Vì sao nước sông Trần Nội bị ô nhiễm

 Sông Trần Nội nằm trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có nhiệm vụ dẫn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của khu vực sông chảy qua và còn là nơi thoát nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất của các khu dân cư và cơ sở công nghiệp trong và ngoài cụm công nghiệp Thạch Khôi - Gia Lộc, các chợ đầu mối về nông sản, thủy sản.
Vì sao nước sông Trần Nội bị ô nhiễm
Tuy nhiên theo kết quả điều tra mới nhất của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh cho thấy chất lượng nước sông đang suy giảm rõ rệt. Nước sông Trần Nội có màu đen hoặc màu nâu nhạt, có mùi hôi, tanh; Vào mùa khô (tháng 3/2010) và mùa mưa (tháng 7/2011), nước sông đã có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu COD, BOD5, SS, NH4+, dầu mỡ, Coliform (mức độ ô nhiễm ở từng thời điểm và từng vị trí có khác nhau).
Nếu phân vùng ô nhiễm chất lượng nước sông Trần Nội theo chỉ số đánh giá chất lượng WQI: vào mùa khô chất lượng nước sông Trần Nội chủ yếu ở mức trung bình theo thang đánh giá chất lượng nước (26 £ WQI £ 75) còn mùa mưa chất lượng nước sông chủ yếu lại ở mức xấu đến rất xấu (0 < WQI £ 50).
Nguồn thải gây ô nhiễm nước sông
Nguồn nước thải gây ô nhiễm do hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay dọc sông Trần Nội có 32 cơ sở công nghiệp (Cụm công nghiệp Thạch Khôi - Gia Xuyên có 26 cơ sở và 6 cơ sở nằm ngoài Cụm công nghiệp). Cụm công nghiệp Thạch Khôi - Gia Xuyên nằm trên địa bàn xã Thạch Khôi, thành phố Hải Dương và xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc với ngành nghề chủ yếu: sản xuất tái chế nhựa, chế biến gỗ, sản xuất thạch rau câu,.... Cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư, kinh doanh cơ sở hạ tầng, chưa được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có hệ thống thu gom thoát nước mặt, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.
Tổng lượng nước thải xả vào sông Trần Nội của các cơ sở công nghiệp trong và ngoài Cụm công nghiệp Gia Lộc I khoảng 500 m3/ngđ.
Nguồn nước thải, rác thải gây ô nhiễm do hoạt động sinh hoạt của các khu dân cư dọc hai bờ sông
anh_onhiem
Dọc sông Trần Nội có 14 cụm dân thuộc 7 xã/thị trấn. Mỗi ngày phát thải khoảng 806,56 m3 nước thải sinh hoạt, chưa được xử lý mà xả xuống sông Trần Nội. Trong đó, lượng nước thải sinh hoạt của khu dân cư xã Thạch Khôi, TP Hải Dương khoảng 77,36 m3, 06 xã thuộc huyện Gia Lộc khoảng 729,2 m3. Kết quả phân tích chất lượng nước thải sinh hoạt so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN 14:2008/BTNMT (cột A quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm làm cơ sở tính toán giá trị tối đa cho phép khi thải vào nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; cột B thải vào nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt) tại 5 vị trí cho thấy:  Mẫu nước thải sinh hoạt tại vị trí đội 1, xã Thạch Khôi, TP Hải Dương có thông số NH4+ -N vượt 2,1 lần so với QCCP cột A và vượt 1,04 lần so với cột B; Mẫu nước thải sinh hoạt tại 04 vị trí lấy mẫu trên địa bàn huyện Gia Lộc có thông số Coliform (thôn Phương Điếm - TT. Gia Lộc, thôn Tranh Đấu - xã Gia Xuyên, thôn Bái Hạ - xã Toàn Thắng) vượt mức giá trị giới hạn cột A từ 3,1 - 11,33 lần, cột B từ 1,86 - 6,8 lần; Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các khu dân cư dọc sông Trần Nội là 6.304 kg/ngày, trong đó, có khoảng 73 hộ dân xả trực tiếp rác thải sinh hoạt xuống sông với lượng rác ước tính là 87,6 kg/ngày. Rác thải sinh hoạt chủ yếu là các hộ dân sống trên địa bàn huyện Gia Lộc (thôn Đĩnh Đào, thôn Thúng Độ, thôn Lúa xã Đoàn Thượng và thôn Phúc Tân xã Gia Tân).
Nguồn gây ô nhiễm từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Từ các nhà hàng kinh doanh, dịch vụ ăn uống
Dọc sông Trần Nội có 6 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung (xã Thạch Khôi, TP Hải Dương có 04 nhà hàng và xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc có 01 nhà hàng). Tổng lượng nước thải hàng ngày chưa qua xử lý khoảng 16,02 m3/ngày, tuy nhiên chưa có kết quả phân tích chất lượng nước thải để đánh giá được mức độ ô nhiễm.
Nguồn chất thải từ hoạt động chợ đầu mối cá nước ngọt
Chợ cá Thạch Khôi là chợ đầu mối cá nước ngọt của Hải Dương nói riêng và cả miền Bắc nói chung. Tổng số hộ đăng ký kinh doanh là 153 hộ, trong đó có 60 hộ chuyên thu mua cá từ các nơi.
Kết quả phân tích nước thải của chợ cá cho thấy các chỉ tiêu COD, BOD5, SS, NH4+, Coliform cao hơn giá trị giới hạn cho phép. Lượng nước thải hàng ngày khoảng 180 m3/ngđ
Nguồn chất thải từ hoạt động của chợ đầu mối nông sản
Chợ đầu mối nông sản Gia Lộc do Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng giao thông Hồng Minh quản lý, chuyên thu mua dưa hấu của các xã trên địa bàn huyện Gia Lộc và các địa phương khác trên phạm vi cả nước. Khi chợ hoạt động (chủ yếu các tháng 2, 3, 5, 6, 8, 9 trong năm) các chất thải phát sinh chủ yếu là dưa hấu hỏng khoảng 1,3-2 tấn/ngày, rơm lót khoảng 10-13 tấn/ngày, nước thải sinh hoạt khoảng 6,7 m3/ngày, nước thải từ việc lên men xử lý dưa hỏng khoảng 1,7 m3/ngày.
Công ty đã áp dụng một số biện pháp khống chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: xây dựng bể chứa dưa hỏng, bể biogoas, bể tự hoại để xử lý nước dưa phân hủy và nước thải sinh hoạt; lò đốt để xử lý rơm lót và chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra khảo sát lượng chất thải phát sinh hàng ngày chưa được xử lý hết, vẫn còn tình trạng rơm chất đống trong và ngoài khuôn viên chợ, dưa hỏng vứt bừa bãi ra bên ngoài làm mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường  xung quanh. Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật vê bảo vệ môi trường những công tác quản lý, xử lý môi trường của Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng giao thông Hồng Minh vẫn còn nhiều tồn tại vi phạm các Quy định về quản lý và bảo vệ môi trường đối với khu vực, cũng là nguồn tham gia trực tiếp gây ô nhiễm đối với sông Trần Nội.
Nguồn chất thải gây ô nhiễm từ các trường học
Lượng nước thải từ các trường học dọc sông Trần Nội khoảng 130 m3/ngày của 5 trường học thuộc 3 xã Thạch Khôi, Toàn Thắng và Đoàn Thượng, mặc dù đã được xử lý qua bể tự hoại trước khi thải ra cánh đồng phía sau các trường, không xả trực tiếp ra sông Trần Nội nhưng cũng tác động một phần làm gia tăng ô nhiễm.
Nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động nông nghiệp
Nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi
Tổng lượng chất thải từ các hoạt động chăn nuôi chủ yếu của 03 xã thuộc huyện Gia Lộc (xã Phương Hưng, xã Toàn Thắng, xã Đoàn Thượng) từ các khu dân cư dọc sông Trần Nội đoạn từ cầu Phú Tảo đến cầu Tràng Thưa là 15.753,5 kg/ngày (15,75 tấn), phần lớn đã được các hộ dân tận dụng cho sản xuất nông nghiệp, phần còn lại do việc sử dụng nước vệ sinh chuồng trại để thải ra môi trường khu vực.
Nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp
Tổng diện tích gieo trồng của 7 xã dọc sông Trần Nội là 4.469 ha, lượng phân bón sử dụng ước tính khoảng trên 5.438 tấn. Hiệu suất sử dụng phân bón khoảng 60%, do đó lượng phân bón không được cây trồng sử dụng là 2.175 tấn/ năm sẽ theo kênh mương dẫn ra sông Trần Nội, góp phần làm ô nhiễm nước sông.
Trung bình mỗi hecta diện tích đất trồng trọt phát sinh khoảng 1,604 kg/ha vỏ bao bì thuốc BVTV. Như vậy, lượng vỏ bao bì thuốc BVTV hàng năm ước tính khoảng 7.168 kg tương đương với 7,2 tấn/năm.
Các nguồn ô nhiễm khác
Ngoài ra, dọc sông Trần Nội có tổng số 11 hộ kinh doanh rửa xe máy, ô tô và xả trực tiếp nước thải xuống sông mà chưa có bất kỳ biện pháp xử lý nào. Ước tính lượng nước thải này xả vào sông Trần Nội khoảng 5,5 m3/ngày. Hiện tượng do công tác quản lý Quy hoạch, bảo dưỡng, quản lý thuỷ vực nước mặt của các ao hồ, kênh mương chưa được tốt do bị thu hẹp làm giảm khả năng chứa cũng như điều hoà tự làm sạch nên cũng góp phần làm tăng ô nhiễm.
                                                           Vũ Đình Hiền
                                           Chi cục trưởng Chi cục BVMT Tỉnh
 
 
 
 
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây