Ảnh minh họa. (Nguồn: vietsciences) Sau bốn năm nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu, sản xuất loại nấm đông trùng hạ thảo dâu tằm (Paeclomyces tenuipes hay Cordyceps takaomontana).
Trung tâm đang sản xuất thử một số sản phẩm từ loại nấm trên như rượu, viên nang, viên nén. Đây là tín hiệu mới trong việc sản xuất dược liệu quý tại "thủ phủ dâu tằm" Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Đông trùng hạ thảo là một loại nấm ký sinh trên côn trùng được sử dụng như là dược liệu và thực phẩm bổ dưỡng trong y học cổ truyền Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vào mùa Đông khi sâu nằm dưới đất, loài nấm ký sinh phát triển và hút chất bổ của thân sâu làm sâu chết. Mùa Hạ nấm mọc chồi khỏi mặt đất hình thù như cỏ cây, nên có tên gọi "đông trùng hạ thảo," nghĩa là mùa Đông là côn trùng, mùa Hè là cây cỏ.
Theo tiến sỹ Nguyễn Mẫu Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng, cho đến nay, chưa có cơ sở nào trong nước nghiên cứu và sản xuất thành công loại dược liệu quý này.
Điều đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đã hoàn tất quy trình hoàn chỉnh về sản xuất đông trùng hạ thảo trên con tằm, một loại côn trùng được người dân nuôi từ rất lâu đời và với quy trình này có thể sản xuất đại trà loại dược liệu quý này ngay trên đất Lâm Đồng.
Đông trùng hạ thảo hiện có ba loại khác nhau, gồm loại có sẵn trong tự nhiên, loại nuôi cấy bằng phương pháp lên men và loại nuôi cấy nhân tạo.
Loại thứ nhất thu hái trong tự nhiên hiện rất hiếm và có giá rất đắt (khoảng 1 tỷ đồng/kg). Loại thứ hai được thực hiện trong phòng thí nghiệm với những thiết bị hiện đại. Còn loại thứ ba nuôi cấy nhân tạo trong môi trường tự nhiên theo một quy trình riêng có thể sản xuất đại trà.
Bảo Lộc là " thủ phủ" của ngành sản xuất dâu tằm phía Nam, với nhiệt độ trung bình 23-25 độ C, nên rất thuận lợi để sử dụng vật chủ - nhộng và dâu tằm nuôi cấy thành sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo dâu tằm.
Giá trị kinh tế từ đông trùng hạ thảo cũng được cho là cao hơn gấp nhiều lần so với trồng dâu tằm truyền thống.
Ngoài giá trị kinh tế, đông trùng hạ thảo còn là loại dược liệu có tính năng giúp bồi dưỡng cơ thể, tăng cường thể lực, giảm đau lưng, mỏi gối… nên được dùng để sản xuất nước uống tăng lực, ngâm rượu thuốc.
Hiện tại, tiến sỹ Nguyễn Mậu Tuấn đã phối hợp với Công ty dược vật tư Y tế Lâm Đồng sản xuất thử nghiệm hai loại viên nhộng và viên nén đông trùng hạ thảo./.
Nguồn tin: Vietnamplus