* Hải Dương , nhớ mùa thu năm ấy…
Những người nay đã bước vào tuổi ngoại 80 vẫn còn nhớ không khí hào hùng và màu cờ đỏ sao vàng tung bay trên con đường phố thị xã Hải Dương vào chiều ngày 18/8/1945?. Cách đây tròn 76 năm, hàng nghìn quần chúng cách mạng tràn ra đường, mang theo cờ, biểu ngữ hô vang khẩu hiệu Ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh. Đoàn người rầm rập tiến về quảng trường Độc lập, tổ chức mít tinh. Khí thế cách mạng như triều dâng thác đổ, khiến cho tỉnh trưởng bỏ trốn và Phó tỉnh trưởng Trần Văn Tuyên phải đầu hàng nộp triện đồng cho chính quyền nhân dân. Người dân Hải Dương không sao quên được cái giờ phút xúc động hàng vạn trái tim bùng lên. Quần chúng reo hò, tung nón mũ hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh giành quyền độc lập. Người Hải Dương còn ghi nhớ ngày 25/8/1945 hàng chục vạn quần chúng nhân dân từ các huyện, đổ về thị xã dự cuộc mít tinh lớn mừng thắng lợi cách mạng. Giữa rừng súng gươm, giáo mác hừng hực không khí của cách mạng, vẫn là rực rỡ màu cờ đỏ sao vàng tung bay dưới trời thu. Nhà cách mạng Vũ Duy Hiệu đã đọc diễn văn chào mừng thắng lợi, tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến ở Hải Dương và tuyên bố thành lập Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh có 7 người, do ông làm chủ tịch. Kết thúc mít tinh, lại tuần hành khắp nơi trong thị xã. Khi đoàn người đi qua phố lớn, những đôi mắt mờ do tủi hờn oan khổ, những tấm thân gầy guộc trơ xương vì ngục tù, đói khát lầm than đang hít sâu vào lồng ngực không khí trong lành của giây phút tự do đã ùa ra đường, ca vang bài ca chiến thắng. Và giữa những khuôn mặt nhàu nát ấy đã hằn lên nét vui sướng làm lại cuộc đời, lấp lánh dưới bóng cờ đỏ sao vàng. Ngày 25/8/1945 mãi mãi đi vào lịch sử, đi vào lòng người Hải Dương.
* Sức sống từ nguồn sáng cách mạng mùa thu
Cũng là do phong thổ, ngàn năm gạn lọc nắng mưa, dòng sông dành dụm hạt phù sa, bồi đắp thành cánh đồng, làng mạc đông vui, tạo ra phẩm vật dồi dào, đặc sản thanh tú, làng nghề truyền thống, trò diễn xướng dân gian, thành làng tiến sĩ, sinh ra những nhà khoa bảng, những áng văn thơ bất hủ làm rạng rỡ thi đàn nước nhà. Là một vùng quê văn hiến lâu đời, Hải Dương từ xưa nhiều bậc anh hùng nhà hiền triết, đức cao vọng trọng của đất Việt đã tìm về đây dựng nghiệp, lập danh, lập ngôn.
Chính mạch nguồn văn hoá ấy đã kết đọng thành phẩm giá con người Hải Dương: Thông minh sáng tạo, nhân nghĩa, anh hùng. Để bây giờ đang sung sức chuyển mình giữa vùng quê tiềm tàng thế và lực mới trên chặng đường hội nhập. 76 năm, từ vũng bùn đứng lên giành quyền sống, làm chủ cuộc đời, người quê ta đã đi theo ngọn cờ Cách mạng. Đã qua những chặng đường dài. Chiến tranh và hòa bình, dựng xây và đổi mới, nụ cười và nước mắt, cay đắng và ngọt ngào, rồi từng bước chuyển mình trên con đường hội nhập, để lại phía sau bao nhiêu xúc động. ..
Từ thành thị đến nông thôn, từ rừng núi đến đồng bằng, ở đâu cũng thấy hình ảnh của vùng quê đẹp đẽ: Đường cao tốc, mở theo nhiều khu công nghiệp liên doanh, khu chung cư, siêu thị nguy nga, những thị tứ, thị xã trẻ trung, thành phố nâng cấp, với tầm nhìn rộng mở được khai sinh. Tất cả đã làm thay đổi căn bản cuộc sống và tư duy của con người bao đời nay chỉ biết dựa vào cây lúa củ khoai sinh sống. Cũng vẫn là thửa ruộng của ông cha để lại, nhưng óc sáng tạo của người nông dân đã được trang bị kiến thức mới đã hình thành các khu chuyên canh rau quả, trồng cây ăn trái có chất lượng và giá trị kinh tế cao gấp rất nhiều lần. Khoa học và công nghệ đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống, làm thay đổi nhận thức, làm thước đo giá trị lao động hiện hữu của con người trong thời hội nhập: Ổi, vải xuất khẩu Thanh Hà, cà rốt Cẩm Giàng, hành tỏi Kinh Môn và những miệt vườn có hàng nghìn trái na “mở mắt” nhìn cuộc sống đang trỗi dậy, đã làm thay đổi bức tranh nông nghiệp nông thôn, nông dân ở Hải Dương. Ta càng tự hào trên mỗi vùng quê đều có nét đẹp riêng về lịch sử, phong tục, sản vật, nghề cổ truyền. Ta biết ơn thiên nhiên ban cho hòn đất màu hoa đào Trúc Thôn dai bền, chịu nhiệt; hòn đất cao lanh, mẩu đá xanh Kinh Môn ngụp lặn vào khói lửa, hoá thân thành hạt xi măng kết dính công trình. Phải biết giữ gìn môi trường sinh thái, níu giữ cánh cò Chi Lăng Nam nhọc nhằn cõng hạt mưa và tiếng hát ru bay mỏi giữa ca dao cũng là ý thức cần xây dựng?. Biết quý trọng từ hạt mồ hôi, giọt nước mắt thấm vào đất, hóa thành đĩa xôi nếp hoa vàng dẻo thơm, quả hoa ngọt lành Vải thiều Thanh Hà, tấm Bánh gai Ninh Giang thơm thảo, giọt rượu nồng nàn, ấm áp Phú Lộc Cẩm Giàng.
Cùng với sản phẩm truyền thống đất của miền quê châu thổ đồng bằng sông Hồng, người Hải Dương nâng niu từng nét chữ vần thơ trên vách đá động Kính Chủ, từng mái đền ngôi miếu, khúc ca dao, tiếng hát chèo và bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể ngàn xưa để lại, trân trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân người đã hy sinh cho hạnh phúc hôm nay.
Chưa bao giờ sức mạnh quần chúng được đẩy mạnh lên như thế dưới ánh nắng thu này. Cuộc chiến chống tham nhũng, lợi ích nhóm đang dấy lên phong trào rộng khắp gây được niềm tin trong xã hội. Điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt đang đẩy lùi tội ác, tội phạm bấy lâu ẩn nấp trong ngõ ngách đời sống. Thành công đại hội Đảng khóa XIII và kết quả cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV đem lại niềm tin, chắp thêm nguồn sáng, trong hàng triệu trái tim dân Việt, càng nhân lên giá trị cuộc sống nhân sinh.
Tháng Tám trở về gợi nhớ ánh cờ sao tung bay rợp trời quê Hải Dương từ hơn ba phần tư thế kỷ trước. Đi trong man mác hương thu, bồi hồi trước đất quê đang dào dạt sức sống. Bỗng rạo rực niềm vui và náo nức niềm tin./.
Bài của Khúc Thiên Trang
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2021