Cơn bão số 3 - Yagi: Siêu bão đe dọa miền Bắc

Cơn bão số 3, với tên quốc tế là Yagi, được dự báo là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Bắc trong vòng 10 năm qua. Hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines, Yagi nhanh chóng mạnh lên thành bão vào đêm 1/9 và tiến vào Biển Đông sáng 3/9. Các chuyên gia khí tượng trong nước và quốc tế đều cho rằng đây có thể là một cơn bão có sức mạnh đáng gờm, với cấp độ dự đoán từ 15 trở lên.

Cơn bão số 3 - Yagi: Siêu bão đe dọa miền Bắc

Một số đài khí tượng thậm chí còn cảnh báo Yagi có khả năng trở thành siêu bão, mang theo sức tàn phá khủng khiếp. Bão Yagi di chuyển nhanh và phạm vi ảnh hưởng rộng, kèm theo nguy cơ giông lốc lớn và mưa cực đoan trên đất liền, với lượng mưa có thể đạt 500 - 600mm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả ngành nông nghiệp và công nghiệp.

Theo dự báo, 5 tỉnh, thành phố bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình sẽ là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vào hồi 7 giờ sáng ngày 5/9, tâm bão nằm ở vĩ độ 19 độ Bắc và kinh độ 115,8 độ Đông, cách đảo Hải Nam, Trung Quốc, khoảng 520 km về phía Đông. Sức gió tại vùng gần tâm bão lên tới cấp 15, tức là từ 167 đến 183 km/giờ, giật trên cấp 17.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão Yagi dự kiến sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ từ 15 đến 20 km/giờ, trước khi suy yếu thành một vùng áp thấp. Tuy nhiên, trước khi suy yếu, cơn bão này có thể gây ra những đợt gió mạnh và mưa lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh miền Bắc, trong đó có Hải Dương.

Nguy cơ thiệt hại lớn cho nông nghiệp và hạ tầng Hải Dương

Toàn tỉnh Hải Dương hiện đã gieo cấy 53.430 ha lúa mùa, trong đó có hơn 17.000 ha lúa sớm và trung vụ đã trổ bông. Cùng với đó, gần 32.000 ha lúa đang làm đòng hoặc chuẩn bị trổ bông, cùng hàng ngàn héc-ta rau màu và cây vụ đông sớm cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, các diện tích cây ăn quả như vải, nhãn, ổi, na, chuối, ... cùng với gần 442.000 con lợn, 16,8 triệu con gia cầm và 12.455 ha mặt nước nuôi thủy sản có thể gặp rủi ro lớn do mưa bão.

Hải Dương hiện có 38 trọng điểm đê điều và 32 vị trí xung yếu cần đặc biệt chú ý. Bờ kênh hệ thống Bắc Hưng Hải với hơn 100 điểm xung yếu cũng là mối đe dọa tiềm ẩn khi mưa lớn kéo dài.

Cảnh báo và phòng chống thiên tai

Từ sáng sớm ngày 7/9, khu vực Hải Dương sẽ bắt đầu hứng chịu gió mạnh cấp 5 - 6, sau đó tăng lên cấp 7 - 8, giật cấp 9. Gió giật mạnh có thể gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng, cơ sở hạ tầng, và giao thông.

Lượng mưa từ ngày 7 đến 9/9 tại Hải Dương dự kiến sẽ rất lớn, với các khu vực Đông Bắc tỉnh gốm: thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà... có thể có lượng mưa từ 200 - 300 mm, có nơi trên 300 mm. Khu vực Tây Nam tỉnh bao gồm Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang và thành phố Hải Dương có thể ghi nhận lượng mưa từ 200 - 350 mm.

Mưa lớn có thể gây lũ quét, sạt lở đất, làm tắc nghẽn giao thông và ngập úng nhiều khu dân cư, ảnh hưởng đến cây trồng và gây thiệt hại cho mùa màng. Ngoài ra, lốc xoáy, sét và gió giật mạnh kèm theo có thể làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa và các công trình giao thông.

Biện pháp ứng phó khẩn cấp

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát đi công điện khẩn số 05 vào chiều ngày 4/9, yêu cầu các địa phương và cơ quan liên quan chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bão, đảm bảo an toàn công trình và không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở.

Các lực lượng cũng được chỉ đạo theo dõi sát sao tình hình tại các kè, bờ lở, đặc biệt là những nơi đã xuất hiện dấu hiệu hư hỏng, sạt lở để kịp thời xử lý.

Quế Nguyễn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây