Tỉnh Hải Dương ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Hải Dương so sánh với năm 2010 ước đạt 22.617 tỷ đồng, tăng 4,45% so với năm 2022. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 196 triệu đồng/ha, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất đã được áp dụng nhiều trong lĩnh vực trồng trọt, riêng sản xuất lúa đã áp dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu.
Tỉnh Hải Dương ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Nhiều sản phẩm nông sản an toàn được xuất khẩu với sản lượng lớn như: vải chiếm trên 50% sản lượng, cà rốt trên 80% sản lượng, chuối trên 30% sản lượng,...cũng là năm đầu tiên sản phẩm vải thiều Thanh được đưa vào suất ăn trên các chuyến bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Tỉnh đã xây dựng được vùng sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn với các cây trồng chủ lực như: Vùng hành tỏi, cà rốt, rau cải bắp su hào, vải, ổi, chuối, na ... Sản xuất cây vụ Đông của tỉnh đạt 223,5 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 2,2 lần các tỉnh phía Bắc.

Năm 2023, toàn tỉnh gieo cấy lúa toàn tỉnh cả năm 108.325 ha, đạt 100,8% kế hoạch, giảm 1.345 ha so với CKNT. Diện tích giảm chủ yếu do chuyển sang phi nông nghiệp và một phần sang cây rau, cây ăn quả; trong đó vụ Đông xuân 54.295 ha; vụ mùa 54.030 ha. Năng suất lúa đạt 63,48 tạ/ha/năm, cao hơn 0,26 tạ/ha so với năm 2022; Sản lượng lúa đạt 687.700 tấn, đạt 103,6% kế hoạch, đảm bảo an ninh lương thực trong tỉnh và cung ứng ra ngoài tỉnh.

Sản xuất lúa có sự chuyển dịch mạnh, tăng diện tích lúa chất lượng giảm lúa lai, lúa thường. Diện tích lúa chất lượng chiếm 76,6%, tăng 0,8% so CKNT; diện tích lúa lai chiếm 1,5%, giảm 0,3% so CKNT; lúa thường chiếm 21,9%, giảm 0,5% so CKNT. Tăng diện tích cấy máy, mạ khay, cụ thể, diện tích cấy máy 12%, tăng 2,1% so năm 2022. Các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất. Duy trì và mở rộng các vùng sản xuất lúa đặc sản như nếp cái hoa vàng, nếp quýt, nếp xoắn tại TX. Kinh Môn, huyện Kim Thành, Thanh Hà, TP. Chí Linh; vùng sản xuất lúa rươi hữu cơ tại huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành... tỉnh đã xây dựng thêm các nhãn hiệu nếp Quýt Kim Thành, Nếp Cái hoa vàng An Lạc, gạo bãi rươi hữu cơ Tứ Kỳ,…

Diện tích cây rau màu 3 vụ trong năm 2023 đạt 41.973 ha. Trong đó, cây rau thực phẩm 31.178 ha, chiếm khoảng 74,5% diện tích; năng suất rau trung bình đạt 263,3 tạ/ha, cao hơn 2,84 tạ/ha so năm trước; sản lượng rau các loại đạt 823.582 tấn, tăng 12.491 tấn so năm 2022. Sản lượng rau tiêu thụ trong tỉnh chiếm 30%, còn lại 70% tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Diện tích rau vụ xuân đạt 10.167 ha, rau hè thu 9.801 ha và rau màu vụ đông 22.005 ha. Sản xuất rau màu vụ đông cho giá trị kinh tế cao đạt 223,5 triệu đồng/ha, tăng 18 triệu đồng/ha so vụ đông năm trước (205,5 triệu đồng), cao gấp hơn 2 lần các tỉnh phía Bắc (99 triệu đồng/ha). Sản xuất rau màu được duy trì, mở rộng ở các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao như vùng hành tỏi 6.297 ha, tập trung ở TX. Kinh Môn, Nam Sách,..; vùng cà rốt 1.415 ha, tập trung ở huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, TP. Chí Linh; vùng bắp cải, su hào, súp lơ 5.177 ha, tập trung ở huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Miện và TP. Hải Dương; vùng dưa hấu dưa lê 3.033 ha, tập trung ở huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kim Thành, Nam Sách...; vùng củ đậu 500 ha, tập trung ở huyện Kim Thành...cho thu nhập từ 250 - 350 triệu đồng/ha/năm, thậm chí đạt 450 triệu đồng/ha/năm.

Diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 21.749 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà 6.934 ha, chiếm 31,8% diện tích, TP. Chí Linh 6.583 ha, chiếm 30,2%; các huyện, TP, TX còn lại 8.232 ha, chiếm 38%. Sản lượng đạt 305.000 tấn/năm, cao hơn 15.500 tấn so CKNT. Tỉnh duy trì và mở rộng các vùng cây ăn quả sản xuất hàng hóa tập trung có hiệu quả kinh tế cao như vùng vải 8.845 ha, tập trung chủ yếu huyện Thanh Hà, TP. Chí Linh; vùng ổi 2.505 ha, tập trung ở huyện Thanh Hà, TX. Kinh Môn, Ninh Giang; vùng na 1.076 ha, tập trung ở TP. Chí Linh; vùng nhãn 2.113 ha, tập trung ở TP. Chí Linh; vùng chuối 2.618 ha, tập trung chủ yếu huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, TX. Kinh Môn, Kim Thành,…nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất an toàn và có thị trường tiêu thụ ổn định mang lại thu nhập từ 250 - 450 triệu đồng/ha/năm.

Tỉnh đã chủ động lắp đặt hai Trạm Khí tượng thông minh Imetos để khai thác dữ liệu phục vụ cho công tác dự tính dự báo sâu bệnh hại cây trồng. Với 49,94 ha nhà màng, nhà lưới kết hợp tưới nước và bón phân tự động, bán tự động sản xuất dưa lưới, rau ăn lá, hoa... cùng khoảng 200 ha rau màu vùng chuyên canh lắp đặt hệ thống điều khiển thông minh tưới nước theo giờ, nâng cao hiệu quả kinh tế 10-30% và tiết kiệm khoảng 55% nước so với phương pháp tưới truyền thống; có gần 50 ha nhà màng, nhà lưới sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, cung cấp phân bón qua hệ thống tưới tự động, sử dụng quạt thông gió, ánh sáng đèn để điều hòa nhiệt độ thông gió làm mát, điều khiển sử dụng công nghệ phổ ánh sáng đèn Led... mang lại hiệu quả kinh tế từ 1-3 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 10-30 lần so với trồng lúa, 15 lần so với trồng rau thông thường), lợi nhuận đạt 550 triệu đồng/ha/năm.

Ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới đã lắp đặt đồng bộ hệ thống camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nưới tự động từ xa theo giờ. Nhiều địa phương đã áp dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái,... Một số vùng trồng, tổ sản xuất, cơ sở sản xuất đã mã hóa các thông tin liên quan đến sản phẩm như: tọa độ, diện tích vùng sản xuất; nhật ký gieo, trồng, chăm sóc, bón phân, phun thuốc trừ dịch hại, thời gian thu hoạch; sản lượng,... thành bộ dữ liệu dạng số hóa để cập nhật lên hệ thống website, App, Facebook, Zalo,.. phục vụ cho truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Toàn tỉnh có khoảng 15.000 ha rau và 17.000 ha cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có trên 1.500 ha rau, cây ăn quả đã được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP. Ngoài ra còn có gần 500 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, chủ yếu là các vùng cấy lúa kết hợp khai thác rươi, cáy ở huyện Tứ Kỳ. Tỉnh đã cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói: được 305 mã số vùng trồng (273 mã xuất khẩu 32 mã nội tiêu) và 26 mã số cơ sở đóng gói. Các mã số phục vụ xuất khẩu chủ yếu được cấp cho các cây trồng như vải, nhãn, thanh long, chuối, cà rốt, cải bắp, dưa, ớt...

Với thế mạnh là sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn, có truy suất nguồn gốc, xúc tiến thương mại nên các sản phẩm nông sản của Hải Dương luôn được tiêu thụ thuận lợi, ổn định, nhiều sản phẩm rau, quả như vải, nhãn, chuối, cà rốt, dưa, cải bắp, ớt, hành, tỏi,... đã được xuất khẩu. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường cao cấp, khó tính với sản lượng lớn như: quả vải đã được xuất khẩu sang hơn 30 nước gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan,Trung Quốc,... với sản lượng xuất khẩu đạt trên 30.000 tấn/năm; cà rốt cà rốt đã được xuất khẩu đi sang hơn 20 nước gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, các nước Trung Đông, Đông Nam Á... với sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm; chuối xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc với sản lượng hơn 20.000 tấn/năm; sản phẩm như ớt, hành tỏi được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ; cải bắp được xuất khẩu sang các nước thuộc khu vực Asian,... Ngoài ra, một số sản phẩm nông sản còn được bán, tiêu thụ thuận lợi trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Voso, Postmart, Alibaba,...

Hướng sản xuất nông nghiệp năm 2024, xây dựng kế hoạch gieo trồng 147.000 ha cây hàng năm, trong đó cây lúa 106.500 ha; cây rau màu 40.500 ha và phát triển mở rộng vùng cây ăn quả chất lượng cao. Để thực hiện tỉnh đã đề ra các giải pháptiếp tục phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng tập trung, hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn thực phẩm thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, tăng cường mở rộng sản xuất tập trung hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Làm tốt công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc, đánh giá chất lượng sản phẩm; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường để thúc đẩy tiêu thụ nông sản…

Bài của Bảo Châu

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2023

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây