Người nông dân nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP

Từ năm 1987 với hai bàn tay trắng, anh Đào Hữu Thuân (sinh năm 1964) ở thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) đã suy nghĩ phát triển chăn nuôi để nâng cao kinh tế gia đình. Đầu tiên anh nuôi 100 con gà thịt giống Lương Phượng đã cho hiệu quả rất khả quan; từ đó số lượng gà cứ tăng dần và phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi qua các năm.
Người nông dân nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP

Đến năm 2003 quy mô chăn nuôi của gia trại của anh đã lên 2.000 con, năm 2007 lên tới 8.000 con… Đến nay gia đình anh đã có quy mô 6 trang trại nuôi gà đẻ trứng hiện đại với diện tích 6.000 m2, nuôi 7 vạn con gà, trong đó 5 vạn con gà đẻ và 2 vạn gà hậu bị để thay thế, cho thu nhập lãi trên 2 tỷ đồng/năm.

Từ năm 2011 nhận thấy thị trường tiêu thụ gà trắng thịt dễ dàng, gà nuôi nhanh được bán và giá cả ổn định mang lại giá trị kinh tế cao, anh đã làm chuồng trên diện tích đất vườn của gia đình và nuôi thử 200 con. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm nuôi gà. Sau đó anh Thuân bắt đầu tăng dần quy mô lên tới 2.000 con gà thịt/lứa/2 tháng. Đến năm 2015, nhận thấy gà trắng thịt không còn được thị trường ưa chuộng, anh đã nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và nhận thấy nhu cầu tiêu thụ trứng gà rất lớn nên thay đổi chăn nuôi gà thịt sang gà đẻ trứng.

Cũng như bao người khác khi mới chuyển sang nghề mới, lúc mới vào nuôi gà đẻ trứng anh cũng gặp nhiều khó khăn nhưng cùng gia đình đã cố gắng vượt qua. Để nắm vững kiến thức nuôi gà đẻ, anh bỏ ra nhiều thời gian, công sức học hỏi các mô hình trong và ngoài tỉnh, đọc thêm nhiều sách chuyên môn để nâng cao kiến thức, cũng như được nhiều chuyên gia tư vấn. Tìm hiểu thêm một số những nghiên cứu của các nhà khoa học đã thực hiện về phòng chống dịch bệnh cho gà. Vì thế, việc chăn nuôi gà đẻ tương đối thuận lợi.

Với quy mô ban đầu là 1000m2 Với quy mô 1.000m2, ông nuôi 2 vạn con gà đẻ trứng. So với gà thịt, trứng gà tương đối dễ bán do giá phù hợp và số lượng người tiêu thụ cũng đa dạng hơn. Cũng vào thời điểm này, có một số chủ trang trại đã bán lại trang trại và được anh tiếp tục sử dụng nuôi gà đẻ.

Thấy mô hình nuôi gà của anh Thuân phát triển, cho thu nhập ổn định; nhiều người dân trong xã Cẩm Đông đã đầu tư chuồng trại nuôi gà thịt cung cấp cho thị trường. Để hỗ trợ các hộ nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế cao, bản thân anh Thuân đã trở thành đại lý cấp 1 cung cấp gà giống và thức ăn chăn nuôi cho nhiều trang trại gà ở các xã trong huyện. Có thời điểm thị trường bão hòa, giá bán xuống rất thấp khiến người chăn nuôi lao đao, nhiều gia đình phải bỏ vì gà nuôi ra không bán được. Tuy nhiên gia đình anh vẫn tìm mọi cách để bám trụ và duy trì với nghề chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng.

Trải qua hơn 30 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, đến nay, anh Thuân đã có trong tay 6 trang trại nuôi gà đẻ trứng hiện đại với tổng diện tích 6.000 m2, nuôi 7 vạn con gà, trong đó luôn có 5 vạn con gà đẻ, 2 vạn gà hậu bị. Với mô hình kinh tế đa dạng này, năm 2021, anh đã cung cấp cho thị trường tới 16,2 triệu quả trứng, thu lãi hơn 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên với mức lương ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng và 6 lao động thời vụ.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, được sự tư vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học anh Thuân đã chuyển hướng từ chăn nuôi thông thường sang đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP. Anh đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động sản xuất của gia đình để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp. Tại các trang trại anhđã sử dụng hệ thống bán tự động máy móc bao gồm chuồng lạnh, nuôi lồng, máy hút gió, máy cung cấp thức ăn. Để đảm bảo vệ sinh môi trường cho con người và vật nuôi, hàng ngày có người thu dọn phân gà và xử lý ủ bằng men vi sinh thành phân bón hữu cơ dùng cho chăm sóc cây trồng, rau màu.

Anh cho thêm: “Tôi đã sử dụng một số kỹ thuật như điều chỉnh ánh sáng trong chuồng theo chu kỳ, cho ăn theo độ tuổi và bổ sung các chất dinh dưỡng hợp lý nên chất lượng trứng, màu sắc, độ bóng đã nâng lên đáng kể”. Với 5 vạn con gà đẻ trứng, mỗi ngày, ông Thuân thu khoảng 4 vạn quả trứng, được doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua, ngoài ra ông còn bán trên sàn thương mại điện tử. Để đảm bảo tiêu chí sạch trong chăn nuôi, nhằm nâng cao chất lượng quả trứng gà, ông Thuân quan tâm lựa chọn con giống, nguồn thức ăn đảm bảo và kết hợp cho gà ăn thêm một số thảo dược như bột gấc, bột nghệ, uống nước tỏi tươi. Hiện ông làm thêm dịch vụ cung ứng cám, gạo cho người dân địa phương.

Với quy trình sản xuất an toàn, sản phẩm trứng gà “Cẩm Đông” được các thương lái, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh… đặt hàng với giá cao hơn giá thị trường. Trứng gà Cẩm Đông có tỷ lệ lòng trắng thấp, lòng đỏ cao, thơm ngon, bổ sung nhiều vitamin cho cơ thể, được người tiêu dùng lựa chọn. Năm 2020, sản phẩm đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt OCOP 3 sao càng tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm”. Ông Đào Hữu Thuân vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Bài của Phan Huy Toán

Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 6 ra tháng 12 năm 2022


Tạp chí KH&CN
Xem tạp chí:
Cổng thông tin điện tử Sở KHCN
Thương hiêu
Sàn Giao dịch công nghệ
Chuyển đổi số
Chuyên trang Nông nghiệp
Trang tiết kiệm năng lượng
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập183
  • Hôm nay53,647
  • Tháng hiện tại1,093,528
  • Tổng lượt truy cập3,798,732
Thống kê truy cập
Thống kê truy cập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây