Ngày 20/01/2024, UBND thị xã Kinh Môn cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ hội thu hoạch hành, tỏi tại cánh đồng thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa (TX.Kinh Môn) với chủ đề “Hành, tỏi Kinh Môn - Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Tham dự Lễ hội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; một số lãnh đạo các huyện của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng tham dự...
Sau phần giới thiệu khai hội, đã tổ chức hội thi thu hoạch hành, tỏi có 3 đội thi tham gia (gồm Thần tốc, Đồng xanh, Hương quê), mỗi đội gồm 6 thành viên là những nông dân sản xuất hành, tỏi ở xã Hiệp Hòa (thị xã Kinh Môn). Theo thể lệ, trong 10 phút, đội nào thu hoạch một luống hành nhanh nhất, đúng quy trình, kỹ thuật sẽ chiến thắng. Kết thúc hội thi, đội Đồng xanh giành giải thu hoạch nhanh nhất, đội Thần tốc có củ hành to nhất và đội Hương quê có bó hành đẹp nhất.
Phát biểu khai mạc lễ hội, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng nhấn mạnh những năm gần đây, nông nghiệp Hải Dương đã hình thành những vùng sản xuất rau màu tập trung, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao như: vùng hành, tỏi Kinh Môn, Nam Sách; vùng cà rốt Cẩm Giàng, Nam Sách; vùng rau su hào, bắp cải, súp lơ Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành,… tỉnh đã hình thành các vùng cây ăn quả đặc sản như vùng vải Thanh Hà, Chí Linh, vùng ổi Thanh Hà, Ninh Giang, Kinh Môn; vùng na Chí Linh; vùng chuối Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kinh Môn...
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 6.500 ha hành, tỏi. Trong đó, thị xã Kinh Môn dẫn đầu tỉnh về diện tích trồng với gần 4.000 ha. Vùng hành, tỏi Kinh Môn được ví như “thủ phủ” hành, tỏi của cả nước, được sản xuất tập trung quy mô lớn, hình thành những cánh đồng thẳng cánh cò bay trên vùng đất phù sa ven sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn. Tất cả 23/23 xã phường của thị xã đều sản xuất được cây hành, tỏi. Sản lượng hàng năm đạt trên 100 nghìn tấn, giá trị kinh tế đạt trên 1.700 tỷ đồng/năm.
Sản phẩm hành tỏi Kinh Môn được bán phổ biến tại tất cả các chợ truyền thống trên cả nước và là gia vị quen thuộc và không thể thiếu trong mỗi bữa ăn gia đình Việt. Đặc biệt, trong 2-3 năm trở lại đây, hành tỏi Kinh Môn được bán tại các hệ thống siêu thị lớn như Go, Win mart và các sàn thương mại điện tử.
Năm 2017, hành, tỏi Kinh Môn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”. Năm 2018 hành, tỏi Kinh Môn là sản phẩm thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Hành tỏi Kinh Môn được trồng trên vùng đất bán sơn địa của dãy núi An Phụ, được bồi đắp phù sa màu mỡ của sông Kinh Thày và sông Kinh Môn, khí hậu thích hợp và được người nông dân giàu kinh nghiệm chọn giống, chăm sóc và bảo quản. Vì vậy hành, tỏi Kinh Môn có củ to, chắc, hương vị thơm cay đặc biệt luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Sản xuất hành tỏi ở thị xã Kinh Môn đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu giống, gieo trồng, chế biến, vận chuyển và thực hiện hậu cần xuất khẩu... thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Các sản phẩm hành, tỏi đạt các tiêu chuẩn của nhiều thị trường lớn, khó tính nhất. Cây hành, tỏi đã thúc đẩy phát triển nhiều ngành khác như: sơ chế sản phẩm thô, chế biến chuyên sâu thành thực phẩm….đặc biệt là đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, OCOP nâng cao giá trị.
Phát biểu tại lễ hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những thành quả mà ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương và thị xã Kinh Môn thu được từ phát triển cây hành, tỏi. Cây hành tỏi được trồng ở Kinh Môn rất hợp thổ nhưỡng, cây to, củ chắc, mẩy. Khi ăn thì hương vị rất thơm, ngon, ít có loại hành tỏi với quy mô và sản lượng khoảng 100.000 tấn vàhành tỏi của Kinh Môn đang được tiêu thụ khắp cả nước.
Ngoài ăn tươi, hiện nay hành tỏi của Hải Dương nói chung, Kinh Môn nói riêng còn chế biến thành các sản phẩm như hành sấy, hành muối, hành chiên dầu, tỏi đen, rượu tỏi, rượu tỏi mật, vang tỏi đen,... thị xã Kinh Môn được coi là điểm sáng về sản xuất hàng hóa tập trung với việc phát huy được lợi thế của những cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, thị xã Kinh Môn cần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng an toàn GAP, sản xuất hữu cơ và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất lưu thông hàng hóa và dân sinh ở nông thôn, theo hướng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng (cao hơn so với mức đạt chuẩn).
Cuối cùng, các đại biểu tham quan, trải nghiệm các gian hàng trưng bày 13 sản phẩm đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam và 31 sản phẩm OCOP của thị xã Kinh Môn.
Đây là lần đầu tiên Lễ hội được tổ chức nhằm giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của thị xã trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, cây hành, tỏi nói riêng; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản chủ lực và sản phẩm hành, tỏi theo hướng bền vững; tăng cường quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hành, tỏi.
Đình Bộ