Bằng phương pháp chỉnh sửa gene trên gà mái, các nhà khoa học Nhật Bản đã lai tạo thành công giống gà có thể đẻ ra trứng chứa hoạt chất chữa trị các bệnh hiểm nghèo, trong đó có ung thư, với chi phí thấp.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ và Khoa học công nghiệp tiên tiến quốc gia (AIST) phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu nông lương quốc gia và Công ty dược Cosmo Bio đã thực hiện lai tạo để cho ra những quả trứng đặc biệt có khả năng sinh ra một loại protein là Interferon beta, được dùng trong điều trị bệnh viêm gan, đa xơ cứng và ung thư da ác tính.
Interferon beta là một loại protein tự nhiên được các tế bào của hệ miễn dịch ở hầu hết động vật sản sinh ra nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư.
Các nhà khoa học đã lai tạo thành công ba con gà mái có thể đẻ ra trứng chứa Interferon beta hằng ngày. Họ dự định sẽ bán "trứng chữa bệnh" cho các hãng dược phẩm với giá thành chỉ bằng một nửa để các hãng này có thể mở rộng nghiên cứu.
Trong khi đó, các bệnh nhân sẽ phải mất một thời gian dài mới được sử dụng loại dược phẩm này do cơ quan y tế Nhật Bản rất chặt chẽ trong việc đưa vào lưu hành các loại dược phẩm mới hoặc nhập từ nước ngoài. Quy trình kiểm tra loại thuốc mới này ở Nhật Bản phải mất hàng năm trời.
Theo các chuyên gia, nếu có thể sản xuất an toàn và đại trà Interferon beta theo phương pháp này thì mức giá hiện lên tới 100.000 yen (tương đương 888 USD) cho vài microgram Interferon beta có thể giảm mạnh.
Chính vì thế mà việc tạo ra "trứng gà có Interferon" được xem là đột phá. "Chúng tôi hy vọng kết quả thử nghiệm này sẽ dẫn đến việc phát triển các loại thuốc điều trị giá rẻ", Giáo sư Hironobu Hojo thuộc Đại học Osaka nói.
Theo baochinhphu.vn