Từ sự hỗ trợ tích cực của các ngành, đoàn thể, người dân trong tỉnh từng bước tiếp cận, sử dụng nhiều ứng dụng, phần mềm liên quan đến Đề án 06.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Kán, Bí thư Đoàn xã Cẩm Hoàng giúp người dân cài đặt các ứng dụng, phần mềm liên quan đến Đề án 06
Nhiều cách trợ giúp
Nhiều tháng nay, cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) có mặt tại Bộ phận "một cửa" của xã để giúp người dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng các ứng dụng, phần mềm liên quan đến Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06). Có mặt tại hội trường UBND xã Cẩm Hoàng, chúng tôi thấy Công an huyện tổ chức thu nhận tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho người dân. Cùng với lực lượng công an, đồng chí Nguyễn Ngọc Kán, Bí thư Đoàn xã cũng có mặt để cùng giúp người dân. Những người dân có thắc mắc về việc kê khai hồ sơ, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID hoặc việc khác liên quan đều được tận tình chỉ bảo.
Công an huyện Cẩm Giàng thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân xã Cẩm Hoàng
Chị Trần Thị Minh (ở thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng) chia sẻ: "Hiện nay, tôi đã cài đặt ứng dụng VNeID, phần mềm dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại. Khi mới bắt đầu làm tôi khá bỡ ngỡ với việc sử dụng các ứng dụng này nhưng nhờ được cán bộ ở xã, thôn hướng dẫn nên đã quen".
Thời gian qua, để thuận tiện cho người dân kích hoạt, cài đặt các ứng dụng, phần mềm liên quan đến Đề án 06, các địa phương của tỉnh đều có giải pháp hỗ trợ cụ thể. Hiện nay, hầu hết cấp huyện, cấp xã đều thành lập Tổ hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến. Thành viên trong tổ có mặt tại Bộ phận "một cửa" các cấp để giúp người dân.
Theo đồng chí Tấn Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ), tháng 4.2022 địa phương bắt đầu thành lập Tổ hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và giao cho Đoàn Thanh niên chủ trì thực hiện. Cán bộ, đoàn viên cử người trực tại Bộ phận "một cửa" từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần để giúp người dân. Để thuận tiện trong giải quyết thủ tục cho người dân, tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kích hoạt tài khoản định danh, cài đặt ứng dụng VNeID, xã bố trí cán bộ công an trực luôn ở Bộ phận "một cửa".
Thời gian qua, lực lượng công an cấp huyện, cấp xã không quản ngại ngày đêm, ngày lễ, Tết để thu nhập, kích hoạt tài khoản định danh mức độ 2 cho người dân, cài đặt ứng dụng VNeID. Theo tổng hợp của Công an tỉnh, hết tháng 2.2023, toàn tỉnh đã thu nhận được 617.478 hồ sơ cấp tài khoản và kích hoạt 232.247 tài khoản mức độ 2.
Chuyển biến
Công chức ở Bộ phận "một cửa" và Đoàn Thanh niên xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) sẵn sàng hỗ trợ người dân
Nhằm hỗ trợ người dân làm quen, sử dụng thành thạo các ứng dụng điện tử, phần mềm dịch vụ công trực tuyến, UBND TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện đã đầu tư, trang cấp 56 bộ máy tính có kết nối internet, máy scan đặt tại 46 trụ sở UBND xã, thị trấn và nhà văn hóa thôn, khu dân cư.
Trước khó khăn về bố trí cán bộ tại Bộ phận "một cửa" của huyện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, huyện Tứ Kỳ đang xem xét sẽ ký hợp đồng với một lao động phụ trách việc này. "Người này phải bảo đảm am hiểu công nghệ thông tin, nắm vững quy trình thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và những vấn đề liên quan đến triển khai Đề án 06", đồng chí Vũ Minh Thành, Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Tứ Kỳ thông tin.
Từ sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, người dân từ lúc gặp rất nhiều khó khăn đến nay đã từng bước và chủ động việc khai thác, sử dụng các ứng dụng điện tử, phần mềm giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Theo lãnh đạo UBND xã Nam Trung (Nam Sách), những ngày đầu thực hiện trực tuyến các dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06, hầu hết công chức tại Bộ phận "một cửa" còn phải làm hộ nhiều, đến nay có khoảng 50% số người dân tự thực hiện.
Sau hơn 1 năm triển khai Đề án 06, hiện tỉnh ta đã triển khai xong 23 trong tổng số 25 dịch vụ công thiết yếu. Với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, số lượng người dân giải quyết thủ tục trực tuyến ngày một tăng. Theo tổng hợp của Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh, các dịch vụ công trực tuyến do ngành công an đảm nhận có 71% số hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, các dịch vụ của các ngành khác tiếp nhận đạt 56%.
Thời gian tới, nhiều địa phương mong tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư trang thiết bị, nâng cấp đường truyền internet, nhất là bố trí cho mỗi thôn, khu dân cư một bộ máy vi tính có kết nối mạng để việc hỗ trợ người dân hiệu quả hơn. Việc làm này không những góp phần giảm tải cho Bộ phận "một cửa" các cấp mà còn thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Nguồn: Báo Hải Dương