75 năm, mùa thu dân tộc

Đi dưới trời thu nắng vàng thơm mùi hoa cúc, những ai ở tuổi ngoại 80  càng bồi hồi nhớ lại màu cờ đỏ sao vàng tung bay trên con đường phố thị xã Hải Dương vào chiều 18/8/1945 cách đây tròn 75 năm. Hàng nghìn quần chúng cách mạng tràn ra đường, mang theo cờ, biểu ngữ hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Nam”. 
75 năm, mùa thu dân tộc

Đoàn người rầm rập tiến về Quảng trường Độc Lập, tổ chức mít tinh. Khí thế cách mạng như triều dâng thác đổ, khiến cho Tỉnh trưởng bỏ trốn, và Phó tỉnh trưởng Trần Văn Tuyên phải đầu hàng nộp triện đồng cho chính quyền nhân dân. Người dân Hải Dương không sao quên được cái giờ phút xúc động hàng vạn trái tim mơ ước nền độc lập tự do. Quần chúng reo hò, tung nón mũ hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh giành quyền độc lập. Người Hải Dương ghi nhớ ngày 25/8/1945 hàng chục vạn quần chúng nhân dân từ các huyện, đổ về thị xã dự cuộc mít tinh lớn mừng thắng lợi cách mạng. Giữa rừng súng gươm, giáo mác hừng hực không khí cách mạng, vẫn là rực rỡ màu cờ đỏ sao vàng tung bay dưới trời thu. Nhà cách mạng Vũ Duy Hiệu đã đọc diễn văn chào mừng thắng lợi, tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến ở Hải Dương và tuyên bố thành lập Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh có 7 người, do ông làm chủ tịch. Kết thúc mít tinh, lại tuần hành khắp nơi trong thị xã. Khi đoàn người đi qua các phố lớn, thì cụ già, trẻ em từ trong các ngõ phố mừng vui ùa ra đường hoà vào dòng người hát bài ca cách mạng. Những đôi mắt mờ do tủi hờn oan khổ, những tấm thân gầy guộc trơ xương vì ngục tù, đói khát lầm than đang hít sâu vào lồng ngực không khí trong lành của giây phút tự do, ca vang bài ca chiến thắng. Và giữa những khuôn mặt nhàu nát ấy đó hằn lên nét vui sướng làm lại cuộc đời, lấp lánh dưới bóng cờ đỏ sao vàng.

Ngày 25/8/1945 mãi mãi đi vào lịch sử, đi vào lòng người Hải Dương. Bởi đó cũng là ngày người dân giành lại chính quyền.

                                                        ***

Là một vùng quê văn hiến lâu đời, Hải Dương từ xưa đã có nhiều bậc anh hùng nhà hiền triết, đức cao vọng trọng của đất Việt đã tìm về đây dựng nghiệp, lập danh, lập ngôn. Cuộc đời, sự nghiệp của họ đã làm rạng danh quê hương đất nước, góp phần hun đúc tâm hồn trí tuệ và làm sáng thêm bản lĩnh dân tộc Việt Nam:

Sống tận càn khôn, Ức Trai lòng tựa sao Khuê

Trụ giữa núi mây, Chu Văn An chí như tùng bách

 Nguyễn Bỉnh Khiêm đáng bậc thiên cơ

 Nguyễn Bá Tĩnh lừng danh thần dược

 Mạc Đĩnh Chi liêm chính, vạn cổ lưu truyền

Nguyễn Thị Duệ sắc tài, thiên thu ghi tạc

Phạm Mệnh tuyệt bút thi thư

Vũ Hữu trứ danh toán pháp .

Giữa những hiền nhân anh hùng ấy, Khúc Thừa Dụ được lịch sử  đánh giá là ông vua giành quyền độc lập đầu tiên của nước Đại Việt thế kỷ 10. Là một hào trưởng giàu lòng nhân ái ở đất Hồng Châu, ông đã tập hợp sức mạnh quần chúng, nắm đúng thời cơ nhà Đường suy yếu, khởi nghĩa giành chính quyền, tự xưng Tiết Độ sứ, cai quản đất nước, cải cách hành chính, điền địa, chủ trương Khoan Giản An Lạc, xây dựng một chính quyền vì dân, thân dân…

Mạc Đăng Dung từ một người lính túc vệ, đã phấn đấu trở thành vị chỉ huy quân sự, rồi thành vị vua đầu tiên triều nhà Mạc, truyền ngôi cho 9 đời sau.

Có thể nói Hải Dương là đất phát tích đế vương!

Từ thuở trời đất hình thành, có đêm ngày nắng mưa, lưỡng cực âm dương điều phối, đất chắt chiu giữ nước trong mình cho muôn loài sinh tồn. Nước trả ơn đất bằng vỗ về mát ngọt, làm tăng thêm mỡ màu cho đất sinh sôi. Theo lẽ ấy các dòng sông Thái Bình, Kinh Thày, Sông Luộc, Văn Úc đã ngàn năm gạn lọc nắng mưa, bão tố, dành dụm hạt phù sa, bồi đắp thành cánh đồng, làng mạc đông vui, tạo ra phẩm vật dồi dào, đặc sản thanh tú, làng nghề truyền thống, trò diễn xướng dân gian, thành làng tiến sĩ, sinh ra những nhà khoa bảng, những áng văn thơ bất hủ làm rạng rỡ thi đàn nước nhà.

 Chính mạch nguồn văn hoá ấy đã kết đọng thành phẩm giá con người Hải Dương: thông minh, cần cù, sáng tạo, nhân nghĩa, tạo nên  mảnh đất lịch sử gan góc dạn dày, quật khởi, anh hùng, thành một vùng quê tiềm tàng thế và lực mới trên chặng đường đi tới tương lai.

 Xứ Đông được mệnh danh đất học, khoa bảng, nhân nghĩa, anh hùng…Từ thời Lê sơ, Hải Dương đó có trường học trường thi, rồi sau này thêm Văn miếu Mao Điền, nơi thiêng liêng của làng nho, đất học. Cả nước có xấp xỉ 3000 vị đỗ đại khoa, riêng xứ Đông có hơn 600 vị tiến sĩ, hoàng giáp, bảng nhãn, thám hoa, trạng nguyên. Những danh nhân, danh tướng; nhà quân sự, chính trị, ngoại giao, nhà văn hoá, nhà khoa học, những vị tổ nghề ở Hải Dương được nhân dân ca tụng, tôn thờ hàng nghìn năm qua đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho biết bao thế hệ vuơn lên đạp bằng gai góc trong chiến tranh vệ quốc và kiến quốc.

Từ vũng bùn đứng lên giành quyền sống, làm chủ cuộc đời, người Hải Dương đó đi theo ngọn cờ cách mạng, kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ xây cuộc sống hoà bình.

Truyền thống văn hiến ngàn xưa là niềm tự hào, cũng là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt, sức bật mạnh mẽ của mảnh đất kiên cường bất khuất trong cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

Thấm thoát ba phần tư thế kỷ!. Tháng Tám trở về gợi nhớ ánh cờ sao tung bay rợp trời quê Hải Dương 75 năm trước. Đó nghe hơi thu và man mác heo may, lòng càng bồi hồi nhìn lại đất quê đang dào dạt sức sống, càng hy vọng niềm tin vào Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương đang đến gần./.

Bài của Khúc Hà Linh

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 8/2020


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập199
  • Hôm nay35,166
  • Tháng hiện tại1,114,017
  • Tổng lượt truy cập3,819,221
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây