Đến nay diện tích lúa đã thu hoạch để chuyển sang trồng cây rau màu vụ đông 2022- 2023. Theo dự báo vụ đông năm nay đông lạnh, rét đến sớm sẽ thuận lợi cho cây rau, màu ưa lạnh. Để nâng cao nhận thức nông dân về quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh để sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn và xuất khẩu, cần lưu ý đối với một số nhóm cây cụ thể như:
- Đối với cây ngô: Giống ngô tẻ có thời gian sinh trưởng từ 115 - 125 ngày, nên gieo trồng trên đất bãi ngoài đê; giống ngô nếp có thời gian sinh trưởng dưới 80 ngày nên gieo hạt làm bầu, trường hợp muộn nhất có thể đến giữa tháng 10 để trồng trên đất lúa.
- Đối với cây cà rốt: Chủ yếu là phục vụ xuất khẩu. Do vậy, cần mở rộng tối đa diện tích trồng cà rốt trên các chân đất phù hợp, nhất là khu vực huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP. Chí Linh. Đối với cây cà rốt cần tập trung chỉ đạo kỹ thuật để kiểm soát đối với tuyến trùng và dư lượng chất Hexaconazole trong củ trước khi thu hoạch để doanh nghiệp yên tâm thu mua xuất khẩu.
- Đối với cây hành tỏi: Sau khi thu hoạch có thể bảo quản tại nông hộ để tiêu thụ dần nên ít bị áp lực tiêu thụ. Do vậy, cần tập trung giải pháp phát triển tối đa diện tích trồng hành tỏi ở các vùng có truyền thống (Nam Sách, Kinh Môn) và mở rộng sang các vùng lân cận huyện Kim Thành, TP. Hải Dương, Chí Linh). Thời vụ trồng hành, tỏi tập trung đến giữa tháng 10/2022 lựa chọn giống tốt để đảm bảo năng suất và chất lượng hành tỏi sau này.
- Đối với cây su hào, bắp cải, súp lơ, rau ăn lá,…: Nông dân ở nhiều vùng sản xuất của Hải Dương rất có kinh nghiệm trồng su hào, bắp cải, súp lơ sớm để phục vụ thị trường giáp vụ, trong khi các tỉnh khác chưa trồng được. Mở rộng tối đa diện tích trồng vụ sớm ở những vùng có truyền thống và kinh nghiệm sản xuất Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, TP. Hải Dương… để tranh thủ thị trường rau giáp vụ; nên trồng rải lứa su hào, bắp cải lứa 2 (rau chính vụ) và xem xét hạn chế trồng su hào lứa 3 để tránh áp lực tiêu thụ khi cuối vụ cần dọn ruộng để cấy lúa Xuân. Thời vụ gieo trồng su hào, bắp cải, súp lơ, rau ăn lá từ đến 31/12/2022.
- Đối với cây khoai tây: Thời gian sinh trưởng của khoai tây ngắn, thời vụ trồng có thể kéo dài đến 15/11/2022. Khoai tây có thể bảo quản tại nông hộ trong thời gian ngắn nên ít chịu áp lực tiêu thụ tươi. Mở rộng diện tích khoai tây trên chân đất vàn, vàn cao cấy 2 vụ lúa ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
- Đối với ngô ngọt, bí đỏ, dưa chuột, ớt,…: Hiện nay nhu cầu thu mua ngô ngọt, bí đỏ, dưa chuột, ớt,.. của một số doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh lớn công ty CP Chế biến nông sản Hải Dương, Công ty Vạn Đắc phúc, Công ty Hoa Mai, HTX chế biến rau củ quả Đức Lộc, Công ty Hùng Sơn, …. Các địa phương còn dư nhiều quỹ đất trồng cây vụ đông nên chủ động liên hệ với các công ty, nhà máy trong tỉnh để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu trên đất 2 vụ lúa.
Lưu ý: ngô ngọt, bí đỏ, dưa chuột,… là những cây vụ đông ưa ấm, nên tuân thủ thời vụ gieo trồng và chỉ đạo sản xuất an toàn. Tránh trồng muộn, gặp rét, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh hiện nay đối với trồng cây vụ đông theo Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030: Tỉnh hỗ trợ 500 ha cây vụ đông tăng thêm..., 500 ha rau, trái cây sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GloblGAP; 90 mã số vùng trồng và 20 mã số cơ sở đóng gói; hỗ trợ thuê đất để phát triển sản xuất tập trung từ 200 ha… Ngoài ra, các địa phương cũng có chính sách đặc thù hỗ trợ một cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương như hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất an toàn theo GAP, hữu cơ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; hỗ trợ khuyến khích nông dân, cá thể, doanh nghiệp mượn ruộng, thuê ruộng, đổi ruộng để sản xuất cây vụ đông quy mô lớn. Để nhận được những chính sách hỗ trợ người dân đăng ký với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 12 huyện, thị xã, thành phố.
Bài của Bảo Ngọc
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5 ra tháng 10 năm 2022