Hải Dương quan tâm ứng dụng KH&CN phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ

Nhờ có sự quan tâm đầu tư nguồn lực và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 đã tạo được bước phát triển mới, đóng góp tích cực vào việc giải quyết công ăn việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; làm cho bộ mặt nông thôn của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, thu nhập, đời sống của người dân khu vực nông thôn được nâng lên. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã trở thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, không chỉ đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: sản phẩm vải thiều Thanh Hà, nhãn Chí Linh, cà rốt Đức Chính và các sản phẩm rau màu xuất khẩu. Toàn tỉnh có 25 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, 01 sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý (vải thiều Thanh Hà) và 25 sản phẩm được cấp mã QR code.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng còn một số vấn đề tồn tại đó là: tốc độ tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn thấp so với bình quân chung cả nước (2,3% so với 2,91%/năm); chất lượng tăng trưởng còn có yếu tố chưa bền vững; thị trường sản xuất thiếu tính ổn định, giá cả nông sản còn bấp bênh; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ chậm phát triển; tổ chức sản xuất còn manh mún, chưa theo sát yêu cầu thị trường.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên và chủ động thích ứng với những thách thức đạt ra trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 11/01/2021 phê duyệt Chương trình “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình xác định rõ các quan điểm, mục tiêu và nội dung của việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển sản xuất nông nghiệp trong 05 tiếp theo, đó là:

1. Quan điểm của Chương trình

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo phải đảm bảo 03 quan điểm có tính xuyên suốt và bao trùm sau:

Thứ nhất, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp phải gắn với phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển theo hướng an toàn, hữu cơ và có tính bền vững.

Thứ hai, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp phải theo định hướng thị trường, gắn với tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm và theo chuỗi giá trị sản xuất.

Thứ ba, lựa chọn, tiếp thu các tiến bộ khoa học và công nghệ phải phù hợp với thực tiễn sản xuất và năng lực tiếp thu của người dân, đảm bảo nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân, góp phần hiệu quả vào việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao.

2. Mục tiêu chung của Chương trình

Thông qua việc thực hiện Chương trình sẽ lựa chọn, xác định và ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững.

3. Nội dung của Chương trình

Chương trình sẽ được quan tâm triển khai thực hiện với 05 nhóm nội dung như sau:

Một là, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Trong đó, nhóm nội dung này sẽ ưu tiên cho việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ về giống mới, về quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến để xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất của địa phương. Tập trung lựa chọn các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được kết luận thông qua các kết quả nghiên cứu để nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung và nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, phù hợp với quy hoạch của các địa phương, có sự ứng dụng đồng bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Hai là, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh

Nhóm nội dung này sẽ tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với nhu cầu phát triển và năng lực tiếp nhận của các địa phương. Hỗ trợ nhân rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở có sự huy động các nguồn lực cùng tham gia như: công nghệ nhân giống, công nghệ tưới, dinh dưỡng cây trồng, ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất và thu hoạch... Nghiên cứu thử nghiệm, đề xuất cơ cấu cây trồng, vật nuôi và công thức luân canh phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ba là, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ

Nhóm nội dung này sẽ chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cho việc xử lý nước sạch trong sản xuất, cho việc cải tạo và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để cải thiện và nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Thực hiện chuyển giao và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ cho các địa phương có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh

Nhóm nội dung này sẽ đi sâu rà soát, xác định các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, sản phẩm nông nghiệp thế mạnh có nhu cầu xây dựng thương hiệu gắn với việc thực hiện Đề án OCOP của tỉnh. Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phục tráng, bảo tồn các nguồn gen bản địa; xây dựng và phát triển các mô hình nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hỗ trợ xây dựng, bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Năm là, chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho người dân.

Nhóm nội dung này sẽ quan tâm tới việc chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho người dân thông qua các hình thức đào tạo, tập huấn và thông qua phương thức cầm tay chỉ việc trong các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tại địa phương. Duy trì định kỳ các chuyên mục chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: chuyên mục tin tức, chuyển giao khoa học và công nghệ vào cuộc sống trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Xây dựng và thực hiện chuyên mục cung cấp thông tin về các quy trình kỹ thuật phục vụ sản xuất của người dân trên trang tin điện tử.

Những nội dung nêu trên của Chương trình chính là việc cụ thể hoá các quan điểm và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh mà ngành khoa học đã kịp thời tham mưu với tỉnh để triển khai, đưa Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển sản xuất nông nghiệp đi vào cuộc sống./.

Bài của Lê Lương Thịnh 

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 2 năm 2021

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây