Năm 2023, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh Hải Dương: gồm mức độ hài lòng (MĐHL) của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách tại địa phương; MĐHL đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công đạt 90,23% nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có MĐHL đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) cao nhất là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh và Hải Phòng…, so với chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh năm 2022 đạt 83,73% (tăng 6,5%, tỷ lệ tăng cao thứ 2 toàn quốc). Trong đó, điểm chỉ số hài lòng với việc cung ứng dịch vụ hành chính công (thành phần tổng hợp trong chỉ số CCHC Parindex) của tỉnh Hải Dương năm 2023 đạt 9,34/10 điểm, xếp thứ 01/63 tỉnh, thành phố, so với năm 2022 đạt 8,42/10 điểm tăng 13 bậc. Trong đó, chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ đạt 1,38/1,5 điểm, đạt 92%; Chỉ số hài lòng về tổ chức giải quyết TTHC đạt 1,39/1,5 điểm, đạt 92,6%; Chỉ số hài lòng về công chức giải quyết TTHC đạt 2,35/2,5 điểm, đạt 94%; Chỉ số hài lòng về kết quả giải quyết TTHC đạt 2,35/2,5 điểm, đạt 94%; Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến TTHC đạt 1,87/2 điểm, đạt 93,5%.
Những chỉ số hài lòng trên là cơ sở quan trọng để đánh giá hiệu quả và chất lượng của dịch vụ công được cung cấp đến người dân trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2023, tỉnh Hải Dương đã không ngừng cải thiện việc cung cấp dịch vụ công, từ các dịch vụ cơ bản như hành chính công, đến việc cung cấp thông tin và giải quyết thủ tục hành chính. Sự tận tâm và sự chuyên nghiệp của các cơ quan hành chính đã tạo ra một môi trường thuận lợi và thân thiện cho người dân. Tỉnh đã đặt sự minh bạch và độ tin cậy lên hàng đầu trong quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính. Việc công khai thông tin, tiếp nhận phản ánh và giải quyết khiếu nại một cách minh bạch đã tạo ra sự tin cậy từ phía cộng đồng. Sự đổi mới trong quản lý hành chính và sử dụng CNTT đã tạo ra sự thuận tiện và hiệu quả. Tính tiên tiến và linh hoạt trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ đã giúp tối ưu hóa quy trình làm việc và tăng cường sự liên kết giữa các cơ quan chính quyền và người dân.
Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn những thách thức về năng lực và chất lượng dịch vụ. Việc đào tạo và phát triển đội ngũ công chức, cùng việc nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. Sự tương tác và giao tiếp trực tiếp giữa cơ quan hành chính và người dân cần được tăng cường. Việc tạo ra các kênh liên lạc mở thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp… tạo hiệu quả, giúp nâng cao sự hài lòng của người dân với chính quyền. Tiếp tục chủ động trong việc xây dựng và phát triển hệ thống chính quyền số. Sự đổi mới kỹ thuật số không chỉ tạo ra sự tiện ích mà còn là nền tảng để tăng cường minh bạch và hiệu quả của chính quyền đối với người dân. Từ đó tiếp tục hướng tới và hoàn thiện một chính quyền công bằng, minh bạch và hiệu quả, để phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người dân một cách tốt nhất.
Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 đặt mục tiêu CCHC giai đoạn này là “Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030” và yêu cầu đặt ra đối với nền hành chính phải lấy người dân làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của CQHCNN các cấp.
Năm 2023, Sipas Hải Dương cho phép các nhà điều tra thu thập dữ liệu trực tiếp từ người dân thông qua các thiết bị di động cài đặt Ứng dụng Sipas Hải Dương, giúp tiết kiệm thời gian và công sức đồng thời tăng tính chính xác và tin cậy của thông tin thu thập được qua tính năng định vị địa chỉ của người dân được điều tra, khảo sát. Đồng thời Ứng dụng Sipas Hải Dương cho phép theo dõi chi tiết thời gian khảo sát, cập nhật dữ liệu khảo sát liên tục, kịp thời và cập nhật số lượng điều tra của các điều tra viên hàng ngày giúp cho cơ quan tiến hành điều tra nắm bắt kịp thời tiến trình thực hiện Kế hoạch điều tra đề ra.
Kết thúc quá trình điều tra, đầu mối phụ trách thực hiện điều tra khảo sát sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước không cần phải thu thập, tổng hợp số lượng phiếu điều tra của từng địa bàn mà Ứng dụng Sipas Hải Dương đã thực hiện phân loại, sắp xếp phiếu theo lĩnh vực và địa bàn điều tra theo thông tin đã được nhập của người dân được thực hiện điều tra từ ban đầu quá trình điều tra. Ứng dụng Sipas Hải Dương tích hợp việc tổng hợp điểm phiếu điều tra trên kết quả lựa chọn phương án câu hỏi của người dân được thực hiện điều tra. Kết quả xử lý dữ liệu thu về bảo đảm chính xác, khoa học và yêu cầu đặt ra của cơ quan tiến hành điều tra.
Việc áp dụng Ứng dụng Sipas Hải Dương vào công tác triển khai khảo sát sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại Hải Dương đã mang lại những kết quả tích cực và mở ra những bước đổi mới cho công tác điều tra xã hội học tại Hải Dương. Sự kết hợp giữa tiến bộ công nghệ vào công tác xã hội học đã tạo ra một cơ sở vững chắc để tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn cho các công tác khảo sát sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong thời gian tiếp theo. Việc liên tục nâng cao và phát triển, Sipas Hải Dương sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng trong việc thu thập ý kiến về sự hài lòng của người dân để đánh giá hiệu quả của công tác hành chính nhằm điều chỉnh, thực hiện một chủ trương, chính sách, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Hải Dương với quyết tâm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và yêu cầu các cơ quan hành chính tiếp tục nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính thông qua việc cải thiện dịch vụ công, đảm bảo rằng việc cung cấp các dịch vụ công đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân một cách hiệu quả, nhanh chóng. Tăng cường các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp, tổ chức các cuộc họp, buổi gặp gỡ, khảo sát ý kiến đánh giá và các hoạt động tương tác khác để nghe ý kiến phản hồi và ý kiến đóng góp từ người dân, doanh nghiệp, tạo ra một môi trường mà người dân cảm thấy được lắng nghe và tham gia vào quyết định. Tạo ra cơ hội kinh doanh và việc làm, tăng cường thúc đẩy hợp tác trong và ngoài nước, thu hút đầu tư PDI; tạo môi trường kinh doanh tích cực và thuận lợi để khuyến khích sự phát triển kinh tế và tạo ra việc làm cho người dân. Tăng cường chất lượng cuộc sống, cung cấp các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, vệ sinh, và giao thông công cộng hiệu quả và chất lượng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Bài của TS. Nguyễn Đình Bộ
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2024