Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường: Cần triển khai sớm

Phóng xạ di chuyển không biên giới và không thể quan sát bằng mắt thường, vì thế dù Việt Nam chưa có nhà máy điện hạt nhân nhưng ở vị trí sát sườn với một số quốc gia có nhà máy đang vận hành như Trung Quốc hay đang trong kế hoạch phát triển và xây dựng nhà máy như Thái Lan, Indonesia, Campuchia…, Việt Nam vẫn cần phải sớm có một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia.
Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường: Cần triển khai sớm

1. Việc xây dựng một mạng lưới như vậy đã được Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) đề cập đến khá nhiều lần trong vài năm trước đây. Với những người trong ngành, ai cũng biết đây là điều cần thiết, ví dụ trong lịch sử phát triển điện hạt nhân, không ai không nhớ đến sự cố Chernobyl trên lãnh thổ Ukraine, xảy ra vào năm 1986. Liên Xô không thông báo thông tin rộng rãi về sự cố nhà máy nhưng những đám mây phóng xạ phát tán đã bay qua Belarus tới Thụy Điển, nơi cách Chernobyl cả nghìn km. Hàng rào quan trắc phóng xạ của Thụy Điển đã phát hiện được những dữ liệu bất thường và các nhà nghiên cứu nước này là những người đầu tiên trên thế giới đo được bụi phóng xạ và truy ngược được nguồn gốc phát sinh. Chỉ tới lúc đó, thông tin về một tai nạn nghiêm trọng của nhà máy điện hạt nhân của Liên Xô mới bùng nổ trên thế giới. Đó là câu chuyện của quá khứ, còn bây giờ nhiều quốc gia có mạng lưới quan trắc phóng xạ nên việc phát hiện được sự cố rò rỉ phóng xạ đều diễn ra sớm và kịp thời có phương án ứng phó.

Với Việt Nam, sự biến chuyển mạnh mẽ của tình hình mới khiến mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia cần phải được triển khai sớm. Trong năm 2016, người ta đã chứng kiến các tổ máy đầu tiên có công suất 1.000 MW của nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, Quảng Tây đi vào hoạt động thương mại, các tổ máy 650 MW của nhà máy Xương Giang trên đảo Hải Nam và 600 MW của nhà máy Trường Giang, Quảng Đông đã được kết nối lưới điện quốc gia của Trung Quốc. Các nhà máy này đều ở vị trí gần với biên giới trên đất liền và trên biển Việt Nam, ví dụ như nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành chỉ cách Quảng Ninh khoảng 50km. Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), khu vực bên ngoài nhà máy điện hạt nhân cần được phân vùng để có kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp: vùng bảo vệ khẩn cấp (không được quy hoạch có dân cư, PAZ); vùng lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp (có thể có dân cư nhưng phải có kế hoạch ứng phó nhằm ngăn ngừa sự chiếu xạ đối với công chúng bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố, UPZ); khoảng cách lập kế hoạch mở rộng (EPD); khoảng cách lập kế hoạch cho hàng hóa và thực phẩm (ICPD). Theo khuyến cáo của IAEA, đối với nhà máy điện hạt nhân có công suất lớn hơn 1000 MW thì kích thước của các vùng PAZ, UPZ, EPD và ICPD tương ứng là (3-5 km), (15-30 km), 100 km và 300 km. Như vậy, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam cũng thuộc khu vực EPD và ICPD trong tương quan với nhà máy Phòng Thành và Việt Nam cần phải chuẩn bị kế hoạch ứng phó dự phòng dù chưa có nhà máy điện hạt nhân nào hoạt động. 

2. Ai cũng hiểu, việc thiết lập một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường ở tầm quốc gia dĩ nhiên sẽ đòi hỏi một lượng kinh phí đầu tư lớn vào cơ sở vật chất và con người. VINATOM đang xây dựng dự án theo cách phân kỳ: giai đoạn một dự kiến trong năm 2017-2020, giai đoạn hai dự kiến trong năm 2021-2025.

Để dự án được thực hiện một cách hiệu quả mà không tốn quá nhiều chi phí, VINATOM đề xuất trong giai đoạn một tập trung đầu tư thiết bị quan trắc tại những địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân từ Trung Quốc. Với cách nhìn nhận thông thường thì có thể dễ dàng chọn ra một số địa phương gần biên giới Trung Quốc làm địa điểm đặt các trạm quan trắc nhưng để có phương án tối ưu, các chuyên gia của Viện đã tiến hành khảo sát, tính toán trên cơ sở chu kỳ khí hậu trong vòng một năm, qua đó xác định được các “điểm nóng” là Quảng Ninh (Móng Cái và Bãi Cháy), Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Hà Nội (nơi đặt Trung tâm điều hành mạng lưới). Đây sẽ là các trạm mà Viện dự kiến lắp đặt và đưa vào vận hành ở giai đoạn một.

Theo kế hoạch, ban đầu các trạm quan trắc này sẽ tập trung các máy móc thiết bị để đo dữ liệu phóng xạ môi trường trong không khí và đất, những môi trường phát tán phóng xạ chủ yếu. Bên cạnh đó, dự kiến tiến hành quan trắc phóng xạ môi trường biển tại ba vị trí quan trọng nhất ở khu vực phía Bắc là Móng Cái, Bạch Long Vĩ và Nghệ An. Để thực hiện tốt mục tiêu quan trắc và cảnh báo phóng xạ, các trạm cần được trang bị những loại máy móc thiết yếu như thiết bị quan trắc đo suất liều bức xạ trực tuyến, thiết bị thu góp khí lưu lượng lớn, thiết bị đo thông số khí tượng (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, lượng mưa…), thiết bị đo tia alpha, beta, gamma, i-ốt phóng xạ, phổ kế gamma… Đây là những loại thiết bị có chức năng đo đạc dữ liệu về phóng xạ môi trường trong điều kiện bình thường cũng như trong điều kiện xuất hiện những bất thường của phóng xạ phát tán trong không khí và các dòng hải lưu. Các dữ liệu này sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm điều hành ở Hà Nội để xử lý.

3. Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia giai đoạn một tuy chỉ có tám trạm quan trắc và trung tâm điều hành nhưng cũng đem lại một lượng dữ liệu rất lớn. Để khai thác hiệu quả mạng lưới này, VINATOM sẽ lập một quy trình chặt chẽ, trong đó riêng về khâu quan trọng nhất, khai thác dữ liệu được thực hiện theo hai bước: Thứ nhất các dữ liệu thô sẽ qua công đoạn xử lý sơ bộ để tạo thành bức tranh ban đầu về môi trường phóng xạ khu vực phía Bắc trên những thông số, kết quả đơn giản nhất. Bước tiếp theo, thông tin sẽ được xử lý bằng cách so sánh, đối chiếu, liên hệ với các thông số kỹ thuật khác để kịp thời phát hiện tín hiệu bất thường (nếu có). Nếu phát hiện thấy tín hiệu phát xạ bất thường, các chuyên gia sẽ dựa trên các mô hình tính toán mô phỏng chuyên dụng để kiểm tra những tín hiệu đó do khối khí nào mang tới, xuất phát từ đâu, qua đó có thể dự báo được nguồn phát thải phóng xạ. Để quy trình xử lý dữ liệu và thông tin diễn ra một cách đồng bộ, cần xây dựng năng lực của những người tham gia theo các hướng chuyên môn chính sau: năng lực sử dụng, vận hành và bảo dưỡng các thiết bị máy móc có độ nhạy cao; năng lực ghi đo bức xạ, năng lực chuẩn bị và thu thập mẫu khí; năng lực tính toán mô phỏng sự lan chuyển của các khối khí cũng như của các dòng hải lưu; năng lực hiểu các quá trình phát tán, trao đổi và chuyển hóa của nhân phóng xạ trong những môi trường khác nhau…

Cũng nhằm khai thác hiệu quả mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, yếu tố hợp tác quốc tế sẽ cần được coi là một nhân tố quan trọng. Do Việt Nam là phía tiếp thu các công nghệ chế tạo thiết bị và phương pháp cũng như kỹ thuật tính toán, xử lý dữ liệu nên quan hệ quốc tế sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam tiếp cận nhanh chóng những vấn đề này. Hơn nữa, do phóng xạ môi trường lan truyền không biên giới nên việc trao đổi, so sánh và đối chiếu số liệu do mạng lưới quan trắc của Việt Nam với những số liệu cùng loại do các quốc gia khác thu thập và xử lý cũng cần được tiến hành một cách thường xuyên. Bên cạnh ý nghĩa trao đổi thông tin, việc cùng tiến hành nghiên cứu với các đồng nghiệp quốc tế sẽ góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực này. 

Nguồn: tiasang.com.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây