỉnh mở rộng mô hình cộng đồng tham gia quản lý và BVMT và hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi rác hợp vệ sinh tại các địa phương; Các sở, ban, ngành của Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hoá các cơ chế chính sách về công tác bảo vệ môi trường và các giải pháp, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và khu vực gần khu công nghiệp; Đề nghị UBND các xã triển khai xây dựng tổ chức cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ môi trường như: thành lập nhóm Năng suất xanh, tổ thu gom rác, tổ tuyên truyền, tổ áp dụng tiến bộ kỹ thuật xử lý môi trường, xây dựng quy ước Bảo vệ môi trường và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Gắn kết hoạt động BVMT với chương trình phát triển kinh tế - xã hội và kết hợp với biện pháp xử lý hành chính tại địa phương. Đối với các xã đã có mô hình cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ môi trường tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và hình thức tuyên truyền giáo dục người dân về sản xuất gắn với BVMT. Đồng thời hoàn thiện và nâng cao hơn nữa về năng lực quản lý, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của nhóm Năng suất xanh và đảm bảo ổn định kinh phí trả công lao động cho người hoạt động BVMT tại cơ sở.
Trần Thị Thuận
Sở Khoa học và công nghệ Hải Dương