Thời gian gần đây, các hộ nông dân trên địa bàn huyện Thanh Hà đã biết đến mô hình trồng cây cóc Thái cho hiệu quả kinh tế khá cao của gia đình chị Nguyễn Thị Cúc ở thôn Tiên Tảo, xã Thanh An, huyện Thanh Hà. Với diện tích hơn 1ha, cây cóc Thái đã bước đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Trước đây, diện tích khu vườn chuyển đổi của gia đình chị Nguyễn Thị Cúc chủ yếu trồng các loại cây trồng truyền thống của địa phương như ổi, quất, chanh… Trong quá trình tìm hiểu thông tin về khoa học kỹ thuật và các tiến bộ giống cây trồng mới, chị đã để ý đến giống cây cóc Thái. Đây là loại cây ăn quả đặc trưng của vùng Nam Bộ với vị chua chua, ngọt ngọt, ưu điểm cho thu hoạch quả quanh năm. Khi đó, cóc Thái là loại trái cây đã được tiêu thụ tại thị trường miền Bắc nhưng chưa được trồng phổ biến ở khu vực này. Chính vì vậy, chị Cúc đãđã mạnh dạn bàn với gia đình đưa vào trồng thử nghiệm cây cóc Thái. Chị đã tìm hiểu, liên hệ mua cây giống từ tỉnh Vĩnh Long - nơi cây cóc Thái được trồng và cho hiệu quả kinh tế cao. Vì là cây trồng mới nên chị Cúc bắt đầu trồng thử nghiệm với số lượng 200 cây. Chị đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những gia đình đã trồng cây này ở tỉnh Vĩnh Long về phương pháp trồng, chăm sóc, tưới nước để giữ ẩm gốc vào mùa hè, giữ ấm cho cây vào mùa đông. Sau một thời gian, chị đã tìm hiểu thêm cách trồng và chăm sóc cộng với kinh nghiệm thực tế của những người trồng trước và nhận thấy cây cóc Thái dễ trồng, phát triển tốt và phù hợp với đồng đất của địa phương. Chính vì vậy, chị đã mở rộng mô hình, tiếp tục trồng cóc Thái với số lượng trên 1 nghìn cây. Sau 3 năm miệt mài tìm hiểu kỹ thuật, chăm sóc, diện tích 1,5 ha trồng cóc Thái của gia đình chị Cúc đã cho thu hoạch hàng trăm tấn quả/năm. Với giá bán trung bình từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình chị Cúc thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ loại cây trồng này.
Chị Nguyễn Thị Cúc cho biết, thời gian đầu trồng cây cóc Thái với gia đình chị thực sự quá khó khăn. Kinh nghiệm trồng cây trồng mới chưa hề có, chị phải tìm hiểu kỹ thuật từ mô hình quá xa xôi về khoảng cách địa lý nên tốn kém vô cùng. Những gì chưa biết, chưa hỏi được, chị lại lặn lội tìm kiếm trên các trang thông tin internet. Cái khó thứ hai là thị trường tiêu thụ, vì là cây trồng mới, gia đình chị phải đi chào hàng khắp trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm này.
Đến nay, sản phẩm quả cóc Thái đã được các thương lái ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Yên Bái, Lạng Sơn… đã tìm đến và đặt hàng với số lượng lớn. Xong, khó khăn lại ập đến với chị khi diện tích cây trồng thường xuyên bị sâu, bệnh gây hại, khiến quá trình chăm sóc loại cây này vất vả hơn.
Vì những lí do trên mà đến nay, có không ít các hộ dân ở địa phương ngỏ ý nhờ gia đình chị Cúc giúp đỡ để chuyển đổi sang trồng cây cóc Thái. Song, chị Cúc đánh giá mặc dù thu nhập từ cây cóc Thái cao hơn các cây trồng truyền thống ở địa phương, tuy nhiên trồng cây này đòi hỏi người trồng phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về phương pháp trồng, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, các loại thuốc phòng bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích trồng cây cóc Thái một cách ồ ạt sẽ dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát các loại sâu bệnh gây hại, tiềm ẩn rủi ro lây lan sang các loại cây trồng khác sẽ thực sự là hậu quả khôn lường. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ cóc Thái cũng chưa thực sự ổn định.
Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các hộ nông dân cần thận trọng trong việc mở rộng diện tích trồng cây cóc Thái trên địa bàn huyện Thanh Hà, cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chỉ đến khi nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và tìm được đầu ra cho sản phẩm để đảm bảo việc chuyển đổi cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguyễn Thị Ánh