Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã từng bước thay đổi nhận thức, hành vi trong kinh doanh sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy thuận lợi thương mại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường xuất khẩu và ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Trong năm qua, Sở KH&CN đã tiếp nhận và giải quyết 483 hồ sơ liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp. Tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 54 cơ quan hành chính nhà nước 24 UBND cấp xã; 12 các sở, ngành; 6 chi cục và 12 UBND cấp huyện thực hiện việc duy trì áp dụng, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng. Kiểm tra trên hồ sơ, báo cáo của 171 cơ quan, chứng nhận kiểm tra tại 50 UBND cấp xã thuộc 12 huyện, thành phố, thị xã.
Đã thanh tra, kiểm tra 23 mẫu hàng hóa để kiểm tra về chất lượng. Kết quả 21/23 mẫu đạt chất lượng, 2 mẫu phân bón không đạt chất lượng. Tiến hành 03 đợt kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa tại 47 doanh nghiệp. Lấy 5 mẫu để kiểm tra chất lượng. Kết quả có 1 mẫu dầu DO không đạt yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật. Phối hợp với Thanh tra và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 34 doanh nghiệp.
Hoạt động năng suất, chất lượng, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc đáp ứng kịp thời yêu cầu tăng cường quản lý trong bối cảnh mở cửa thị trường, ứng dụng hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại để phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư nhưng tăng cường kiểm soát hàng hóa và các bên liên quan trong toàn chuỗi cung ứng cũng như xác định, truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không an toàn, kém chất lượng, ngăn chặn hàng giả hàng nhái…
Chủ đề Ngày đo lường thế giới năm 2024 là sự bền vững. Các phép đo chính xác là nền tảng của việc xây dựng chính sách và nghiên cứu môi trường vì tạo điều kiện để chúng ta hiểu và xử trí các thách thức môi trường phức tạp như biến đổi khí hậu, ô nhiễm, và cạn kiệt tài nguyên. Chủ đề sự bền vững thúc giục chúng ta khám phá cách đo lường đóng góp vào việc cải thiện đới sống hàng ngày của chúng ta. Ví dụ, những phép đo chính xác và tin cậy giúp giám sát tốt hơn các tham số môi trường, đánh giá tốt hơn những ảnh hưởng đến hoạt động của con người và phát triển các chiến lược cải thiện cân bằng sinh thái học. Đo lường tạo điều kiện để chúng ta đưa ra được những quyết định sáng suốt, hoặc bằng cách định lượng khí thải carbon, đo chất thải, hoặc giám sát môi trường sống tự nhiên.
Đo lường có vai trò quan trọng trong tính toán carbon, nó có thể bao phủ một phạm vi rộng các hoạt động gồm việc đo chính xác, việc tính toán, giám sát, báo cáo, và đánh giá chất làm ô nhiễm. Các chương trình tính toán carbon và các biện pháp quản lý khác để bảo vệ môi trường cần có dữ liệu tin cậy, dựa trên những phép đo chất gây ô nhiễm tiềm ẩn có trong môi trường chính xác tới một phần tỷ (10-9).
Đo lường cũng có tầm quan trọng then chốt vì nó hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và những nỗ lực của Liên Hiệp quốc đạt tới sự phát triển toàn cầu bền vững như:
- Thương mại công bằng và minh bạch trên cơ sở phục vụ của đo lường pháp định để cải thiện điều kiện kinh tế cho tất cả chúng ta và hỗ trợ giảm nghèo;
- Các kết quả thử tin cậy và so sánh được là quan trọng để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta;
- Tác động khí hậu hiệu quả phải dựa vào công nghệ đo lường để định lượng các khí thải và các biến số khí hậu thiết yếu cũng như giám sát hiệu lực của chiến lược giảm nhẹ;
- Các phép đo là thiết yếu để phát triển và giám sát công nghệ đảm bảo chúng ta có sự tiếp cận tới năng lượng sạch và chấp nhận được;
- Hạ tầng cơ sở và sự đổi mới công nghiệp phụ thuộc vào các phép đo chính xác đối với một phạm vi rộng các thông số.
Chủ đề Ngày Đo lường thế giới 2024 nhấn mạnh vai trò thiết yếu của đo lường trong tất cả các trường hợp này và nhắc nhở trách nhiệm tập thể bảo vệ hành tinh của chúng ta.
Năm 2024 cũng đánh dấu một chương mới trong việc quảng bá Ngày Đo lường thế giới theo Nghị quyết của Phiên họp thứ 42 Hội nghị toàn thể UNESCO tháng 12/2023 về việc UNESCO công nhận chính thức 20/5 là Ngày UNESCO Quốc tế để tiến hành kỷ niệm hàng năm.
Đây là cơ hội mới để thúc đẩy đo lường và phù hợp với sứ mệnh của UNESCO là xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua khoa học và giáo dục.
Bài của Minh Tuấn
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 5 năm 2024