Năm 2020 - 2021, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã thực hiện đề tài xây dựng mô hình sản xuất thử giống BC15 - 02 kháng bệnh đạo ôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhằm đưa giống lúa BC15 - 02 kháng đạo ôn năng suất từ 6 - 7,5 tấn/ha. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác cho giống BC15 - 02 để bổ sung vào cơ cấu các giống lúa của tỉnh Hải Dương.
Giống lúa BC15-02 là giống lúa mới được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lai tạo, chọn lọc theo hướng năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh đạo ôn nhằm thay thế giống BC15 nhiễm đạo ôn trong vụ Xuân. Giống lúa BC15 - 02 được tạo ra bằng việc chuyển lai gen kháng đạo ôn Pita vào giống BC15 kết hợp với ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn lọc kháng hữu hiệu với các chủng nấm đạo ôn ở các tỉnh phía Bắc.
Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã xây dựng mô hình 24 giống lúa BC15 - 02 tại huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Hà, TP. Chí Linh, TP. Hải Dương với tổng diện tích 400 ha với 2.604 hộ tham gia. Trong đó, vụ xuân gieo cấy 129 ha/vụ và vụ mùa 80 ha/vụ. Giống lúa BC15 - 02 có thời gian sinh trưởng từ 135 - 140 ngày trong vụ xuân, từ 108 - 112 ngày trong vụ mùa tương đương giống lúa BC15 đối chứng; cây cao trung bình là 115 cm, cứng cây, dạng hình V xòe, lá màu xanh đậm, đẻ nhánh khỏe, tập trung. Giống lúa BC15 - 02 có trung bình 8 bông/khóm; số hạt trên bông đạt từ 180,6 - 215,4 vụ xuân và từ 180,2 - 195,5 hạt/bông vụ mùa; tỷ lệ lép từ 8,1 - 14,8% trong vụ xuân và từ 13 - 17,5% vụ mùa. Năng suất thực thu vụ xuân đạt từ 65,1 - 73,5 tạ/ha, vụ mùa từ 67,8 - 72,3 tạ/ha cao hơn giống lúa BC15 đối chứng trong cả vụ xuân và vụ mùa.
Qua 4 vụ triển khai mô hình đều đánh giá giống có tỷ lệ sát cao, gạo trắng trong, cơm mềm dẻo, ăn đậm. Kết quả phân tích chất lượng tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho thấy: hàm lượng amylose của giống lúa BC15-02 trung bình là 17,5%, protein là 8,7%, gạo trong, trắng tương đương với giống lúa BC15 đối chứng.
Với diện tích 400 ha, 2.604 hộ tham gia triển khai mô hình giống lúa trong 2 năm 2020 - 2021 cho thấy giống lúa BC15 - 02 sinh trưởng và phát triển khỏe, cho năng suất cao và ổn định trong cả vụ Xuân và vụ Mùa. Năng suất đạt trung bình trên 60 tạ/ha. Tại Thanh Hà và Ninh Giang, nông dân áp dụng phương thức geo mạ khay, cấy bằng máy nên cây lúa sinh trưởng khỏe, đẻ nhánh tập trung năng suất trên 70 tạ/ha chiếm tỷ lệ cao trên 65% và đạt tỷ lệ cao nhất tại vụ mùa năm 2021 (79,9%). Giống lúa BC15 - 02 cho năng suất cao với cả 3 hình thức gieo cấy: mạ khay cấy máy, mạ sân và gieo sạ.
Hiệu quả kinh tế của giống BC15 - 02 tại 6 mô hình tăng 30,3% vụ xuân, 12% vụ mùa năm 2020; tăng 12,4% vụ xuân và 10,3% vụ mùa 2021 so với sản xuất giống lúa BC15 đối chứng. Hiệu quả kinh tế khi sử dụng 57 hình thức mạ khay, cấy máy so với việc sản xuất bằng các hình thức gieo sạ và mạ sân, thì hiệu quả tăng 15 - 25%. Giống lúa BC15 - 02 người nông dân có thể tăng thu nhập từ 205 - 301 nghìn đồng/sào (vụ xuân) và 149 - 170 nghìn đồng/sào (vụ mùa) so với canh tác giống lúa BC15. Giống lúa BC15 trên toàn tỉnh (10.000 ha/năm) được thay bằng giống BC15 - 02 thì sẽ đem lại lợi nhuận khoảng 50 - 60 tỷ đồng.
Đề tài đã xây dựng được 400 ha mô hình giống BC15-02 năng suất trong vụ xuân 65,1 - 73,5 tạ/ha, vụ mùa đạt 67,8 - 72,3 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế trong sản xuất giống BC15-02 trong vụ xuân tăng từ 12,4 - 30,3 % và vụ mùa tăng từ 10,3 - 12% so với sản xuất giống lúa BC15 đối chứng. Hiệu quả kinh tế đạt cao nhất ở các địa phương áp dụng biện pháp tiên tiến gieo mạ khay, cấy máy trong cả vụ xuân và vụ mùa, do đó hình thức mạ khay cấy máy được khuyến khích gieo cấy trong thời gian tới.