Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà nêu ý kiến, Hội thảo lần này rất bổ ích trong việc phát triển ứng dụng phần mềm nói chung và PMNM nói riêng. Việc triển khai phần mềm ứng dụng dù “đóng” hay “mở” đều có những khó khăn, tuy nhiên việc vi phạm bản quyền phần mềm trong xã hội hiện nay vẫn còn, một trong những biện pháp giảm thiểu vi phạm đó là cần thiết phải phát triển ứng dụng PMNM, nhưng cần làm quyết liệt và tích cực hơn. Một thực tế cho thấy, bất cứ một phần mềm nào khi tới người sử dụng phải dễ dàng, tiện ích, thân thiện và an toàn. Đây là những vấn đề mà khi đưa PMNM vào ứng dụng phải chú ý thì mới phát triển tốt. Với TP Hồ Chí Minh, trong thời qua đã và đang tích cực triển khai vấn đề này, tuy nhiên rất cần sự phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn nữa của Bộ TT&TT để việc ứng dụng PMNM có hiệu quả từ đó rút kinh nghiệm và sẽ nhân rộng hơn.
Tiếp đó Hội thảo đã được nghe phần trình bày của các diễn giả, TS Nguyễn Thanh Tuyên-Phó Vụ trưởng Vụ CNTT-Bộ TT&TT đã nêu vấn đề “Hiện trạng phát triển ứng dụng PMNM Việt Nam và định hướng trong thời gian tới”. Theo đó về công tác đào tạo, bồi dưỡng, đa số các địa phương đã sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách TW để đào tạo sử PMNM được 7.356 lượt, điển hình là các tỉnh: NinhThuận, Lai Châu, Bắc Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Long An… Đã có 21/46 địa phương triển khai cài đặt bộ phần mềm văn phòng Open Office và hệ điều hành Ubuntu tại ít nhất 01 đơn vị trên địa bàn; có 123 cơ quan, đơn vị đã cài nguồn mở. Về ứng dụng các giải pháp nguồn mở trên máy chủ, các đơn vị đã triển khai thành công như: Bắc Giang (16 CQNN sử dụng trang tin điện tử được xây dựng trên nền PMNM); Quảng Nam (90% trang tin điện tử, phần mềm một cửa điện tử, trường học điện tử.. đều trên nền nguồn mở); Bình Định (hầu hết các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử trên địa bàn của Tỉnh sử dụng PMNM)…Tuy nhiên, các địa phương chủ yếu tập trung vào công tác đào tạo. Mặc dù đã cài đặt Ubuntu, Open Office nhưng sử dụng còn ít. Việc lựa chọn các giải pháp nguồn mở trong các dự án ứng dụng CNTT ở một số Bộ, địa phương chưa mạnh dạn. Chưa có sự đồng bộ giữa việc cài đặt, đào tạo và sử dụng… đây là những vướng mắc cho phát triển PMNM.
Tham luận của Ths. Nguyễn Anh Tuấn - PGĐ Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh. với chủ đề “Phần mềm lõi cấp phép trên công nghệ nguồn mở cho các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh-một số đề xuất về giải pháp và chính sách”. Ông Đoàn Việt Hưng-Giảng viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính-ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, trong chủ đề: “Chính sách cho phần mềm mã nguồn mở: tạo lập thị trường cạnh tranh” đã đưa ra các nhận định: Nhà nước không chỉ ở vai trò người mua mà còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường khi triển khai ứng dụng PMNM. Viện trưởng Viện Phần mềm và Nội dung số Việt Nam (Viện CNPM&NDS), TS Hoàng Lê Minh đưa ra “Quy trình phát triển sản phẩm phần mềm và dịch vụ CNTT dựa trên nguồn mở-những kinh nghiệm và đề xuất”. Ông cho biết thêm: Viện đã và đang hợp tác với một số đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu-phát triển và đang chuyển giao giải pháp điện toán đám mây Rồng thông minh Việt Nam (iDragon Cloud) dựa trên Viện PMNM. ThS Hồ Quang Bửu GĐ Sở TT&TT Quảng Nam chia sẻ với Hội thảo về “Kết quả triển khai nhân rộng các sản phẩm PMNM-Trưởng học điện tử và Công sở điện tử”. Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Công ty iNet Solution-ông Nguyễn Văn Hiển từ Mô hình thực tế của TP Quy Nhơn-Bình Định đã có: “Giải pháp quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp trên nền nguồn mở với khả năng liên thông hướng dịch vụ cho các cơ quan nhà nước”.
Phần trao đổi được chia làm hai phiên, Phiên 1 với chủ đề: Chính sách thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở, và Phiên 2: Một số giải pháp phần mềm ứng dụng mã nguồn mở tiêu biểu. Phần thảo luận được tập trung: Giải pháp ứng dụng, nhân rộng phần mềm lõi cho các cơ quan nhà nước.
Trong phần trao đổi, các câu hỏi của đại biểu nêu ra đã được những chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực PMNM chia sẻ và giải đáp, một số vấn đề không giải quyết được ngay đã được ghi nhận trao đổi sau…
(Theo Bộ TT&TT, 9/2011)