Để phát triển KH&CN thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần tập trung vào 6 yếu tố cơ bản.
Sáng 4/1, Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức tại Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì Hội nghị lần này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thành tựu của phát triển của kinh tế - xã hội (KT-XH), Quốc phòng - an ninh (QP-AN) đất nước luôn có đóng góp quan trọng của ngành KH&CN. Đặc biệt, năm 2016, nước ta chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến động, nhưng nhờ sự đoàn kết, quyết tâm, và năng lực sản xuất, năng lực KHCN, các chỉ tiêu quan trọng năm năm vẫn được hoàn thành căn bản.
“Năm nay chưa bao giờ thiên tai địch họa lớn như thế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp có cả thiên tai và nhân tai. Lần đầu tiên chúng ta xuất khẩu nông lâm thủy sản, đặc biệt là trái cây trên 32 tỷ USD, trong đó có đóng góp của khoa học và công nghệ là rất lớn” – Thủ tướng chia sẻ.
Các tiến bộ KHCN đã đóng góp 30 – 40% vào tăng trưởng nông nghiệp. Kết quả đã giúp nông nghiệp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông lâm thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Để phát triển KH&CN thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần tập trung vào 6 yếu tố: thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập của đất nước; năng lực kiến tạo, quản trị của Nhà nước.
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương. Thủ tướng khẳng định, luôn lắng nghe và tiếp mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc.
Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KHCN, nhất là con người và thể chế. Tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng. Việc tháo gỡ thể chế nào kìm hãm sự phát triển của KHCN thì chính Bộ KH&CN phải đề xuất lên Trung ương Đảng, Chính phủ.
Phải bảo đảm năng lực thực thi pháp luật trong việc bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, nếu không chúng ta khó có thể phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực. “Không có tập đoàn quốc tế nào muốn đặt trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam nếu họ e ngại về quyền sở hữu trí tuệ”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam để xây dựng quy hoạch chiến lược đào tạo và sử dụng tối ưu.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu KHCN phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp nhất. Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Cân nhắc hình thành một chợ giao dịch về công nghệ để ở đó, nhu cầu công nghệ và sản phẩm công nghệ có thể giao thoa với nhau.
Phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Nếu các nhà khoa học suốt ngày lo nghĩ thủ tục hành chính thì rơi rụng về am hiểu chuyên môn trong khi am hiểu về thủ tục hành chính lại tăng lên.
Cho rằng toàn cầu hóa là cơ hội to lớn, nếu bỏ lỡ thì chúng ta sẽ bị tụt lại xa hơn mà văn minh nhân loại có được, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KHCN; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng KHCN; tập trung tháo gỡ nút thắt trong thể chế về KHCN.
Thủ tướng lưu ý và đề nghị Bộ và các đơn vị trong hệ thống KHCN bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe "hơi thở cuộc sống", xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt “3 nhà” (nhà khoa học, nhà nước, nhà sản xuất).
Đi liền với đó, cán bộ ngành KHCN cần tăng cường chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo Nghị quyết Trung ương 4.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẵn sàng lắng nghe để cùng tháo gỡ khó khăn cho ngành KH&CN và đề nghị các Bộ cần phối hợp với Bộ KH&CN trong nhiều lĩnh vực, cùng chung tay trong phát triển KHCN; quan tâm đến công tác tham mưu, đề xuất chính sách.
Theo VietQ.vn