Kim ngân hoa hay còn có tên gọi khác là nhẫn đông. Sở dĩ có tên gọi này vì cây không những có khả năng chịu đựng được mùa đông mà còn có thể phát triển xanh tốt vào giai đoạn thời tiết này (nhẫn đông nghĩa là chịu đựng mùa đông). Cây kim ngân khi ra hoa có điểm rất đặc biệt là những hoa ra sớm sẽ có màu trắng như bạc, sau đó một thời gian nở lâu dài các hoa này sẽ chuyển sang màu vàng, cho nên trên cùng một cây ta có thể thấy được 2 màu sắc hoa cùng hiện diện là hoa trắng và hoa vàng, vì thế cây được đặt tên là kim ngân (kim là vàng, ngân là bạc).
Có tên khoa học là Lonicera japonica Thunb; Lonicera dasystyla Rehd; Lonicera confusa DC.; Lonicera cambodiana Pierre, họ Cơm cháy (Caprifoliaceae). Còn có các tên khác: Nhẫn đông, Ngân hoa, Song hoa, Nhị hoa, Boóc kim ngần (Tày), Chừa giang khằm (Thái), Japanese honeysuckle (Anh), Chèvrefeuille du Japon (Pháp)..
Loài Lonicera japonica Thunb: Kim ngân là loại dây leo, thân to bằng chiếc đũa dài tới 9 - 10 m, có nhiều cành, lúc non màu xanh, khi già màu đỏ nâu. Lá hình trứng, mọc đối, phiến lá rộng 1,5 - 5 cm dài 3 - 8 cm. Lá cây quanh năm xanh tươi, mùa rét không rụng do đó còn có tên là nhẫn đông (chịu đựng mùa đông). Hoa mẫu 5 mọc thành xim 2 hoa ở kẽ lá. Hoa thơm khi mới nở có màu trắng, về sau chuyển thành vàng. Vì trên cây cùng có hoa trắng và hoa vàng nên mới gọi là kim ngân. Tràng hoa cánh hợp dài 2 - 3 cm chia làm 2 môi dài không đều nhau, một môi rộng lại chia thành 4 thuỳ nhỏ. Năm nhị đính ở họng tràng, mọc thò ra ngoài. Quả mọng hình cầu màu đen.
Đặc điểm hoa của 3 loài:
L. japonicacó tràng dài 2 - 3 cm, đường kính ống tràng phía trên 3 mm, đường kính phía dưới 1,5 mm, nhiều lông. Bầu nhẵn.
L. confusacó tràng dài 1,6 - 3,5 cm, đường kính ống tràng 0,5 - 2 mm, có nhiều lông. Bầu có lông.
L. dasystilacó tràng dài 2,5 - 4 cm, đường kính ống tràng 1 - 2,5 cm, không lông. Vòi nhuỵ có nhiều lông dài ở phần dưới.
Bộ phận dùng: Hoa sắp nở (Kim ngân hoa - Flos Lonicerae), cành nhỏ và lá (Kim ngân cuộng - Caulis cum folium Lonicerae). Cây kim ngân hoa mọc hoang ở các miền rừng núi như Cao Bằng, Hoà Bình, Thanh Hoá, Lào Cai....Hái hoa khi sắp nở vào mùa hạ, sấy khô hoặc xông sinh rồi phơi khô.
Theo Đông y, hoa kim ngân tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc, chống ngứa, chống dị ứng... Kim ngân dùng chữa sởi, sốt phát ban, thủy đậu, rôm sảy, ho nóng, viêm mũi dị ứng và một số bệnh ngoài da khác. Chính vì vậy mà hoa kim ngân được ứng dụng làm thuốc điều trị viêm xoang, kinh nghiệm dân gian cho thấy, kim ngân hoa có tác dụng đặc biệt tốt đối với những bệnh nhân bị viêm. Nhất là viêm xoang là một bệnh lý mà nhiều người hiện nay mắc phải, bệnh rất khó điều trị và hiện đang là nỗi lo của nhiều bệnh nhân bởi hiện nay thuốc điều trị viêm xoang chỉ có tác dụng nhất thời mà không điều trị khỏi hẳn được.
Tác dụng dược lý: Thuốc có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn như: tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lî, trực khuẩn ho gà, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, não cầu khuẩn, trực khuẩn lao ở người . cùng các loại nấm ngoài da, spirochete, virut cúm.
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội đã xây dựng mô hình sản xuất dược liệu kim ngân hoa với diện tích 1 ha theo hướng GACP - WHO trên địa bàn TP. Chí Linh (Hải Dương). Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã thu thập được 5 loài kim ngân trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh, từ đó định danh loài và đánh giá chất lượng dược liệu kim ngân hoa trồng tại TP. Chí Linh (Hải Dương). Bước đầu đề tài đã xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất cây dược liệu theo hướng GACP - WHO trên địa bàn TP. Chí Linh (Hải Dương) và đang hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP - WHO phù hợp với điều kiện tỉnh Hải Dương.
Qua theo dõi và đánh giá năng suất, chất lượng và phân tích dược tính của cây kim ngân cho thấy: Cây có thể mọc xanh tốt quanh năm, cho hoa đẹp, thơm mùi dễ chịu; cây dễ trồng trên mọi thời tiết, địa hình, thổ nhưỡng (nên cây còn có thể được sử dụng để làm cây cảnh trong nhà); hoa dễ thu hái, chế biến và bảo quản để dùng đun nước uống (kết hợp với trà), vừa có thể sử dụng như một vị thuốc có sẵn cho gia đình.
Nguyễn Đình Bộ