Nâng cao chất lượng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng chuyển đổi số

Trong thời gian qua, công tác thông tin, thống kê KH&CN đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tăng cường tiềm lực KH&CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thực tế xã hội trong nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh.
Nâng cao chất lượng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng chuyển đổi số

Từng bước thực hiện chuyển đổi số thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa nguồn tin KH&CN, phối hợp với mạng lưới thông tin KH&CN tại các bộ, ngành và phương vào việc xây dựng và phát triển CSDL quốc gia về KH&CN, triển khai thực hiện truy cập mở đến tài liệu KH&CN số và dữ liệu nghiên cứu số nhằm công bố công khai thông tin phục vụ cộng đồng.

Thông tin, thống kê khoa học và công nghệ (KH&CN) đã và đang được nhìn nhận là một trong những yếu tố hàng đầu cho phát triển kinh tế tri thức. Trong điều kiện cách mạng KH&CN đang diễn ra với quy mô rộng lớn, KH&CN ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội, “phát triển và nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng chuyển đổi số” là một trong những định hướng trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới chinh phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện nay, hoạt động thông tin, thống kê KH&CN đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động thông tin, thống kê KH&CN, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin, thống kê KH&CN. Mạng lưới thông tin KH&CN trên cả nước, có sự thống nhất ngành dọc các tổ chức thông tin KH&CN từ trung ương đến địa phương. Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) là đầu mối thông tin cấp quốc gia. Hiện nay, đã có hơn 30 bộ, ngành và 63 địa phương đã chỉ định các đơn vị thực hiện tổ chức đầu mối thông tin KH&CN.

Qua 8 năm triển khai, tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin KH&CN tại các bộ ngành không thay đổi. Chức năng thông tin, thống kê KH&CN được giao cho 10 phòng quản lý và 50/63 đơn vị sự nghiệp. Ngoài ra, còn có một số tổ chức thông tin KH&CN trực thuộc trường đại học, Liên hiệp hội, doanh nghiệp và một số tổ chức khác…Các địa phương, nhân lực làm công tác thông tin, thống kê tại các Sở Khoa học và Công nghệ ước tính khoảng 500 người.

Tại một số đơn vị, một nhân lực có thể vừa đảm nhiệm công tác thông tin, thống kê KH&CN, vừa đảm nhiệm công tác ứng dụng tiến bộ KH&CN. Hiện nay, ngoài nguồn tin công bố dạng truyền thống như sách, tạp chí, tập san, do ảnh hưởng của sự bùng nổ thông tin số hoá, đáp ứng chuyển đổi số, trong thời gian gần đây, xu hướng giảm dần việc bổ sung nguồn tài liệu truyền thống và tăng cường các nguồn thông tin điện tử đang là xu hướng chung và diễn ra ngày một mạnh mẽ. Ngoài ra, còn có những nguồn tin KH&CN dưới dạng video như các phim khoa học được phổ biến rộng rãi trên các kênh truyền hình và hiện đang được một số địa phương tổ chức lưu giữ và phục vụ. Việc thay đổi cơ cấu nguồn thông tin KH&CN đã đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH của đất nước và nhu cầu sử dụng nguồn tin điện tử ngày một tăng của người dùng tin. Bên cạnh việc chia sẻ các nguồn tin nội sinh hiện có, sự hình thành và phát triển Liên hợp Thư viện (library consortium) được coi là một trong những giải pháp quan trọng trong việc phối hợp bổ sung nguồn tin nước ngoài theo năng lực tài chính của thành viên nhằm tiết kiệm kinh phí bổ sung, tránh trùng lặp, lãnh phí và thúc đẩy các quan hệ hợp tác tại các cơ quan thông tin, thư viện Việt Nam.

Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai phần mềm điều tra thống kê KH&CN trực tuyến, phần mềm này đã được áp dụng thí điểm để thu thập thông tin trực tuyến song song với điều tra phiếu giấy trong cuộc Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2022.

Bộ KH&CN đã phối hợp với điều tra viên ở các bộ ngành, địa phương triển khai cuộc điều tra nêu trên. Trong quá trình triển khai thử nghiệm phần mềm điều tra đã có nhiều hiệu quả được ghi nhận: việc thu thập thông tin bằng phương pháp trực tuyến (webform) tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị điều tra có thể chủ động cung cấp thông tin nhanh hơn; tiết kiệm nguồn lực… Từ đó Bộ KH&CN có thể xử lý, tổng hợp và công bố sớm kết quả điều tra. Đến nay, cuộc điều tra cơ bản đã hoàn thành với sự tham gia của 63/63 Sở KH&CN; đối với các bộ, ngành thì việc phối hợp thực hiện vẫn còn chưa đầy đủ và khá chậm trễ. Hoạt động thống kê KH&CN tại các bộ, ngành và địa phương gặp nhiều khó khăn, Ngân sách dành cho hoạt động thống kê KH&CN còn hạn hẹp, đặc biệt là ở các địa phương.

Định mức chi và khoản chi để thu thập các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu thống kê cũng chưa được đưa vào áp dụng một cách đầy đủ. Nhân lực làm công tác thống kê KH&CN ở các bộ ngành và địa phương còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm dẫn đến việc triển khai các nhiệm vụ còn vướng mắc, chậm trễ, đặc biệt thiếu các các cán bộ có chuyên môn thống kê nhằm đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê KH&CN cho các cán bộ làm công tác thống kê ở các địa phương và các tổ chức hoạt động KH&CN trên địa bàn còn hạn chế Ngoài ra vẫn còn tồn tại một số tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước hoạt động KH&CN và các tổ chức có hoạt động nghiên cứu và phát triển còn chưa có ý thức thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ báo cáo thống kê và điều tra thống kê KH&CN.

Trong năm 2023, Cục Thông tin KH&CN quốc gia tiếp tục triển khai thực hiện định hướng chiến lược phát triển công tác thông tin, thống kê KH&CN là một bộ phận cấu thành của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin, thống kê KH&CN về kỹ năng xử lý thông tin, mô tả, khai thác phần mềm, thống kê KH&CN cho các cán bộ thông tin, thống kê trên toàn quốc. Đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động thông tin, thống kê KH&CN: ứng dụng CNTT, phân cấp trong việc xây dựng và phát triển CSDL quốc gia về KH&CN. Xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu KH&CN đặc thù tại các bộ, ngành và địa phương bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống CSDL về KH&CN với CSLD quốc gia về KH&CN và với CSDL quốc gia về dân cư, đáp ứng tinh thần của Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ thông tin, thống kê KH&CN đảm bảo chính xác, trung thực, khách quan, đầy đủ và kịp thời của các thông tin theo yêu cầu của lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cá nhân để cung cấp cho công tác hoạch định chiến lược, chính sách phát triển KHCN và kinh tế-xã hội, cung cấp thông tin phục vụ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ, phát triển các giải pháp, quy trình công nghệ và sản phẩm mới, sẵn sang nắm bắt cơ hội cũng như đối mặt với các thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường hoạt động thông tin giao dịch công nghệ, kết nối cung cầu, phổ biến thông tin công nghệ, tư vấn thông tin công nghệ nhằm đẩy mạnh giao dịch thương mại về công nghệ, thiết bị và sản phẩm KH&CN mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội./

Bài của Phan Huy Toán

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2022


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập193
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,093,441
  • Tổng lượt truy cập3,798,645
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây