Huyện Tứ Kỳ: Các hộ nông dân mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, việc liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có sàn thương mại điện tử đã được các hộ nông dân huyện Tứ Kỳ coi là giải pháp đột phá để tạo ra những kênh phân phối mới trên nền tảng công nghệ số.
Huyện Tứ Kỳ: Các hộ nông dân mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp

Hợp tác xã Chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát hiện tại có 7 hộ tham gia nuôi chim bồ câu với tổng số khoảng 10 nghìn cặp chim bố mẹ. Với phương pháp nuôi chim bồ câu thảo dược, sản phẩm chăn nuôi hữu cơ của các xã viên HTX có đầu ra ổn định, được giá vì sản phẩm thơm ngon, an toàn, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao so với cách nuôi chim theo phương pháp thông thường.

Đến nay, sản phẩm chim câu Pháp thảo dược của HTX đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO quy trình nuôi và đạt tiêu chuẩn VietGAP về an toàn trong chăn nuôi và được chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương, giúp cho hợp tác xã cũng như sản phẩm được lan tỏa mạnh mẽ hơn, qua đó ảnh hưởng tích cực, niềm tin đối với khách hàng trên cả nước. Hiện nay, mỗi ngày, HTX Thủy Phát xuất bán khoảng 300 con chim bồ câu thương phẩm tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội với giá bán cao hơn từ 15 - 30% so với giá bán thông thường.

Để có được kết quả trên, các thành viên của HTX luôn nỗ lực duy trì phương thức sản xuất hữu cơ an toàn. Bên cạnh đó, HTX luôn tích cực tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quảng bá tìm đầu ra cho sản phẩm. Thành lập vào thời điểm năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tiêu thụ sản phẩm của HTX. Để khắc phục khó khăn, Ban lãnh đạo hợp tác xã đã linh hoạt điều chỉnh cách thức tiếp cận hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Song song với phương thức bán hàng truyền thống.

Hợp tác xã mở rộng kinh doanh thông qua ứng dụng trên nền tảng online, tham gia các hội chợ triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, hình ảnh, kết nối với khách hàng qua các trang Website, Fanpage chính thức của hợp tác xã. Hợp tác xã luôn đi đầu xu thế, cập nhật các tính năng mới, chú trọng tập huấn cho các thành viên trong hợp tác xã và các đại lý phân phối sản phẩm cách chăm sóc khách hàng, quảng bá bán hàng trên các kênh Facebook, Fanpage, Zalo. Hiện nay, hợp tác xã có trang Website; thuyphatcoop, các Fanpage HTX chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát trên nền tảng Facebook để quảng bá về các sản phẩm và tư vấn bán hàng một cách chuyên nghiệp; sản phẩm của hợp tác xã có mặt trên các sàn thương mại điện tử.

Thông qua các kênh bán hàng trên mạng, nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm của hợp tác xã và đặt hàng với số lượng tăng gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống. Việc ký kết hợp đồng, chốt đơn hàng của Hợp tác xã chủ yếu qua điện thoại, Email, Zalo, messenger, Facebook… nên rất nhanh chóng, thuận tiện. Thành công lớn nhất của cả tập thể hợp tác xã và các nhà phân phối sản phẩm là xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trong lòng khách hàng đã mua sản phẩm, số lượng các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử ngày càng nhiều, lượt truy cập mua cũng tăng lên.

Không chỉ HTX Thủy Phát, thời gian qua, nhiều hợp tác xã, hộ chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện đã tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông sản đặc sản như rươi, cáy, thủy sản, dưa lưới, dưa chuột trồng trong nhà màng. Đây là những nông sản được sản xuất theo quy trình an toàn, tạo giá trị gia tăng cao. Qua các kênh tiêu thụ hiện đại, sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều thị trường lớn, cho giá trị kinh tế cao hơn so với thị trường nội địa, đồng thời xây dựng được hệ thống phân phối chuyên nghiệp, lâu dài. Chuyển đổi số thực sự là chìa khóa giúp hợp tác xã và nông dân bứt phá trong nâng cao năng suất, sản lượng và thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn.

Phát huy kết quả đạt được, huyện Tứ Kỳ đã xác định 7 nhóm giải pháp trong phát triển kinh tế số và xã hội số trong ngành Nông nghiệp. Đó là xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản cho phép kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của nông sản. Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hải Dương. Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, khai thác các dịch vụ số trên Internet, đặc biệt là đưa lên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn, hdmart.vn,… để mở rộng kênh phân phối nông sản.

Hỗ trợ nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân về chuyển đổi số. Xây dựng và kết nối các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên Cổng thông tin điện tử và Fanpage của ngành nông nghiệp và phát triển. Số hóa cơ sở dữ liệu và xây dựng mô hình nông thôn thông minh tại một số xã đạt nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Hỗ trợ đưa nông sản và sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Xây dựng phần mềm đánh giá và quản lý sản phẩm OCOP của tỉnh. Xây dựng mô hình quan trắc tự động cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Thông qua chuyển đổi số đã giúp các hộ nông dân thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thay đổi tư duy, với cách làm sáng tạo đã đem lại hiệu quả tích cực, đáp ứng xu thế phát triển của nền nông nghiệp hiện đại.

Bài của Nguyễn Thị Ánh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2022


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập166
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,081,110
  • Tổng lượt truy cập3,786,314
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây